Lễ chém lợn: Hình ảnh đáng sợ nhất là những con lợn giãy giụa

Y. Dương |

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên khẳng định, chúng ta giữ những tín ngưỡng dân gian nhưng cần thay đổi cho phù hợp với xã hội.

Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) đã lên tiếng phản đối lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Tiên Du, Bắc Ninh), với nội dung:

"Việc chém những con heo còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, những người chứng kiến và thực hiện nhiều hành động tàn ác với động vật cũng có xu hướng đối xử tàn ác và thô bạo đối với người khác trong cùng cộng đồng".

Ngay sau đó, phía lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định việc chém lợn đã được dừng từ 2 năm nay và chuyển sang hình thức khác cho phù hợp hơn.

Về lễ hội này, chia sẻ trên một tờ báo trong nước, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên khẳng định, việc dẹp bỏ chuyện chém lợn là việc làm nhân văn.

Theo ông Biên, chúng ta giữ những tín ngưỡng dân gian nhưng cần thay đổi cho phù hợp với xã hội, tránh những tác động tiêu cực tới giới trẻ.

Ông Phan Đình Tân (Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VH-TT&DL) thông tin trên tờ Pháp luật T.p HCM:

“Quan điểm của Bộ VH-TT&DL là những hủ tục, những trò chơi dân gian kích thích bạo lực thì Bộ hoàn toàn phản đối.

Trong một xã hội văn minh, mình cần phải hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ đích thực của cuộc sống, không nên duy trì những hủ tục như vậy. Cần hạn chế dần những hành động bạo lực. Bộ đã lên tiếng rất nhiều lần rồi, nhất là việc chém lợn dã man, tàn bạo”.

Biểu hiện của trẻ em khi xem việc cắt tiết lợn. (Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á/PLTPHCM)

Tiến sĩ Tuấn Bendixsen (Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam) là người từng tham dự lễ hội chém lợn tại Bắc Ninh.

Khi phát biểu trên tờ Dân Việt, ông đã cho biết, hình ảnh đáng sợ nhất là những con lợn kêu thét và giãy giụa khi chúng bị chém bằng những thanh kiếm.

Không phải thời gian gần đây, việc phản đối bạo lực, đâm chém trong một số lễ hội mới được nói tới.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội khóa 12 vào tháng 6/2009, trong văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ VH - TT& DL Hoàng Tuấn Anh có viết: "Chúng tôi cho rằng, hành vi chém lợn hay chặt đầu trâu hiện không còn phù hợp và không nên duy trì tại các lễ hội trên".

Hình ảnh tại lễ hội chém lợn. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Hình ảnh tại lễ hội chém lợn. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Lễ hội chém lợn được tổ chức vào ngày mồng 6 Tết Nguyên đán hàng năm tại thôn Ném Thượng (xã Khắc Niệm, Tiên Du, Bắc Ninh).

Lễ hội này được khôi phục từ chừng hơn chục năm nay.

Theo dân gian, xưa kia, một vị tướng cuối đời nhà Lý khi đánh trận chạy đến vùng núi Ném Thượng đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân.

Từ đó, người dân đã mở hội chém lợn hằng năm để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất hoang vu này.

GS Trần Lâm Biền thông tin trên tờ Thể thao & Văn hóa: Đây là nghi thức với ngầm ý xin thành hoàng phù hộ để vùng đất bản địa được trù phú, màu mỡ - khi màu đỏ của tiết lợn được coi là biểu trưng của sinh khí.

(Tổng hợp)

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại