Xoanh quanh câu chuyện lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) trong ngày mùng 6 Tết đã có rất nhiều ý kiến trái chiều bàn luận, thậm chí là gay gắt.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.NGND Nguyễn Lân Dũng và PGS.TS Văn Như Cương để có cái nhìn đa chiều hơn.
"Chúng ta đừng làm to chuyện phong tục, tập quán"
Trước khi bày tỏ quan điểm, GS Lân Dũng đã trích dẫn những ý kiến của một vài nhà khoa học ủng hộ tục chém lợn.
Trong đó, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã từng nói: "Tôi sợ nhất là sự can thiệp của các nhà quản lý khi họ áp đặt quan điểm của ngày hôm nay vào những phong tục, tập quán, lễ hội mang tính dân gian, truyền thống...
Theo tôi, đừng nên áp đặt tiêu chuẩn ở khu vực này, vùng miền này, nền văn hóa này cho những nơi khác.
Ngay chúng tôi là cán bộ văn hóa cũng chỉ dám xem xét, nghiên cứu lễ hội từ bản chất cội nguồn của nó chứ không dám quyết định phải nên thế nào cả".
Còn PGS.Trần Lâm Biền thì nêu quan điểm: Máu đỏ trong tín ngưỡng nguyên thủy là biểu trưng cho sự sống, sinh khí.
Vì thế, người dân làng Ném Thượng thực hiện nghi thức chém lợn để máu đỏ chảy ra sân đình nơi thờ Lý thành hoàng, là nhằm gợi ý với bậc thánh thần này hãy mang sinh khí, sự phát triển đến nơi đây.
Phong tục này là để cầu may cho mọi người, nó vượt qua cả khái niệm dã man hay không dã man. Văn hóa nếu chỉ nhìn hình thức có thể tưởng là dã man, nhưng đằng sau lại là tính nhân đạo".
Qua đó, GS Lân Dũng cho rằng, với đa số dân chúng khi xem qua truyền hình đều cảm thấy không ổn.
Hình thức đáng sợ quá! Những thủ đao cầm con dao cán dài chém ngay vào con lợn sống, máu phun tung tóe. Rồi dân chúng cầm tiến thấm máu đem về thờ...
"Chuyện một làng giữ truyền thống lâu đời này mà không có mặc cảm gì thì chả có gì cần bàn luận.
Vấn đề chỉ là có nên đưa lên các phương tiện truyền thông rộng rãi để rồi tranh cãi đủ điều, nào là man rợ, nào là dã man...
Với tôi, ngay chuyện Chọi trâu ở Đồ Sơn hay đấu bò tót ở Tây Ban Nha tôi cũng rất ít thiện cảm. Nhưng đó là tập quán và hình thức khá khác so với chém lợn”, GS Lân Dũng thẳng thắn.
Hình ảnh trong lễ hội chém lợn năm 2015. (Ảnh: Zing)
Ông nói bản thân những nhà khoa học "ủng hộ" chém lợn cũng ý kiến rằng việc riêng này lại được chụp ảnh, quay phim đưa lên báo thì đúng là có thể ảnh hưởng đến người khác thật nhưng đâu phải là lỗi của người dân làng Ném Thượng.
Vì vậy, theo ý kiến của ông thì: "Vấn đề đã khá rõ. Chúng ta đừng làm to chuyện phong tục, tập quán của một ngôi làng riêng lẻ.
Tại đấy, dân làng tin rằng nghi thức này bắt nguồn từ xa xưa, cầu cho con người được mùa săn bắn trong cả năm.
Hiện nay là cầu mùa mạng bội thu, phát triển sinh sôi và đem lại hạnh phúc cho cộng đồng.
Đây không phải là phong tục, tập quán của nhân dân cả nước và không đáng để Tổ chức Bảo vệ động vật Châu Á phải quan tâm".
“Tôi sẽ cấm ngặt con tôi xem chém lợn”
Tuy nhiên, PGS.TS Văn Như Cương bày tỏ quan điểm phản đối tục lệ này và cho rằng cần phải dừng lại.
"Tôi phản đối việc duy trì tục lệ chém lợn. Tôi đọc báo và thấy hình ảnh rùng rợn quá! Tôi sẽ cấm con cái đi xem tôi nếu chúng muốn đến đó", PGS Như Cương nói.
Ông bày tỏ sự ngạc nhiên khi đọc bài báo phỏng vấn một người nghiên cứu văn hóa nói rằng, nếu không về làng tìm hiểu phong tục chém lợn thì đừng chê bai, cấm đoán.
Theo PGS Văn Như Cương, nếu đó là truyền thống lâu đời nhưng không thích hợp nữa thì có thể cấm.
"Tục lệ này có một thời gian đã dừng, nay lại khôi phục lại. Vậy tôi hỏi vài chục năm không làm thì có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hay không?
Trước đây người ta cấm đốt pháo ngày Tết còn làm được, huống chi là một phong tục của một làng, tại sao không dừng được? Tôi cho rằng cần cương quyết là làm được!", vị này nhấn mạnh.