Kỳ lạ: Cựu đại úy công an 12 năm dựng lều sống ở nghĩa trang

Kỳ Thịnh |

Nơi ở của bà Huệ nằm trọn trong lùm cây rậm rạp. Trong lùm cây ấy có một của bố mẹ bà và một ngôi mộ vô danh. Bà như bóng ma ở nghĩa địa, chỉ xuất hiện và làm mọi việc vào ban đêm.

Sống kiếp “người rừng” để báo hiếu mẹ cha

Người dân xóm 4, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đều biết bà Phạm Thị Hải Huệ (66 tuổi). Họ gọi bà là “người rừng”, “dj nhân”. Bởi trong cảnh không điện, nước lấy từ giếng khoan của nghĩa địa, đun nấu bằng củi, bà Huệ đã sống 12 năm trời ở nghĩa trang.

Bà sống khép, kín, không giao lưu với hàng xóm, láng giềng. Bà Nguyễn Thị Loan, một người dân cho biết: “Ban đầu, chúng tôi cũng tìm cách nói chùyện nhưng bà ấy không đáp lại. Lâu dần, hàng xóm không còn lui tới chỗ bà ấy nữa”.

Chân dung đại úy công an chọn cách sống như người rừng trong bãi tha ma.

Chân dung đại úy công an chọn cách sống như "người rừng" trong bãi tha ma.

Bà Huệ sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Xuân Phổ. Năm 1965, bà được biên chế vào ngành công an. Vì lý do chiến tranh nên bà Huệ chuyển ra Bắc rồi về công tác tại Công an TP. Hạ Long, tình Quảng Ninh. Mẹ bà Huệ mất sớm. Cha bà thì ốm yếu mù lòa.

Sau khi ổn định công tác, bà đón cha ra Quảng Ninh để chăm sóc. Hai cha con sống trong căn nhà tập thể cạnh cơ quan nơi bà Huệ công tác.

Cách đây 20 năm, cha bà tạ thế và được chôn cất ở nơi đất khách, quê người. Năm 2003, nhận quyết định về hưu, bà Huệ cất bốc hài cốt của cha mang về an táng ở nghĩa trang xã Xuân Phổ, bên cạnh mộ của mẹ.

Từ đó, bà Huệ sống cạnh mộ bố mẹ để chăm lo việc hương khói. Anh Phạm Sỹ Long, cháu của bà Huệ chia sẻ: ‘Từ ngày về quê, dì ấy đã sống như vậy rồi. Tôi cũng nhiều lần vận động dì ấy về sống với vợ chồng tôi nhưng dì ấy không chịu”.

Hai ngôi mộ của bố mẹ được bà Huệ ghép gạch khang trang.

Nơi ở của bà Huệ nằm trọn trong lùm cây rậm rạp, nếu người đi đường không để ý thì sẽ không phát hiện được có sự sống của con ngườí.

Trong lùm cây ấy có mộ của bố mẹ bà Huệ và một ngôi mộ vô danh. Những ngôi mộ này đều được bà Huệ ghép gạch sạch sẽ, khang trang. Lúc chúng tôi đến, những bát cơm cúng cạnh những ngôi mộ này vẫn còn.

“Nhà” của bà Huệ rất tạm bợ. Đó chỉ là một tấm bạt che tạm trên đầu, dưới là nền đất. Mọi sinh hoạt ăn, ngủ đều ở một chỗ.

Vào ban đêm, bà Huệ dùng một tấm ván mỏng để dưới nền đất nằm ngủ. Bà Huệ nuôi bò, gà và mèo. Những con bò được người phụ nữ này xây chuồng rất cẩn thận.

Mọi công việc từ ghép gạch cho những ngôi mộ, chăn bò, cắt cỏ đều được bà Huệ làm vào ban đêm để tránh gặp mọi người.

Anh Long chia sẻ: “Mỗi lần mưa gió, dì Huệ lại ngủ với những con vật đó. Đồ ăn, thức uống của dì và cả của những con vật này đều được dì đặt mua ở các hàng quán quen. Nhưng chẳng bao giờ dì ra lấy đồ hết mà là tự người ta đưa vào.

Cuối tháng dì ấy có lương thì trả một thể luôn”.

Chỗ ở tạm bợ của bà Huệ suốt 12 năm qua.

Bà Huệ có vẻ ngoài rách rưới, luộm thuộm. Nói về quyết định sống ở bãi tha ma, bà cho biết:"Tôi đi làm xa biền biệt bao nhiêu năm không ở cạnh chăm sóc gì được cho bố mạ. Bây giờ tôi về hưu, có thời gian rảnh rỗi thì bố mẹ đã mất.

Để bù đắp và báo hiếu cho bố mẹ, tôi chọn cách sống cạnh mộ của các cụ để sớm hôm hương khói”.

Nhiều người nói “dị nhân” bị... “ma nhập”

Ông Nguyễn Kim Điểu (66 tuổi), một người bạn lâu năm cùng công tác với bà Huệ giãi bày: “Hồi ở đơn vị, bà ấy là người hiền lành, năng động và rất chăm chỉ. Mọi công việc được giao bà ấy "hoàn thành rất tốt.

Từ ngày bố bà ấy mất, bà ấy bỗng trở nên không muốn giao tiếp với mọi người, ở TP. Hạ Long, bà Huệ được cơ quan cấp cho một mảnh đất để xây nhà sinh sống. Bà ấy cũng xây cổng kín, tường cao biệt lập với hàng xóm xung quanh.

Mỗi lần tôi đến chơi đều phải gọi cửa và xưng tên thì bà ấy mới chịu ra mở cửa". Từ ngày bà Huệ chuyển về quê sống, căn nhà ở Hạ Long của bà cho người khác thuê, nhưng đến nay họ cũng chưa một lần trả tiền cho bà.

Không đồng tình với cách sống ở nghĩa trang của bà Huệ bây giờ, ông Điểu nhiều lần khuyên bà Huệ về nhà sống với cháu chắt. Thế nhưng bà Huệ không đồng ý. Mỗi tháng đúng vào ngày mùng 6, ông Điểu đều từ TP. Vinh đến đưa lương hưu cho bà Huệ.

Anh Long nhiều lần thuyết phục nhưng bà Huệ không chịu chuyển về làng sinh sống.

Để tiện cho việc liên lạc hay chuyển tiền lương, ông Điểu muốn mở tài khoản ngân hàng và mua cho bà Huệ chiếc điện thoại, nhưng bà Huệ kiên quyết không chịu, ông Điểu kể:

“Có những lần tôi bận công chuyện không chuyển được lương cho bà ấy nên gửi bưu điện cách chỗ bà ấy ở có mấy bước chân. Thế mà bà ấy cũng không đi nhận, lại còn thuê người đi nhận hộ.

Rồi đến cả chuyện liên lạc bằng điện thoại, bà ấy chấp nhận mỗi lần gọi nhờ của nhà hàng xóm, họ lấy 100 nghìn chứ không chịu để tôi mua điện thoại. Đến giờ, tôi cũng không hiểu vì sao bà ấy lại chọn cuộc sống như vậy nữa.

Không hẳn là báo hiếu cho bố mạ mà bà ấy nặng tư tưởng về phần âm quá”.

Sống ẩn dật, khó tính, hay cau có, nên bà Huệ khiến nhiều người hoảng sợ khi gặp. Bà Huệ nói mình chọn cuộc sống “người rừng” giữa thời hiện đại là để làm tròn đạo hiếu với đấng sinh thành. Nhưng với người ngoài thì họ cho rằng bà Huệ giống như đang bị “ma nhập”.

Một người dân sống gần khu nghĩa địa cho biết: "Bà ấy như bóng ma ở nghĩa địa vậy, chỉ xuất hiện vào ban đêm. Mỗi lần có ai đến gần lùm cây nói bà Huệ sống là bị bà ấy xua đuổi, chửi mắng. Bà ấy sống thất thường lắm.

Nhiều người vào tìm nhưng có người thì bà ấy tiếp chuyện còn có người thì bà ấy đuổi về từ đầu ngõ”.

Suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi, bà Huệ kể về cuộc sống của mình sau ngày về hưu. Lúc hứng khởi, người phụ nữ này chạy vào căn lều lôi bộ quân phục ra mặc cho chúng tôi xem.

Với nhiều người, cuộc sống như bà Huệ là kỳ dị nhưng với bà thì đó là sở thích và rất thoải mái.

Nói về việc xua đuổi, chửi bới khi có người đến gần chỗ mình ở, bà Huệ phân trần: "Trước đây, tôi đâu có như vậy. Chỉ là sau này do mọi người sống gần nghĩa địa không chịu chặt cây, dọn dẹp cây cối sạch sẽ nơi mộ bố mẹ tôi nên tôi mới cáu gắt như vậy".

Bà Huệ liên tục khẳng định bà chọn lối sống như vậy là để bù đắp lại quãng thời gian lo cống hiến cho đất nước mà không có thời gian phụng dưỡng mẹ cha, chứ tâm trí mình hoàn toàn tỉnh táo, bình thường.

Thế nhưng trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà thường nhắc đến cuộc sống dưới... “phần âm" nhiều hơn. Bà còn nói mình được “âm phủ” giao cho quản lý hành chính các xã ven biển của huyện Nghi Xuân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ, từ nhiều năm trước, lãnh đạo xã, huyện đã đến tận nơi động viên, đề xuất xây nhà cho bà Huệ nhung bà không cần tới sự giúp đỡ.

Thực tế, kinh tế của bà Huệ cũng không khó khăn nên giờ chính quyền không can thiệp đến cuộc sống của bà Huệ nữa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại