Người chụp bức ảnh "hai bố con ôm nhau khóc" vì con bị đình chỉ thi lên tiếng

Mạc Nhiên |

Trước cơn bão mạng về bức ảnh hai bố con ôm nhau khóc giữa trường thi vì bị đình chỉ, tác giả và một nhân chứng đã chính thức lên tiếng chứng thực về bức ảnh này.

Trong suốt 3 ngày qua, câu chuyện về việc thí sinh bị đình chỉ thi do tiếng chuông điện thoại của bố vẫn đang trở thành chủ đề gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng. Kèm theo bài viết này là bức ảnh mà theo tác giả Đ.N, đây là ảnh hai bố con trong câu chuyện.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, hai người trong bức ảnh không phải là hai bố con vì hình ảnh cho thấy ông bố còn quá trẻ. Thậm chí, có ngươi còn nói đây là bức ảnh giả mạo, vì thế đặt ra nghi vấn về sự thật của câu chyện này.

Bài viết và bức ảnh của thành viên Đ.N gây tranh cãi.

Tranh cãi cũng nổi lên gay gắt trên một diễn đàn lớn, liên quan đến câu chuyện của Đ.N.

Câu chuyện sẽ không có lời giải đáp cho đến khi tác giả của chính bài viết – nick name Đ.N lên tiếng và chia sẻ sự thật về bức ảnh.

Liên hệ với anh chàng có nickname Đ.N (người Đà Nẵng), anh xác nhận anh chính là người chụp bức ảnh này khi đang có mặt tại trường thi ở Trường Cao đẳng lương thực thực phẩm Đà Nẵng ngày 1/7 kỳ thi THPT Quốc gia 2015.

Anh cũng cho biết, anh rất bất ngờ khi bức ảnh cùng câu chuyện anh chia sẻ lại gây xôn xao trong cộng đồng mạng. Đồng thời cũng rất bức xúc khi bức ảnh tự tay mình chụp lại bị nhiều người lên án là giả mạo. Vì thế, anh đã quyết định lên tiếng.

Nội dung bình luận của Đ.N trong diễn đàn lớn trên:

“Chào các anh chị trong status. Em không cần thiết phải chứng minh khi một số người cho rằng bức ảnh đó là 2 sinh viên dàn dựng bởi vì ông bố nhìn quá trẻ vì ngay cả bản thân em cũng thấy ở góc chụp này chú đó trông trẻ thật.

Em chỉ muốn nói với 2 người trên diễn đàn đã khẳng định như thế này:

Người thứ 1: Nói đã liên lạc với điểm thi đó để kiểm chứng, em cá 100% là không có chuyện kiểm chứng.

Lúc bạn thí sinh đó ra khóc thì các giáo viên và điểm trưởng đang trong Hội đồng làm công tác giao nhận bài, không ai thấy bạn đó ngồi với ba, nếu có gọi điện kiểm chứng thì chả giáo viên nào phủ nhận hay phủ định đó là cha bạn đó vì giáo viên có thấy đâu mà trả lời.

Duy nhất có 2 người cán bộ thấy và chứng kiến từ đầu chí cuối là anh bảo vệ tiên Th và một cán bộ làm công tác ở đó.

Nếu có kiểm chứng thì các anh chị đến gặp bảo vệ sẽ rõ (ở đó có 4 bảo vệ). 2 người xưng danh ba - con với nhau từ đầu chí cuối thì không lý do gì nói họ là anh em hay bạn bè, nếu bạn bè mà xưng ba con thì chắc một người tên Ba và một người tên Con.

Người thứ 2: cho rằng đã gặp hình ảnh này ở môt góc chụp khác đối diện hóa ra là 2 sinh viên nhưng quên tải về.

Em lại chắc chắn 100% trong số 5-6 người đứng đó có mình em đưa máy chụp, nếu tìm được tấm nào ở góc khác nói bạn bè thì em cõng từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng chơi. Em hứa đấy!

Kết thúc câu chuyện, mục đích em đưa hình lên và cố tình lựa tấm chụp nghiêng mặt chú đó để dư luận có gì đó đồng cảm và tiếc nuối cho em thí sinh, đồng thời để những em khác thấy mà rút kinh nghiệm vì đây là quy chế được phổ biến nhiều lần nhưng năm nào cũng có trường hợp vi phạm.

Em không nghĩ status của em lại được lan truyền nhiều đến vậy, em vui vì được mọi người quan tâm và cũng có chút băn khoăn không biết ảnh hưởng gì đến hình ảnh cha con chú đó không, vì thế em không muốn chứng minh bằng hình ảnh chính diện.

Mấy ngày nay, nhiều người xưng là báo này báo kia xin ảnh rõ mặt để kiểm chứng nhưng em không cho vì tin hay không là quyền các anh chị, em đăng status facebook chứ không viết báo.

Nếu anh chị nào muốn xem ảnh để chứng minh đó là người đàn ông ngoài 40 thì liên lạc em ở Đ.N. em sẽ cho xem trực tiếp chứ không gửi qua mạng.

Một lần nữa, em chỉ muốn nói nếu anh chị nào có kiểm chứng tại điểm thi hay có xem hình khác rồi: Có thì nói có, không thì không nên nói, đừng rẽ dư luận sang hướng khác bằng một hành vi em cho rằng giả tạo để làm anh hùng bàn phím.

Thời nay nhiều anh hùng lắm”.

Một số người liên hệ trực tiếp với anh để được xem bức ảnh chụp trực diện mặt của người cha cũng khẳng định người đàn ông này đã ngoài 40 tuổi.

Bức ảnh chụp trực diện khuôn mặt ông bố. (trong bức ảnh còn xuất hiện một người bảo vệ trường thi). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số người vẫn muốn giữ nguyên lập trường của mình về bức ảnh đầu tiên, họ khẳng định người ôm thí sinh này còn quá trẻ, không thể là bố của thí sinh. Điều đó khiến cư dân mạng lại một lần nữa "dậy sóng"..

Để chấm dứt những tranh cãi của dư luận về vấn đề này, sáng ngày 4/7, PV đã có cuộc nói chuyện với anh Phan Minh Trung Th., người bảo vệ trường thi Cao đẳng Lương thực và thực phẩm Đà Nẵng, cũng chính là người chứng kiến sự việc hai bố con ôm nhau khóc giữa trường vào ngày 1/7.

“Khi cậu thí sinh này vừa ra gần đến cổng trường thì cha cậu thấy và chạy vào, 2 cha con ôm quỵ xuống trường. Người cha có nói:"Ba xin lỗi con, ở ngoài ba nôn nóng quá nên ba gọi cho con, ba xin lỗi!".

Sau đó, hai cha ôm con ngồi dưới sân khoảng 15 phút rồi dìu nhau về”, anh Trung Th. chia sẻ.

Khi  được hỏi về những tranh cãi của cư dân mạng và ý kiến cho rằng người cha trong ảnh quá trẻ, anh Th. nói: “Đây chính là hai bố con chứ trẻ gì nữa. Chỉ là do góc chụp nghiêng nên nhìn trẻ vậy thôi.

Tôi đã nhìn trực diện thì thấy người đàn ông này cũng ngoài 40 rồi”.

Chia sẻ với chúng tôi, Đ.N cho biết, bản thân anh cũng không muốn chuyện này đi quá xa như bây giờ.

Chàng trai đến từ Đã Nẵng rất vui khi anh Trung Th. đã thay mình chứng thực, dập tắt tranh cãi, và ít ra là không mang đến phiền phức cho hai cha con trong bức ảnh.

Đây có thể là một bài học đắt giá cho thấy sức mạnh lớn của cộng đồng mạng khi đăng bất cứ một hình ảnh hay một bài viết trên mạng xã hội.

Và nó có thể khiến cho câu chuyện đi theo một hướng hoàn toàn khác chỉ vì những hàng động không đúng của các “anh hùng bàn phím”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại