Tướng Cương: "Không có chuyện Mỹ - Trung "đảo chiều" sau một đêm"

Hoàng Đan |

Theo tướng Cương, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã thông báo rằng cuộc đối thoại mang tính xây dựng và tích cực nhưng thực chất, có nhiều vấn đề quan trọng chưa được giải quyết.

Mỹ - Trung: Mâu thuẫn mang tính đối kháng

Đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ 7 diễn ra trong hai ngày 23-24/6/2015 vừa qua tại Washington DC, cả 4 trưởng đoàn Mỹ và Trung Quốc đều cười tươi, tay bắt chặt khi Đối thoại kết thúc và tuyên bố “kết quả vượt quá mong đợi” với 127 kết quả.

Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng - PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an).

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, để nhìn nhận rõ các kết quả của cuộc đối thoại Mỹ - Trung vừa qua thì cần phải hiểu rõ được bản chất của mối quan hệ giữa hai nước này.

Đó là mối quan hệ giữa cường quốc mới đang nổi lên nhanh chóng với sức mạnh tổng hợp quốc gia có quy mô toàn cầu và một siêu cường đang có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của thế giới về kinh tế, chính trị và an ninh.

Cũng theo tướng Cương, trong nhiều trường hợp, Mỹ vẫn giữ vai trò mang tính chi phối đến tình hình thế giới. Như vậy, ở tầng sâu, Trung Quốc và Mỹ có mâu thuẫn mang tính đối kháng về mục tiêu chiến lược, nói cách khác là mâu thuẫn về lợi ích và kết cấu ở tầng sâu.

"Mỹ muốn duy trì trật tự thế giới hiện nay do họ chi phối, còn Trung Quốc là một cường quốc đang nổi lên, họ cần có không gian chính trị - kinh tế lớn hơn để phát triển.

Như vậy, một bên đòi duy trì hiện trạng với trật tự do họ dẫn dắt, còn bên kia không chấp nhận trật tự hiện trạng, họ muốn thay đổi", tướng Cương nhận định.

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông tại hội đàm. Ảnh: Reuters

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông tại hội đàm. Ảnh: Reuters

Tướng Cương cũng cho hay, bước vào cuộc đối thoại vừa rồi, bối cảnh chính trị và an ninh giữa hai nước ở trạng thái hết sức căng thẳng.

Một là vấn đề nóng lên ở Biển Đông do Trung Quốc cải tạo và bồi đắp trái phép các đảo đá ở Trường Sa của Việt Nam. Mỹ và dư luận thế giới cho rằng Trung Quốc đang xây dựng các căn cứ quân sự ở Trường Sa.

Việc làm này đã thay đổi một cách căn bản hiện trạng tự nhiên ở Biển Đông và các hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Các hành động này cũng đi ngược lại những điều mà lãnh đạo Trung Quốc, từ ông Hồ Cẩm Đào đến ông Tập Cận Bình đã nhiều lần hứa hẹn và cam kết với Mỹ, với các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế.

Đồng thời, hành động này cũng đe dọa nghiêm trọng an toàn hàng hải, an ninh trên Biển Đông - con đường hàng hải quốc tế nhộn nhịp bậc nhất thế giới.

"Quan trọng hơn, hành động đó đã trực tiếp đe dọa đến an ninh và lợi ích của Mỹ, cũng như bạn bè và đồng minh của nước này ở khu vực", tướng Cương đánh giá.

Vấn đề nóng thứ hai là Chính quyền Obama đã cáo buộc Chính phủ Trung Quốc đứng sau vụ tin tặc Trung Quốc xâm nhập đánh cắp thông tin cá nhân của 14 triệu nhân viên Liên bang Mỹ, thông tin liên doanh mật và công nghệ độc quyền của các công ty Mỹ.

"Vấn đề này thực chất đã lên đến đỉnh điểm từ năm 2012. Như vậy, họ bước vào cuộc đối thoại trong bối cảnh 2 điểm nóng nổi lên, phản ánh mâu thuẫn mang tính đối kháng", tướng Cương nói.

Có thực sự "đảo chiều" sau một đêm?

Tướng Cương cũng nhấn mạnh, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã thông báo rằng cuộc đối thoại mang tính xây dựng và tích cực.

Nhưng thực chất "không có chuyện quan hệ Mỹ - Trung đảo chiều sau một đêm mà còn có nhiều vấn đề quan trọng chưa được giải quyết".

Phía Trung Quốc vẫn đưa ra những thông tin để phân bua, yêu cầu Mỹ cảm thông và tuyên bố việc cải tạo là nhằm mục đích dân sự, chẳng hạn như làm nơi tránh trú bão, cứu trợ nhân đạo, các cơ sở nghiên cứu hải dương học, môi trường,…

Trung Quốc cũng có ý cam kết những hành động này không ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông.

Phía Mỹ lắng nghe nhưng họ không tin, vấn đề này cuối cùng để lùi lại tiếp tục nghiên cứu, thỏa thuận, tìm ra một giải pháp hợp lý đảm bảo lợi ích hai bên.

Trung Quốc yêu cầu Mỹ không can thiệp vào tranh chấp Biển Đông và họ rất khôn ngoan khi nói rằng quan hệ Trung - Mỹ ở tầm cao, vấn đề Biển Đông là vấn đề nhỏ, không nên để ảnh hưởng đến quan hệ 2 nước.

"Về phía các quan chức Mỹ, họ cho rằng đây là vấn đề hệ trọng. Nếu không giải quyết đến nơi đến chốn rất dễ gây căng thẳng, thậm chí dẫn đến xung đột.

Nhưng vấn đề gai góc nhất là hành động của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế lại chưa được giải quyết, cuối cùng hai bên chỉ đưa ra quan điểm tiếp tục bàn.

Thứ hai là việc tin tặc Trung Quốc đánh cắp thông tin Mỹ. Vấn đề này Trung Quốc cũng tìm cách từ chối và hứa hẹn sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ để làm rõ.

Như vậy, cả hai vấn đề đều chưa được giải quyết, chưa nói đến nhiều vấn đề khác còn để ngỏ", tướng Cương phân tích.

Cùng với đó, tướng Cương cũng nhìn nhận, đối thoại này chính là việc chuẩn bị môi trường tâm lý, chính trị - an ninh thuận lợi chuyến công du sắp tới của Tập Cận Bình diễn ra trong không khí cởi mở hơn. 

"Trong kế hoạch nếu không có gì thay đổi, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đến thăm Mỹ. Họ tin tưởng và kỳ vọng chuyến đi này tạo ra một mối quan hệ mang tính nguyên tắc để các Tổng thống nhiệm kỳ sau cũng không thay đổi được.

Cách đây 1 tuần, Trung Quốc tuyên bố hoàn thành cơ bản việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng là dọn đường cho Tập Cận Bình đi thăm Mỹ vào cuối tháng 9", tướng Cương nhấn mạnh.

Dự đoán thêm về mối quan hệ Mỹ - Trung trong những năm tới, tướng Cương cho rằng, đây là mối quan hệ quan trọng và hết sức phức tạp.

Theo tướng Cương, chiến lược của Trung Quốc đến năm 2021 là đạt được mục tiêu xây dựng xã hội khá giả, đưa nước này vào nhóm các nền kinh tế phát triển trung bình khá với GDP bình quân đầu người từ 12.000 - 15.000 USD.

Cùng với đó, từ năm ngoái đến nay, chính quyền Tập Cận Bình triển khai chiến lược “Một vành đai, một con đường”.

Đây là chiến lược toàn cầu của Trung Quốc để đối phó với chính sách “xoay trục” của Mỹ và thâu tóm lục địa Á - Âu.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của Trung Quốc là triển khai chiến lược này, khống chế lục địa Á - Âu nhằm đối đầu với Mỹ. Do đó, tôi cho rằng từ giờ đến năm 2022 sẽ không có đối đầu giữa hai nước.

Trung Quốc sẽ làm ra vẻ quan trọng để tỏ rõ cho Mỹ thấy Mỹ cần Trung Quốc và cố câu giờ, đối đầu bây giờ là tự sát và đều là tai họa với hai nước.

Họ vừa hợp tác vừa cạnh tranh, che giấu đối đầu, mặc dù cạnh tranh ngày càng căng thẳng. Trung Quốc bằng mọi cách sẽ ổn định quan hệ Trung - Mỹ để thực hiện chiến lược toàn cầu của họ", tướng Cương đánh giá.

Trước câu hỏi, Việt Nam nên làm gì để có ứng xử phù hợp với mối quan hệ của hai nước này, tướng Cương cho rằng, phải thường xuyên tỉnh táo và cảnh giác vì trong lịch sử đã có chuyện nước lớn vì mục đích lớn của họ mà sẵn sàng hy sinh lợi ích của các nước nhỏ.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ
ông Daniel Russell
Washington quan ngại về các kế hoạch của Trung Quốc duy trì các hoạt động xây dựng ở Biển Đông, cho rằng viễn cảnh Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông là trái ngược với mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ hối thúc Trung Quốc ngừng các dự án xây dựng, giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thông qua kênh ngoại giao và trọng tài quốc tế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại