Khoảnh khắc đối mặt với "quái vật" sông Hậu và thuồng luồng biển

Theo Người Đưa Tin/ Báo Quảng Trị |

"Nhiều khi chân vịt của thuyền chạy hết tốc lực vẫn không thắng được sức cá. Thậm chí, có thời điểm tưởng như con cá kéo luôn người và thuyền ngược ra sông Hậu".

>> 5 con cá khủng dính lưới người dân

Bắt “quái vật” 72 kg ở sông Hậu

Ngư dân tên M. (xã Quốc Thái (huyện An Phú, tỉnh An Giang) là người đã trực tiếp đánh bắt được con cá tra dầu nặng 72kg tại sông Hậu (An Giang) vào năm 2012.

Ông M. kể, khi con cá khổng lồ nổi lên nặt nước, ông lặng đi một hồi lâu rồi cùng các con kéo cá lên bờ.

"Con cá quá lớn nên liên tục giằng co chơi chúng tôi để thoát khỏi lưới. Nhiều khi chân vịt của thuyền chạy hết tốc lực vẫn không thắng được sức cá. Thậm chí, có thời điểm tưởng như con cá kéo luôn người và thuyền ngược ra sông Hậu. Sau vài tiếng giằng co, con cá không còn giãy nữa nên tôi và các con kéo cá được lên bờ", ông M. nói.

Do quá trình bắt, chuyển các từ sống Hậu lên bờ quá lâu nên nên da cá bị lở loét, trầy xước. Sau vài phút đưa lên cân, ông M. và nhiều người dân ngã ngửa vì con cá nặng 72kg, dài đến 1,5m. Sau đó, ông Huỳnh Thanh Hồng, Trưởng Công an xã Quốc Thái đến ngỏ ý mua con cá về làm cảnh. Ông M. đã đồng ý bán “thủy quái” với giá 11 triệu đồng. Khi biết đây là loài cá có tên trong sách đỏ của Việt Nam và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, ông Hồng có ý định giao cho cơ quan quản lý chuyên môn. Tuy nhiên, con cá khủng này đã chết sau đó.

Theo nhận định của các ngành chuyên môn, nhiều khả năng con cá chết do kiệt sức. Sau khi bị ngư dân vây bắt, toàn thân “thủy quái” có nhiều vết lở loét. Ngay sau đó đoàn kiểm tra và UBND huyện An Phú đã yêu cầu các đơn vị  chức năng thành lập Hội đồng thẩm định và tiến hành tiêu hủy con cá theo quy định.

Đối mặt với thuồng luồng biển có những cú đớp kinh hồn

Bắt đầu từ tháng 5 (Âm lịch), khi làn nước biển gần bờ lắng bớt lớp phù sa đục ngầu, trở nên xanh trong, có thể nhìn tận đáy cát là lúc ngư dân vùng biển bãi ngang huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chuẩn bị dụng cụ cho mùa săn cá chình biển. Loài cá này còn được gọi là thuồng luồng biển bởi hình dáng giống loại rắn biển.

Dụng cụ để săn “thuồng luồng” biển đơn giản chỉ là đoạn tre có chiều dài khoảng 1,7 m (to cỡ cổ tay người lớn) với một đầu đoạn tre được gia cố thêm 3 đoạn thép mài nhọn, có ngạnh mà người săn “thuồng luồng” thường gọi là cây “xỉa” cùng chiếc kính đeo mắt tự chế để có thể nhìn thấy mọi vật khi lặn xuống biển.

Cá chình biển có 3 loại thường gặp, đó là chình dừa (trên thân có màu xanh vàng như màu của trái dừa), chình bông (có màu trắng điểm những chấm màu lam đen) và chình nghệ (có màu vàng xen lẫn vài chấm đen). Cá chình biển khi trưởng thành thường sống trong các hang, ghềnh đá, có con dài 1-2 m, nặng 5-7 kg.

Từ tờ mờ sáng, anh Trần Văn Hải ở thôn Hà Tây (Triệu An, Triệu Phong) đã gọi điện thoại giục tôi có mặt tại nhà anh gấp để xuống biển săn “thuồng luồng” biển. Vài phút sau đã thấy anh Trần Văn Lộc, Bùi Văn Thêm (bạn anh Hải) lỉnh kỉnh dụng cụ săn “thuồng luồng” biển trên vai đi xuống. 

Theo sự phân công của anh Trần Văn Hải ở thôn Hà Tây (Triệu An, Triệu Phong), tôi được trang bị một cây “xỉa”, kính tự chế đeo mắt ra đến làn nước là nơi có nhiều “thuồng luồng” biển đang vùi mình dưới cát đón bắt mồi.

Tôi phát hiện được một con “thuồng luồng” vùi mình trong cát, chỉ có cái đầu nhô lên, cứ lắc lư theo từng đợt sóng vỗ vào bờ.

Tôi nhẹ nhàng đến gần rồi từ từ đưa cây “xỉa” đến gần đầu con “thuồng luồng” biển sau đó đâm mạnh. Bị cú đâm chí mạng, con “thuồng luồng” biển đau đớn quẫy cả thân hình ra khỏi đáy cát rồi quật mạnh đuôi vào thân cây “xỉa” mà tôi đang cầm trên tay. Hoảng quá, tôi vội gọi anh Thêm đến giúp. Anh Thêm bảo tôi cố giữ chặt cây “xỉa” ghì đầu con chình biển xuống đáy cát, đừng để nó thoát ra. Anh vội vàng lội đến chỗ tôi rồi lặn xuống, tay phải nắm chặt đầu con “thuồng luồng” biển, tay trái nắm lấy đoạn giữa cây “xỉa” sau đó ngoi lên và nhanh chóng vào bờ.

Con “thuồng luồng” biển bị đưa lên khỏi mặt nước vẫn còn rướn mình quẫy mạnh.

 Lần đầu tiên đối mặt với “thuồng luồng” biển, tôi mới thấy hết sức mạnh của nó. Dù bị anh Thêm mang lên bờ với cái đầu còn găm chặt vào cây “xỉa”, con “thuồng luồng” vẫn cố rướn mình trườn về phía biển.

-----------------------

Xem thêm clip: Kết quả kiểm nghiệm dừa ngâm hóa chất 

Kết quả kiểm nghiệm dừa ngâm hóa chất (Nguồn: VTV1)

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại