Kế độc chống tham nhũng và bữa cơm đáng sợ của người tâm thần

Bùi Hải |

Ai đó sẽ mỉm cười ý nhị trước “đề xuất phi luật pháp” của đại biểu Quốc hội Lê Nam khi xử lý quan tham, nhưng nhiều người dân có thể nghĩ khác.

Trong phiên thảo luận sửa đổi Bộ luật Hình sự, ông Nam tung ra độc kế: Với tội tham nhũng, thì “cần gì bắn, cứ làm cái lồng thật đẹp ở nhà cho vợ nuôi để cảm thấy xấu hổ”.

Dù kế sách của ông Nam, ngay lập tức được một nhà làm luật ngồi cạnh thì thầm nhắc khẽ, nhưng nó lại chứa đựng một thông điệp đầy tính cảm xúc.

Thông điệp ấy nói rằng, người dân cần một “sự sỉ nhục thâm hậu” để cảnh tỉnh các quan “bị xô đẩy vào con đường đục khoét”. Họ nghĩ rằng, những biện pháp trừng phạt hiện hành (kể cả tử hình) chưa đủ làm run những bàn tay chuẩn bị nhúng chàm.

Sự lo ngại của người dân và các đại biểu QH là có cơ sở.

Điều tra của UNDP và MTTQVN, đã cho thấy: Tình trạng tham nhũng gia tăng, nhưng việc phát hiện tội phạm tham nhũng lại giảm tới 29 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Nếu trước đây, việc tham nhũng mức tiền vài trăm tỉ, có lẽ chỉ xuất hiện ở cấp lãnh đạo tập đoàn nhiều quyền lực, thì nay một trưởng phòng như Giang Kim Đạt cũng có thể “chui” trót lọt qua lỗ kim cơ chế cùng với 34 biệt thự và nhiều căn hộ cao cấp ở nước ngoài.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương rất ngạc nhiên trước sự biến tấu khúc thức rất mới của bản nhạc tham nhũng: “Một cán bộ chỉ ở cấp phòng của một đơn vị mà tham nhũng đến 19 triệu đô la là điều không thể chấp nhận được”.

Nhưng nếu gặm ngân sách, ăn quà đút nhờn mồm phễnh bụng, rồi chỉ bị sỉ nhục bằng cách nhốt trong lồng để vợ chăm sóc tại gia, thì chắc chắn tỉ lệ tham nhũng sẽ còn lên cao nữa.

Cách đây vài tháng, cô thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky, 17 năm sau ngày dính bê bối tình ái với Tổng thống Bill Clinton, đã “tái xuất” trong vai một diễn giả.

Trong bài phát biểu chấn động có tựa đề “cái giá của nỗi nhục nhã”, Lewinsky thú nhận: “Điều khiến tôi hoảng hốt là một nghiên cứu khác vào năm ngoái chỉ ra rằng sự sỉ nhục mang lại cảm giác mạnh hơn cả hạnh phúc và tức giận”.

Quan tham, vốn rất quen với cảm giác hạnh phúc (khi vơ vét) và tức giận (khi đấu đá), nên sự sỉ nhục bằng một cái lồng nhốt tại gia, có khi lại tăng thêm khoái cảm cho họ.

Vài ngày qua, cư dân mạng sốt sình sịch trước tấm hình những bát cơm trắng với 3 miếng thịt mỡ mỏng như tờ giấy mà bệnh nhân tâm thần ở Nghệ An “được ăn” trong nhiều năm.

(Trước đó, năm 2013, hơn 8.000 bệnh nhân tâm thần ở tỉnh này đã từng tuyệt vọng trong cơn “đói thuốc” điều trị chỉ vì không có kinh phí. Họ trở thành hiểm họa cho cộng đồng mỗi khi lên cơn).

Có người liên tưởng rằng, nếu quan tham Vinashin “nhè ra” một mảnh vỏ tàu tham nhũng, thì chắc chắn các bệnh nhân tâm thần sẽ có thêm thuốc, thêm cả triệu miếng thịt bổ sung vào thực đơn đáng sợ: 15.000/ ngày (sáng 3.000đ, trưa 6.000đ, tối 6.000đ).

Ai thích một con số ấn tượng, thì chỉ cần 10 giây, họ sẽ tính được Giang Kim Đạt đã tham nhũng tới  gần 70.000.000.000 suất ăn của bệnh nhân tâm thần (mỗi suất 6.000đ).

Quan tham vốn khác xa với bệnh nhân tâm thần cả về tư duy lẫn điều kiện sống.

Nhưng trong một số trường hợp, hai đối tượng này lại giống nhau đến nỗi “không thể phân biệt được”.

Trong một phiên thảo luận ở Quốc hội cách đây không lâu, đại biểu Đỗ Văn Đương nêu ra một thực trạng gây sửng sốt: “Lâu nay, rất nhiều vụ tham nhũng cứ xảy ra là xong đương sự lại bị... tâm thần”.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiện, chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội đặt tiếp câu hỏi nhưng đồng thời giải đáp thắc mắc của đại biểu Đương:

“Dư luận đặt ra câu hỏi có phải ông đó tâm thần thật không? Vấn đề là tại sao tội phạm tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế? Người ta bảo khi giám định là tâm thần, nhưng người đó giải quyết việc gia đình, trao đổi với vợ con, bạn bè lại rất bình thường”.

Phát hiện của đại biểu Đương, đại biểu Hiện có thể là bổ sung phần “chưa hợp lý” cho đề xuất chống tham nhũng của đại biểu Lê Nam.

Thay vì “nhốt quan tham vào lồng nuôi tại nhà”, thì có thể “nhốt quan tham vào lồng nuôi tại trung tâm điều trị tâm thần”.

Thay vì 3 miếng vi cá mập, 3 tảng thịt  cừu, 3 ly rượu ngoại mỗi bữa, các tham quan sẽ ứng xử thế nào khi được nhận một bát cơm trắng “dìu” theo 3 miếng thịt mỡ mỏng như được cắt bởi con dao tài năng của vua đầu bếp?

Liệu có hiệu quả không nhỉ, thưa quý vị?

LTS: Mời quý độc giả bày tỏ ý kiến vào ô Viết bình luận phía dưới bài. Trân trọng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại