Hai clip và muôn vàn nỗi đau…

Hà Văn Thịnh |

3 cô giáo cùng hùa nhau lại để tra tấn một đứa trẻ 15 tháng tuổi, quả là chuyện chưa thấy ở bất kỳ sách tâm lý học hay giáo dục học nào.

Trong mấy ngày qua, hàng ngàn cư dân mạng đã sốc thật sự khi xem liên tiếp hai clip bạo lực liên quan đến việc xúc phạm nhân phẩm, hành hạ con người.

Điều xót xa là cả hai clip đó đều liên quan đến những cô gái trẻ.

Đầu tiên là clip (và bài viết của mẹ cháu bé) quay cảnh ba “cô giáo” tra tấn (đúng nghĩa đen của từ này) một đứa trẻ 15 tháng tuổi, với lý do cháu khóc không chịu ngủ tại 1 điểm giữ trẻ mầm non ở Đồng Hới, Quảng Bình.

Ngoài ra, còn clip dài hai phút quay cảnh nữ sinh dùng ghế nhựa, dùng tay, đánh bạn học tàn nhẫn mà cả lớp đứng nhìn, thản nhiên quay video, coi như không có chuyện gì xảy ra. Clip này được quay ở trường THPT Thái Thụy, Thái Bình.

Chuyện cô giáo mầm non bạo hành với trẻ và nữ sinh đánh nhau y như phim chưởng không phải là chuyện mới.

Thế nhưng, điều làm dư luận bàng hoàng và “lạnh cả lưng” chính là sự vô cảm tàn nhẫn mang tính tập thể của cái thỏa thê độc ác của những cô gái trẻ khi tham gia (không can thiệp cũng là sự gián tiếp của “tham gia”) vào “trò chơi” có rất ít tính người.

 

Hà Văn Thịnh
Hà Văn Thịnh

Một bình luận trên facebook nói rằng, chuyện các cô giáo vì quá non trẻ nên bức xúc, trói chân trói tay đứa trẻ để “dọa” chẳng có gì là khó hiểu (!?).

Lại thêm một dẫn chứng hiển nhiên về thói đồng lõa của sự độc ác từ đám đông. Làm sao có thể cho rằng, do “non nớt” hay “không có phương pháp” nuôi dạy trẻ nên mới “bột phát” sự thiếu kiềm chế?

Sigmund Schlomo Freud (1856-1939), cha đẻ của học thuyết Phân tâm học (Psychoanlisis - công bố năm 1905), đã chỉ ra rất xác đáng rằng, mọi hành động của cái gọi là “bột phát” phải được nhìn nhận đúng và đủ từ góc độ của vô thức văn hóa – đạo đức.

Chẳng hạn, một người đàn ông đánh rơi chùm chìa khóa, được giải thích là do đãng trí. Một chàng trai quên ngày sinh nhật của người yêu, được bao biện là do thi cử bận bịu nên… quên…

Tất cả những dạng thức tương tự, theo Freud, phải lần đến cội nguồn của vô thức để “biết” một sự thực rằng, trong trường hợp thứ nhất, người đàn ông đánh mất chìa khóa không muốn trở về căn nhà có cái chìa khóa đó.

Anh ta đang muốn bỏ người đàn bà sống cùng trong căn nhà đó.

Trường hợp thứ hai phải được hiểu là tình yêu đã hết, hoặc sắp hết nên mới “quên” ngày sinh nhật của người yêu…

Nếu Freud đúng thì chúng ta buộc phải nghĩ và tin rằng, cái nền tảng của văn hóa – đạo đức của thế hệ trẻ bây giờ đang ở mức báo động “vàng da cam” của sự nguy hiểm.

Hàng chục con người trẻ trung, hiền thục “bỗng dưng” khoái trá một cách độc ác, coi chuyện bạn học sỉ nhục bạn học là đương nhiên, không thể là “hiện tượng”.

Ba cô giáo cùng hùa nhau lại để tra tấn một đứa trẻ 15 tháng tuổi, quả là chuyện chưa thấy ở bất kỳ sách tâm lý học hay giáo dục học nào.

Đạo đức của những cô gái trẻ ở hai mảnh đất đều có chữ “BÌNH” (Thái Bình, Quảng Bình) - yên bình, hòa dịu, cùng lúc “phát tiết” sự càn rỡ, lưu manh, là không hề ngẫu nhiên, cũng không thể nói là trùng hợp “tình cờ”.

Nếu chúng ta gộp tất cả các vụ xâm hại nhân phẩm và thân thể người khác, trẻ nhỏ trên khắp cả nước trong thời gian qua thì buộc phải nhận chân rằng:

Thống kê chính xác chưa đánh lừa ai bao giờ, nó là ánh phản rõ ràng về thực trạng của một xã hội mà một bộ phận không nhỏ thích chơi trò chơi trốn tìm với sự thật, luôn tìm các uyển ngữ để xóa mờ sự bi đát và nghiêm trọng của các con số.

Sẽ ra sao nếu chúng ta cứ loay hoay cho rằng, đó chỉ là “hiện tượng” – sao không chịu nghĩ rằng, đến khi những mụn nhọt độc hại đó phát tán, lây lan thì tất cả đều đã muộn?

Hành hạ con người thì xã hội nào cũng có, nhưng “chung tay” để hành hạ một đứa trẻ hầu như chưa biết gì là điều rất hiếm khi xảy ra.

Học trò tức nhau, giận nhau rồi đánh nhau là chuyện của muôn đời, nhưng đánh với sự căm thù, sỉ nhục như trong clip đã chỉ ra thì chẳng bình thường một chút nào.

Một Facebooker đã nói rất đúng rằng, với vụ việc ở Thái Thụy, Thái Bình, nên có ai đó từ chức “ngay và luôn” là rất xác đáng.

Không thể trốn tránh sự thật là dù có một hệ thống giáo dục đồ sộ với nhiều rao giảng đạo đức, nhưng ở nhiều nơi, người ta đang lâm vào sự bế tắc về ứng xử, sự vô cảm về đạo đức.

Nhiều nơi khác thì phát lộ sự giả dối của học vấn, sự mù lòa của hiểu biết và nền giáo dục thiếu hiệu quả trước đòi hỏi của thực tiễn, sự bất ổn của nhân cách…

Dư luận đòi hỏi phải có giải pháp từ vĩ mô đến vi mô trước sự lộng hành của cái ác, sự xói mòn của lòng kiên nhẫn.

Trừng phạt “ngay và luôn” tất cả mọi hành vi thủ ác, thay đổi cách “rao giảng” về đạo đức, ngừng ‘tìm kiếm” các thành tích ảo, giá trị giả, lối mòn thật...

Bắt người ta dạy y như sách giáo khoa thì còn sáng kiến kiểu gì? Học sinh miền núi không hiểu tiếng Việt sao cứ bắt “phấn đấu” chỉ tiêu 100% lên lớp?...

Hai clip mà dư luận thấy, nghe – chỉ là phần nổi của tảng băng ngầm có vô số những điều sai, những điều bất cập.

Tất cả đều đúng “quy trình”, không có nghĩa là quy trình đó không sai. Biết đến bao giờ mới tìm lại cảm giác thanh thản khi nghe những đứa trẻ hát cô giáo như mẹ hiền, em là cô Tấm thảo hiền?...

Huế, 6.10.2015

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại