Giải mã hiện tượng “kiệu bay” qua ruộng, đập vỡ cửa kính ô tô

Thiên Di |

“Kiệu bay” đập vỡ cửa kính ô tô, đoàn rước kiệu 16 người ngâm mình dưới ao, kiệu chạy qua cánh đồng…ở các lễ hội được coi là hiện tượng văn hóa tâm linh.

Kiệu bay qua cánh đồng

Dư luận sửng sốt khi xem clip ghi lại hình ảnh chiếc kiệu 4 người khiêng trong lễ hội làng Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) năm 2012 đâm vỡ cửa hậu ô tô tại Trường THPT Xuân Đỉnh.

Kiệu quay lao vào ô tô đập vỡ cửa kính hậu ở Xuân Đỉnh năm 2012.
Kiệu quay lao vào ô tô đập vỡ cửa kính hậu ở Xuân Đỉnh năm 2012.

Tại một số lễ hội đầu năm của các làng cũng xảy ra hiện tượng “kiệu bay” - kiệu nhiều người khiêng chạy xuống ao, ra đồng...khiến nhiều người tò mò và khó giải thích.

Đi tìm câu trả lời cho hiện tượng này, chúng tôi có buổi trao đổi với PGS.TS, nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Lai Thúy – nguyên TBT Tạp chí văn hóa nghệ thuật.

Ông cho rằng, kiệu rước với tốc độ bình thường đột nhiên đoàn người chạy nhanh, xoay tròn thậm chí có nơi còn đồn rằng kiệu bay lên trời nên mọi người gọi là “kiệu bay”.

“Đây là hiện tượng văn hóa tâm linh có từ lâu đời và thường xảy ra tại các lễ hội làng đầu xuân và rất khó giải thích.

Cho đến nay, không ai khẳng định được câu trả lời nào là đúng hay sai mà chỉ đưa ra các giả thuyết”, PGS.TS Đỗ Lai Thúy nêu ý kiến.

Ông cho biết, rước kiệu thường có tối thiểu 4 người tùy thuộc vào lễ hội và kiệu rước của làng đó.

Bản thân ông cũng đã từng chứng kiến “kiệu bay” cách đây khoảng chục năm trước ở Thuận Thành (Bắc Ninh) trên đường ra Hà Nội.

“Kiệu đang rước trên đường thì lao xuống ruộng, chạy rất nhanh qua cánh đồng mà kiệu không hề đổ, người rước không hề vấp ngã dưới sự chứng kiến của đông đảo dân làng.

Những thanh niên rước cũng không lý giải được tại sao lại như vậy và chỉ nói rằng có sức mạnh nào đó kéo họ đi cho đến khi kiệu dừng lại.

Còn đối với những người chứng kiến thì khó giải thích và những người nghe kể thì không tin”, ông kể lại.

PGS.TS, nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Lai Thúy giải mã hiện tượng kiệu quay.

PGS.TS, nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Lai Thúy giải mã hiện tượng "kiệu quay".

Nhìn nhận hiện tượng tâm linh này, PGS.TS Đỗ Lai Thúy đưa ra hai cách giải thích:

Thứ nhất, lễ hội làng được tổ chức để tưởng nhớ công ơn của vị thánh, thần mà cả làng thờ tự. Họ diễn lại các tích lịch sử, hành trạng của vị thánh, thần này.

Việc kiệu chạy qua cánh đồng, ngâm mình xuống ao có thể là tích đánh giặc hoặc hoạt động giúp dân làng của vị thánh đó ngày xưa. Người dân tin vào điều tâm linh, khi đó họ sẽ rơi vào trạng thái “lên đồng tập thể”.

Thứ 2, những người khiêng kiệu có thể rơi vào trạng thái vô thức. Bằng chứng là khi kiệu chạy nhanh mà không vấp ngã, không đổ lễ khi chạy xuống ao, sông. Và khi thoát khỏi trạng thái đó họ trở lại bình thường và không giải thích được.

Ông kể thêm rằng, ở hội đám làng ông (Ngọc Than, Quốc Oai) không có hiện tượng “kiệu bay” nhưng cũng có điều khó giải thích tương tự.

Trước đám rước, ban tổ chức lễ hội chọn người khiêng kiệu, người tham gia tế lễ yêu cầu phải “sạch sẽ” hàng tuần lễ như không ăn đồ tanh hôi, “kiêng” ngủ với vợ…

Buổi đầu tiên của lễ hội, ông chủ lễ hô “kiểm soát” để kiểm tra xem ai vi phạm. Sau khi hô xong, lập tức lá cờ đình làng bay, ngọn đuốc tạt sang một bên, quần áo của người “hàng đô” (rước kiệu, cầm cờ - PV) bay phần phật.

Nếu ai vi phạm thì bị ngã hoặc ngất khiến nhiều người tin đấy là “thần phạt, thần quở trách”.

Nhắc đến sự việc “kiệu bay” đập vỡ cửa kính ô tô ở lễ hội làng Xuân Đỉnh, PGS.TS Đỗ Lai Thúy cho rằng có thể xe đó làm vướng trên hành trình bay, đường đi của kiệu nên bị “trừng phạt”.

“Có thể những người rước kiệu đó rơi vào trạng thái xuất thần nên không hề biết. Hoặc làng đó có tục lệ nếu khi "kiệu quay" phá một tài sản nào đó thì sẽ mang lại may mắn, hạnh phúc cho người dân trong làng.

Vì họ nghĩ rằng thánh thần đang thể hiện quyền uy, đang răn đe, cảnh cáo nên họ cho đó là hiện tượng tâm linh và cảm thấy bình thường”, PGS.TS Đỗ Lai Thúy đưa ra giải thuyết.

Hiện tượng “lên đồng tập thể”?

Trao đổi về vấn đề này, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết “kiệu bay” có từ xa xưa chứ không phải bây giờ.

 
Giáo sư Ngô Đức Thịnh
Về mặt tín ngưỡng lý giải, vị thần mà họ thờ đã dẫn đường và họ chỉ là người thực hiện ý nghĩ của các vị thần đó bay qua đâu, đến đâu… Xét về mặt khoa học thì đây có thể là một hiện tượng lên đồng tập thể - mọi người đều rơi vào trạng thái thôi miên, bị ám ảnh bởi một vị thần. Những lần tôi chứng kiến, khi kiệu dừng lại tôi hỏi nhưng họ đều không biết họ vừa làm cái gì cả.

Ông cho biết, ở làng Giá (Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng với "kiệu bay" và được ghi trong ca dao “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy/ Vui thì vui vậy chẳng tầy rã La”.

“Không phải lễ hội nào cũng xuất hiện “kiệu bay”. Người dân tin vào sự dẫn đường của thần linh nhưng có dẫn đường không thì tôi không khẳng định điều đó”, GS Ngô Đức Thịnh nói.

Nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Lai Thúy cũng cho biết thêm, “kiệu bay” (có nơi nói là “kiệu quay”) là hiện tượng văn hóa độc đáo, không phải bao giờ cũng xảy ra ở các lễ hội.

“Tuy nhiên, “kiệu bay” xuất hiện ít hơn xưa bởi lòng tin của người dân về tâm linh thiêng liêng không còn nhiều.

Hiện tượng này có thể sẽ dần mất đi nếu chúng ta không bảo tồn lễ hội theo đúng nghĩa của nó”, PGS.TS Đỗ Lai Thúy nói.

Lễ hội đền - chùa Phượng Vũ (xã Minh Khai, Vũ Thư, Thái Bình) diễn ra vào ngày mùng 9, mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hằng năm.

Trong nghi lễ rước kiệu truyền thống, đoàn kiệu được rước đi vòng quanh làng và trước khi giáng đền, kiệu phải được lội sông, quay liên tục dưới nước hàng tiếng đồng hồ kể cả những ngày trời rét tím tái.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại