Gây ra thói đạo đức giả, làm tổn thương lòng từ bi
Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Thanh Thắng, Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN cho hay, thực trạng đốt vàng mã hiện tràn lan ở nước ta, nhiều nhất ở các tỉnh thành miền Trung, miền Bắc và một phần trong các cộng đồng người Hoa.
Các ngành chức năng đã đưa ra các con số thống kê về hệ quả lãng phí của việc đốt vàng mã. Nhà nước cũng đã ban hành nghị định cấm đốt vàng mã nơi công cộng, tại các di tích văn hóa, đền, chùa, miếu….
Nhưng một số nơi vẫn chưa có nhiều chuyển biến vì tập tục này đã bám rễ ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người.
Chính vì vậy nên việc cấm đốt vàng mã nơi công cộng cũng chỉ nhằm giới hạn phạm vi đốt vàng mã gây phản cảm, chứ không loại bỏ tập tục này.
Theo Đại đức Thắng, tập tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Về phía Phật giáo, không có bất kỳ một kinh sách nào nói đến việc đốt vàng mã và ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, trong phong trào chấn hưng Phật giáo, một số cao tăng đã đề cập đến hủ tục này.
Đồng thời, khuyên người phật tử mạnh dạn đưa nó ra khỏi không gian Phật giáo.
Cũng theo Đại đức Thắng, từ quan niệm “trần sao âm vậy”, kết hợp với tín ngưỡng thờ cúng người đã khuất, và tình cảm của người còn sống đối với người đã khuất nên đốt vàng mã như là một phần của sự “an ủi”, “đền bù”.
"Đó cũng là lòng trắc ẩn được pha trộn với màu sắc huyễn hoặc, nhưng chỉ những người tin vào tập tục này mới làm theo những lời khuyến khích kia.
Giá trị tốt đẹp về lòng trắc ẩn trước số phận của mỗi sinh linh đã biến tướng. Điều gì sẽ xảy ra khi người ta không tin vào những ứng xử lương thiện của chính mình mà chỉ tin vào bói toán?
Đó là dấu hiệu chỉ ra cuộc khủng hoảng về niềm tin nhân quả, nên họ mới cho rằng cứ cầu cúng, đốt thật nhiều vàng mã thì sẽ được lượng lượng thần bí, âm binh nào đó “phù hộ” cho", Đại đức Thắng nhấn mạnh.
Thêm vào đó, Đại đức Thắng cũng chia sẻ, phần lớn tội lỗi trong cuộc sống đều xuất phát từ thói tham sân si, nhất là khi người ta cầu cúng lễ bái với cái tâm chỉ nghĩ lợi cho mình gây hại cho người:
"Cầu danh cầu lợi thì không biết bao nhiêu cho đủ, cho vừa lòng, nhưng kinh doanh thu lợi lại gian dối không chừa thủ đoạn nào".
Đốt vàng mã một cách "sai lầm, lãng phí"
Còn theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, hiện nay, nhiều người dân đốt vàng mã một cách “lãng phí và sai lầm”.
"Nhiều người có quan niệm đốt càng nhiều tiền vàng mã, càng có nhiều lộc là không đúng. Bởi điều quan trọng nhất, phải có tấm lòng thành tâm, chứ không phải ở vàng mã nhiều ít.
Thậm chí, cần lên án những người đốt vàng mã như đốt đống rơm đống rạ. Hành động này vừa vô tín ngưỡng, vừa vô văn hóa”, GS Thịnh nhận xét.
Đồng thời, Giáo sư Thịnh cũng chia sẻ thực tế, gia đình ông cũng có đốt vàng mã trong các ngày lễ Tết. Điều này làm ông có cảm giác như đang làm “việc gì đó” cho người thân của mình.
Nhưng "đốt vàng mã giúp mình cảm thấy yên lòng chứ không biết các cụ có nhận được không"
Cùng với đó, GS Thịnh cũng khẳng định: "Không bao giờ có chuyện cảm hóa thần thánh bằng những sự giàu có, nhiều tiền của. Chỉ có tấm lòng chân thành mới có thể cảm hóa được thần thánh".
Sư thầy Thích Phước Niệm, giám tự, ủy viên Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, kể mình đã từng chứng kiến một gia đình mua giấy tiền vàng mã đến hơn 100 triệu đồng với đủ loại hình ảnh, mô hình.
Không chỉ là giấy tiền, nhiều người còn chọn những mô hình rất “hoành tráng” như nhà lầu, xe hơi, ngân hàng, máy ATM, điện thoại đời mới… để đốt trong những dịp cúng bái, cầu an, cầu may.
“Tôi có nói là số tiền mua mô hình nhà, mô hình xe… thì có thể dùng để làm từ thiện, giúp đỡ người khác” - sư thầy Thích Phước Niệm kể. (Theo Tuổi trẻ).