Vừa trở về sau một cuộc họp kéo dài ở Bộ Y tế để bàn về công tác phòng chống dịch bệnh sởi khi đồng hồ đã điểm hơn 18 giờ tối nhưng PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn rất nhiệt tình dành thời gian tiếp chúng tôi.
Mở đầu câu chuyện của mình, nhắc lại diễn biến của dịch sởi đã xảy ra trong những ngày qua, khuôn mặt của nhà quản lý đồng thời cũng là một trong những chuyên gia Nhi đầu ngành tỏ rõ nỗi buồn.
"Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện tuyến cao nhất về điều trị cho các bệnh nhân nhi nên khi con em mình mắc phải bệnh, các gia đình đều mong muốn là đưa đến lên nơi cao nhất về chuyên môn để chữa trị.
Nhưng trong đợt dịch sởi này vì bệnh nhân ở các nơi đưa về đây quá nhiều đã dẫn đến việc vượt quá khả năng phục vụ cũng như kiểm soát của bệnh viện và từ đây đã nảy sinh ra nhiều vấn đề.
Và cũng chính điều đó đã dẫn cho tôi một nỗi đau, đó là việc không thể kiểm soát, không thể điều phối được, dẫn đến nhiều em ra đi...", PGS.TS Hải chia sẻ.
Khi chúng tôi nhắc lại hình ảnh về những giọt nước mắt của ông đã rơi xuống khi báo cáo về tình hình dịch sởi với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Hải tâm sự, đó là điều hoàn toàn bình thường và những giọt nước mắt đó là vì sự bất lực khi buộc phải để các em nhỏ ra đi.
"Những giọt nước mắt đó là hoàn toàn bình thường nhưng thực sự nó không thể diễn tả hết được cảm xúc, nỗi buồn mà không chỉ tôi mà nhiều người khác cùng cảm nhận. Bởi, khi mình xem bệnh nhân như là con mình, cháu mình và bây giờ, các cháu tử vong mà mình bất lực, không thể cứu được thì rõ ràng mình đau lắm chứ. Rồi thì các gia đình, khi mang con đi thì còn khỏe mạnh đến giờ trở về chỉ còn tay không, xót xa lắm...", PGS.TS Hải tâm sự.
Người đứng đầu Bệnh viện Nhi trung ương cũng nhấn mạnh, không riêng những bệnh nhân tử vong trong dịch sởi này mà mỗi trường hợp bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi trung ương ra đi đều là những nỗi đau không thể diễn tả hết thành lời và in sâu trong thâm tâm của ông.
"Đã chọn làm nghề này thì mỗi khi có bệnh nhân không may ra đi mà mình buộc phải chứng kiến không làm gì được thì đó là nỗi đau, day dứt khôn nguôi. Nhưng thực sự trong nhiều trường hợp, dù có đau thì mình cũng phải cố kìm nén, giữ trong lòng tránh biểu lộ cảm xúc, rơi nước mắt để không gây những xáo trộn tinh thần cho người nhà cũng như các bệnh nhân khác...", ông Hải nói.
Ông Hải cũng cho biết thêm, trong những ngày vừa qua, tất cả các cán bộ, nhân viên, y, bác sỹ của bệnh viện Nhi đã được "tổng động viên" như phục vụ cho "chiến tranh" để cùng tham gia vào công tác phòng, chống dịch sởi bùng phát.
"Toàn bộ cán bộ chủ chốt nhân viên của bệnh viện trong những ngày qua đã được huy động tổng lực và coi đây như là đang phục vụ cho cuộc chiến tranh chống, dập tắt dịch bệnh sởi. Mọi người đều làm việc với công suất bằng 200 thậm chí là 300% so với trước đây.
Không những thế, nhiều y, bác sỹ, điều dưỡng của bệnh viện dù ốm hay đang mang thai nhưng vẫn cố gắng hết sức tham gia trực 24/24h để đảm bảo cấp cứu, chăm sóc cho các bệnh nhân kịp thời.
Tất cả những nguồn lực của bệnh viện cũng như từ cấp trên hỗ trợ cũng đã được tận dụng tối đa để phục vụ các bệnh nhân.
Chính điều đó và cũng nhờ thêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Y tế trong việc phân loại bệnh nhân từ ban đầu đã giúp giảm áp lực cho bệnh viện. Từ con số bệnh nhân khám là 3.000 - 4.000 bệnh nhân đến nay đã giảm xuống còn khoảng 1.000 bệnh nhân, phù hợp với thực tế đáp ứng của bệnh viện. Thêm vào đó, khu nội trú khoảng 1.800 - 2.000 bệnh nhân thì nay cũng giảm còn khoảng 1.200 - 1.300 bệnh nhân.
Điều này đã giúp cho bệnh nhân không phải nằm ghép, việc chăm sóc toàn diện cho các cháu nhỏ được tốt hơn và sức khỏe hồi phục nhanh, sớm được ra viện. Nhưng quan trọng hơn là tránh được sự lây lan trong bệnh viện, nhiều bệnh nhân được cứu sống hơn...".
Nhận định thêm về tình hình dịch sởi năm nay, ông Hải cũng đánh giá, đây là đợt bùng phát mạnh nhất của dịch sởi trong vòng vài chục năm trở lại đây.
"Tuy nhiên, thực tế, những trẻ tử vong trực tiếp từ bệnh sởi không nhiều mà chủ yếu do trẻ bị bệnh trước đó như viêm phổi, tim bẩm sinh… sau đó bị lây nhiễm sởi. Trẻ bị bội nhiễm do vi khuẩn khác có cơ hội tấn công khiến tình trạng bệnh càng thêm nặng, dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, suy tim, khó có thể cứu chữa. Từ đó dẫn đến trẻ tử vong...", TS Hải cho hay.
Chưa đưa ra dự đoán chính xác về việc bao giờ dịch sởi có thể được khống chế hoàn toàn nhưng theo ông Hải, điều quan trọng nhất trong cuộc chiến chống dịch sởi chính là việc, cần phải tiêm vắc xin phòng bệnh cho các em nhỏ cũng như chính các ông bố, bà mẹ đầy đủ, đúng thời gian, quy định. Thêm vào đó, cần phải đảm bảo giữ gìn môi trường trong sạch để tránh các nguy cơ lây lan trong cộng đồng...
Dưới đây là một số chia sẻ của PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương về những giọt nước mắt của ông đã rơi khi báo cáo về tình hình dịch sởi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Mời độc giả cùng theo dõi: