Chậm công bố dịch sởi: Bộ Y tế có phạm luật?

H.Đan |

(Soha.vn) - Theo LS Bình, hiện chỉ có quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế còn không có quy định xử phạt về việc không công bố dịch hoặc chậm công bố khi có dịch.

Những ngày qua, tình trạng lây lan bệnh sởi đang diễn ra hết sức nghiêm trọng gây ra sự hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội.

Chiều tối ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có báo cáo hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch sởi. Theo báo cáo này, số ca sốt phát ban nghi do sởi đã tăng lên mức 8.521 ca với 3.136 ca dương tính với sởi và 112 ca tử vong.

Trao đổi với chúng tôi Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc công ty Luật Biển Đông (Đoàn Luật sư Hà Nội) bày tỏ: "Cho đến thời điểm hiện tại, bệnh sởi đã phát triển và lây lan mạnh hơn, nhiều bệnh nhân đã tử vong khiến Thủ tướng Chính phủ phải ra Công điện khẩn phòng chống dịch bệnh sởi.

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế đang giấu diếm về thực trạng dịch sởi cũng như chậm công bố dịch sởi khiến nhiều bệnh nhân nhi tử vong. Thực tế, cần xem xét cụ thể về việc bệnh sởi đã trở thành dịch bệnh chưa và cần công bố chưa.

Theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm như sau:

Việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau:

Thứ nhất, có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Thứ hai, có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ như quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hay bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả hoặc bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả...

Như vậy, Bộ Y tế sẽ căn cứ trên các yếu tố trên qua khảo sát thực tế tỷ lệ mắc bệnh lây nhiễm và tỷ lệ tử vong của bệnh nhân để xác định đã đủ điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm chưa...", Luật sư Bình nói.

Tình trạng lây lan sởi tại bệnh viện đang rất nghiêm trọng.
Tình trạng lây lan sởi tại bệnh viện đang rất nghiêm trọng.

Trước câu hỏi, việc Bộ Y tế cho đến thời điểm hiện tại vẫn không công bố dịch sởi trong khi thực tế, tình trạng lây lan sởi đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Như vậy có vi phạm các quy định của pháp luật hay không? Luật sư Bình cho hay:

"Hiện tại, chỉ có quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế trong đó không quy định xử phạt về việc không công bố dịch hoặc chậm công bố khi có dịch. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ cũng chỉ xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định của pháp luật về thời điểm, thời lượng, vị trí đăng tải thông tin về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Cũng như vậy, Bộ Luật hình sự không có quy định cụ thể về việc xử lý hình sự trong trường hợp người có thẩm quyền chậm hoặc không công bố dịch khi có dịch bệnh truyền nhiễm".

Trước đó, ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có báo cáo hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch sởi đang lây lan mạnh.

Theo báo cáo, chỉ trong ngày 17/4, riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương đã có 33 ca bệnh từ các khoa khác chuyển đến điều trị tại khoa truyền nhiễm do lây nhiễm sởi trong bệnh viện, trong khi ngày 17-4 chỉ có 5 bệnh nhân sởi mới được chuyển vào Bệnh viện Nhi trung ương.

Cũng theo báo cáo, trong ngày 17/4, Bệnh viện Nhi trung ương đã có thêm hai bệnh nhi sởi nặng xin về. Như vậy số tử vong tại riêng bệnh viện này đã lên tới 107 trường hợp và số tử vong ở các cơ sở y tế đã thống kê được là 116 trường hợp.

Bộ Y tế cũng đánh giá số bệnh nhân nặng và số tử vong sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới do bệnh nhi mắc sởi phần lớn trong nhóm dưới 1 tuổi và là nhóm có nguy cơ diễn biến xấu sau mắc sởi.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân đưa trẻ dưới 2 tuổi đi tiêm vắcxin sởi nếu chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ hai mũi. Trong số 300.000 trẻ thuộc nhóm này, hiện đã có khoảng 150.000 cháu được tiêm bổ sung từ tháng 3 đến nay.

Trong ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định bổ sung 80,875 tỷ đồng cho Bộ Y tế từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2014 để mua sắm một số trang thiết bị cho: Bệnh viện Bạch mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và mua thuốc Gamaglobulin phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế xuất cấp (không thu tiền) 22 máy thở chức năng cao, 8 máy thở chức năng trung bình thuộc hàng dự trữ quốc gia để trang bị cho 4 bệnh viện phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người mắc dịch bệnh sởi, cúm và phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai được xuất cấp 10 máy; Bệnh viện nhiệt đới Trung ương 8 máy; Bệnh viện Nhi Trung ương 8 máy; Bệnh viện Xanh Pôn 4 máy.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại