Đôi khi tôi và bạn có tự hỏi, liệu trong ánh sáng vàng vọt của "thành phố không buổi tối", người ta sống với nhau như thế nào?
Có người bảo rằng, ở cái góc sống về đêm ấy, Sài Gòn bình yên thật sự. Cái ác đã trôi dạt vào những cơn ác mộng của kẻ ác, nhường chỗ cho những con người nhỏ nhỏ, phận đời nhỏ nhỏ mưu sinh ở một góc nhỏ nhỏ nào đó của phố thị.
Nhưng người Sài Gòn hồn nhiên lắm. Họ không bi đát hóa đời mình để cho cuộc sống nặng nề thêm. Họ lặng lẽ trong đời mình như người múa lân giấu mình sau cái đầu sặc sỡ của con lân vậy.
Và đây, câu chuyện đặc biệt của một nghệ nhân múa lân. Người đã trả ơn đời bằng cách cưu mang những người cùng cảnh ngộ để cuộc sống đâu đó, giảm bớt những cái ác.
Ông Hằng và những đứa trẻ lang thang trong đội lân của ông. Ảnh: Phạm An
Nghị lực của đứa trẻ lang thang
Gia đình ông Lương Tấn Hằng trước đây thuộc diện khó khăn, anh em ông gần như không biết ngày mai ra sao, tương lai của mình là đâu. Cái nghèo khó thu chật lại ước mơ của những đứa trẻ.
Có nhiều lúc ông muốn buông xuôi, làm gì cũng được, miễn sao ông và em gái ông đỡ cơ cực.
“Cha mẹ cơ cực đã đành, thương nhất là đứa em gái nhỏ, mới vài tuổi đầu đã cùng tôi lăn lộn mưu sinh, rong ruổi khắp ngỏ ngách Sài Gòn để bán vé số. Người ta thương vừa mua vừa cho cơm thừa, người ghét thì đuổi xua”, ông Hằng rơm rớm nhớ lại.
Một lần đến nhà chú họ ở lò võ Tinh Anh Đường chơi, đứa trẻ lang thang ấy không thể rời mắt trước những đường quyền, thế võ vun vút của chú.
Nhớ lại những lần bị đuổi đánh, cậu xin ấy xin ba mẹ được đi học võ để đỡ bị ức hiếp. Từ đó, sáng, ông Hằng trước đây phải lo làm việc phụ giúp gia đình, để tối có thời gian học võ cùng chú.
Thấy ông có tố chất của con nhà võ, đủ thể lực, nhanh nhạy để di chuyển trên thung hoa mai, người chú vốn là nghệ sĩ biểu diễn múa lân, đang tìm người truyền dạy đã gọi ông Hằng đến ngỏ lời đào tạo cậu thành người múa lân chuyên nghiệp.
Cũng từ đây, cậu bé đường phố sống không biết tương lai ngày nào đã tìm thấy sự đam mê của mình và hăng say tập luyện.
“Tập múa lân không phải dễ dàng, ban đầu sáng tập, trưa đến là ê ẩm hết cả người, nhiều lần ngã từ thung hoa mai xuống thân thể bầm tím, đau muốn ngất lịm nhưng trót mê quá tôi phải gồng mình để tập”, ông Hằng bộc bạch.
Và rồi, với đam mê và khổ luyện, cậu bé mê võ đã trở thành một diễn viên múa lân chuyên nghiệp, có thể kiếm được tiền từ công việc mới của mình.
Rồi chính lúc tự lo được cho bản thân, tuổi thơ chợt ùa về. Ông tìm thấy điều đó trong những đứa trẻ đường phố vất vưởng. Những đứa trẻ có thể thành người ác bất cứ lúc nào nếu đời xô đẩy. Và cũng có thể đời ngược đãi bất cứ lúc nào.
Thành tích đội múa lân của ông Hằng. Ảnh: Phạm An
Dạy trẻ việc yêu thương người thân
Một giấc mơ cứu rỗi giản dị đã hình thành, bằng hành động giản dị, của người đàn ông này.
Năm 1986 là bước ngoặc lớn nhất cuộc đời, khi ông quyết định đầu tư tất cả tiền dành dụm vất vả để thành lập đoàn lân Hằng Anh Đường. Hằng đêm, ông ra đường “thu nhận” những đứa trẻ cơ nhỡ về dạy học tạo công ăn việc làm cho chúng.
Tuy nhiên, để nuôi, dạy những đứa trẻ “đầu đường, xó chợ” không phải là chuyện dễ, tất cả đến với ông chỉ vì muốn học võ để… trả thù, để làm đại ca. Có đứa, hễ ông sơ hở là gom đồ nghề đi bán.
Ông dần cảm hóa chúng bằng những hành động dạy dỗ. Bằng công việc ông mang lại cho chúng. Bằng những bài học cuộc đời với những giá đắt mà người đời đang trả. Sự dạy dỗ ấm áp, không đòn roi, mắng chửi.
Ông tâm niệm đòn roi chỉ làm hằn lên những vết chai lì từ thân xác đến tâm hồn, chỉ những lời nói mới như dòng nước tưới mát sự thơ trẻ, và tâm lý của những đứa mới lớn. Vì chúng có quậy phá, có lì lợm đến đâu suy cho cùng chúng cũng là con nít.
Từ đó, hàng trăm đứa trẻ đã thoát khỏi ý nghĩ hận thù mà vững tin sống.
Những đứa trẻ vững tin sống với nghề nghiệp của mình. Ảnh: Phạm An
“Tôi theo thầy Hằng hơn 10, từ đứa trẻ không nơi nương tựa, tôi đã có võ quán, có đội lân riêng của mình. Thầy giúp tôi hiểu rằng, sống lương thiện không khó, cái khó là giúp những người khác không sa ngã như mình.
Cũng như thầy, tôi không từ chối bất kỳ đứa trẻ nào đến với tôi, đó cũng là cách tôi trả ơn thầy”, một học trò của ông Hằng chia sẻ.
Hiện tại, đoàn múa lân của ông Hằng đang nuôi dưỡng, dạy dỗ cho hơn 30 em nhỏ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, hay những đứa trẻ được ba mẹ gửi đến để vừa tập, vừa đi học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.
Học múa lân với ông, ngoài được ăn ở miễn phí, chúng còn được học võ, chữ Hoa, chữ Việt, được tiền lương, quà bánh,... Nhất là ông tạo nhiều cơ hội để chúng đi biểu diễn, thi đấu lân sư rồng khắp cả nước.
Em Phạm Hoài Thương (13 tuổi, quê Gia Lai) tâm sự: "Ban đầu em đến học múa lân chỉ để được nuôi cơm hai bữa, nhưng thầy đối xử với em rất tốt, thầy rất thương tụi em, em được truyền nghề, lại được thầy trả lương.
Em cũng được về thăm nhà, có tiền mang về cho ba mẹ. Hiện tại em múa đầu lân khoảng 15kg, nhưng mỗi suất chỉ múa tầm 4 phút nên em có thể hoàn thành bài múa của mình".
Bằng những cống hiến của mình cho sự nghiệp múa lân, năm 2007 ông Hằng được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Ảnh: Phạm An
Đối với đứa trẻ nào, ông Hằng cũng dạy tình yêu thương cốt lõi đến từ gia đình, từ người cha, người mẹ nên bất kỳ ai cũng vậy, sẽ trưởng thành hơn nếu biết nghĩ đến người thân.
Biết rằng múa lân để mang lại cho người ta sự may mắn, hạnh phúc, nhưng học trò sẽ không khỏi chạnh lòng khi vừa biểu diễn, vừa nhìn thấy những người đầm ấm bên người thân.
Ông Hằng thường tổ chức trước những buổi tiệc trong đoàn, tặng quà, tặng bánh trước khi các em đi biểu diễn để đỡ cảm thấy buồn hay mặc cảm.
Những đứa trẻ đường phố thường sinh ra trong những gia đình kém may mắn, nên trong lòng các em thương tổn, dễ sinh ra thù hận. Ông Hằng đã giúp các em, hàn gắn những vết thương ấy.
Để rồi các em mở lòng ra với đời, sống thiện tâm hơn. Đó thực sự là cứu rỗi...