Cuộc chiến 1979: Lính Trung Quốc chết vẫn ôm bao khoai lang

Hoàng Đan |

Cựu binh trong cuộc chiến biên giới Nguyễn Mạnh Hùng kể, phần nhiều lính Trung Quốc chỉ là bọn đi đánh hôi, thậm chí, không ít tên chết, tay vẫn ôm bao khoai lang.

Lời tòa soạn: Mới đây Tờ Hoàn Cầu thời báo (Trung Quốc) trắng trợn tung clip tái hiện một cách bịa đặt, xuyên tạc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 vẫn được truyền thông nước này gọi là: Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về những thông tin trong cuộc chiến tranh năm 1979, chúng tôi đã có các cuộc trao đổi một số người trực tiếp tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tổ quốc này.

Chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả loạt bài về Sự thật đằng sau clip xuyên tạc lịch sử trên Hoàn Cầu thời báo.

Bài 1: Chiến tranh 1979: Tướng Lương vạch trần sự bịa đặt trắng trợn
Bài 2: "Nếu bị chặn, quân TQ có thể sẽ phải bỏ chạy như quân Thanh"
Bài 3: Tướng Khảm: TQ tuyên truyền bịp bợm, lếu láo về cuộc chiến 1979
Bài 4: Chiến tranh 1979: Quân Trung Quốc đã nhát gan như thế nào?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là giảng viên trường ĐH Phương Đông), một cựu binh từng tham gia trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới tại mặt trận Lạng Sơn.

Ông Hùng nhập ngũ tháng 8/1978 lúc đang là sinh viên trường đại học Kinh tế Quốc dân. Khoảng 8 tháng sau, ngày 4/3/1979 ông được điều về đơn vị thông tin thuộc trung đoàn 2, sư đoàn 3 Sao Vàng trấn thủ biên giới phía Bắc.

Đồng thời, ông cũng là tác giả bài thơ Bình độ 400 rất hay, viết về trận đánh rất ác liệt tại địa điểm cùng tên thuộc xã Thanh Hòa, Cao Lộc, Lạng Sơn vào năm 1981.

Bài thơ cũng khắc họa rõ nét hình ảnh người lính trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.

PV: Là một chiến sỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, ông có nhìn nhận, đánh giá thế nào về nội dung đoạn clip xuyên tạc trắng trợn lịch sử của Trung Quốc?

T.S Hùng: Những người làm clip này có thể hiểu rõ thất bại thảm hại của quân đội Trung quốc xâm lược Việt Nam tháng 02/1979, họ cố tình bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử nhằm che đậy âm mưu đen tối, hành động xâm lược tàn bạo, thất bại.

Họ gọi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” ngay trước khi phát động chiến tranh, khiến người lính và người dân Trung Quốc hiểu lầm.

Theo tôi, sau năm 1979, đến ngày 17/02 ghi “Kỷ niệm chiến thắng quân Trung Quốc xâm lược” là chính xác.

Rất nhiều người lính Trung Quốc ngày đó biết rõ đó là hành động xâm lược sát hại nhân dân Việt Nam nên họ sợ hãi, co cụm, né tránh thương vong.

Sau này tôi có dịp gặp người lính Trung Quốc từng tham gia chiến tranh, người dân Bắc Kinh và họ đều cảm thấy tội lỗi, phi lý khi gây ra cuộc chiến biên giới.

Cựu binh Nguyễn Mạnh Hùng - người mặc áo đen ngoài cùng bên trái ảnh.
Cựu binh Nguyễn Mạnh Hùng - người mặc áo đen ngoài cùng bên trái ảnh.

PV: Trong đoạn clip này có chi tiết cho rằng, thời điểm đó, quân đội Việt Nam đã thả độc xuống các khu vực có nước?

T.S Hùng: Không có chuyện đó, họ đã xuyên tạc. Thực chất thì sau tháng 3/1979, ở một số đoạn sông Kỳ Cùng, lính ta ra rửa mặt có hiện tượng tổn thương da, tóc.

Tại khu vực Mẫu Sơn (Lạng Sơn) quân Trung Quốc bắn đạn khói vào giờ lính ta ăn cơm, hít phải là ngộ độc, chết ngay. Có lẽ chúng ta cần điều tra tội ác chiến tranh xâm lược của quân đội Trung Quốc để nhân dân thế giới biết.

PV: Từ thực tế là một người tham gia cuộc chiến, cá nhân ông nhìn nhận thế nào về thực lực của binh lính Trung Quốc lúc bấy giờ. Đây là đội quân tinh nhuệ hay chỉ là quân ô hợp?

T.S Hùng: Đó là đội quân ô hợp, nhiều tên lính không có vũ khí, cả dân binh đi hôi của theo chỉ điểm của một số tên Việt gian.

Nhiều cựu binh tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc đều kể rằng, quân Trung Quốc có rất nhiều pháo và bắn không tiếc đạn. Tuy nhiên, kỹ chiến thuật của lính bộ binh Trung Quốc thì không bằng lính Việt Nam.

Quân đội Trung quốc từ 1949-1979, hơn 30 năm mới tác chiến quy mô lớn, họ ở tầm thấp xa với Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn đang ở thời chiến.

Nếu đụng độ thuần bộ binh thì lính Trung Quốc kém xa lính mình. Về sau chúng tôi phát hiện ra là, lính Trung Quốc không phải tất cả được trang bị vũ khí, nhiều tên đi tay không.

Mà những loại đấy chúng tôi cho chỉ là bọn đi đánh hôi. Có nhiều tên chết tay vẫn ôm một bao khoai lang. Không thể bằng lính mình được huấn luyện bài bản. Chúng chỉ ào ào xông lên, nhưng hễ gặp hỏa lực mạnh là nó chạy..

PV: Còn quân đội Việt Nam lúc bấy giờ như thế nào, thưa ông?

T.S Hùng: Tôi không nhận định tất cả, nhưng Việt Nam lúc đó, có những vị tướng dày dạn trận mạc. Như ở biên giới phía Bắc thời đó có tướng Hoàng Đan nổi tiếng với câu nói “sống, chết, thời, vận, số”.

Có câu chuyện nói rằng, khi ông đi thị sát gặp lúc địch bắn pháo như mưa nhưng ông vẫn ngồi yên quan sát và nói đại ý, số anh chết thì đạn pháo nó còn biết đường tìm vào hầm của anh.

Riêng Sư đoàn 3 của tôi trấn cửa ngõ biên giới Lạng Sơn mà đương đầu với nhiều thê đội thuộc hai quân đoàn 55, 43 của Trung Quốc, kìm chân, đẩy lui khiến mỗi ngày chúng chỉ tiến được 0,8 km trong toàn cuộc chiến tranh.

Sư đoàn 3 di chuyển lên Lạng Sơn tháng 7-8/1978 thì rõ ý đồ chiến lược phòng thủ của ta. Ước chừng 40% cán bộ chiến sỹ của Sư đoàn thuộc lính chống Mỹ, nắm vị trí từ cấp trung đội trở lên, nhiều sỹ quan từng qua thời kháng chiến chống Pháp.

Tất cả cán bộ chiến sỹ đều rõ thông thổ khu vực phòng thủ, biết rõ từng ngọn núi, khe suối, bãi mìn. Tuy bất ngờ về thời điểm, nhưng anh em không bất ngờ về chiến lược.

Tôi đánh giá cao sỹ quan chỉ huy, lính ta thời chống Mỹ, họ nhanh chóng hiểu cách đánh của Trung Quốc và bình tĩnh giáng trả hiệu quả.

Sư đoàn 316 và Sư đoàn 345 chống lại sự tiến công của 2 quân đoàn của TQ (Ảnh: wikipedia)

Sư đoàn 316 và Sư đoàn 345 chống lại sự tiến công của 2 quân đoàn của TQ.

Mặt trận Lạng Sơn được nước ngoài đánh giá là cuộc chiến đấu chống xâm lược hiệu quả nhất. Đây là mặt trận có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sư đoàn chủ lực với quân dân địa phương.

Có rất nhiều sỹ quan cấp đại đội như anh Quế (quê Mỹ Đức, Hà Nội), trả phép sớm, bình tĩnh chiến đấu, dạy lính đánh giặc. Ông quan sát và áp sát quân giặc co cụm và bắn hết cả áo đạn M79 trong sự reo hò của lính ta, sự sợ hãi tháo chạy của giặc.

Anh em gọi anh là “thần chiến tranh”, anh đã chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 3 suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, với cách đánh đặc biệt hiệu quả.

Hoặc một tiểu đội hỏa lực của đại đội 2 tiểu đoàn của tôi, trấn giữ kìm giặc ở Ngã Ba Tam Lung gần một buổi sáng, mỗi lần xe giặc đến, định chạy về Lạng Sơn lại khự lại, co cụm.

Những tiểu đội trưởng như anh Phùng Sinh Sướng (quê Quảng Ninh) bình tĩnh trút hết cơ số đạn cối 60 vào giặc, rồi thản nhiên lui quân an toàn; anh Tác săn bắn xe tăng địch như săn thú hoang.

 
Thiếu tướng lê mã lương
Rõ ràng nội dung về cuộc chiến trên Hoàn Cầu thời báo là một sự xuyên tạc lịch sử, không có cơ sở thuyết phục vững vàng. Người viết bài này chắc chưa được nghe kể về cuộc chiến. Và nếu có người kể thì chắc người kể cũng không phải người trong cuộc mà chỉ dựa vào tài liệu nào đó không chính xác nên viết không đúng.

Chính trị viên đại đội, anh hùng Nguyễn Cao Thượng dũng cảm chiến đấu đến cùng; đại đội trưởng công binh anh hùng Đinh Nho Bông (Thanh Hóa) cứ nhằm chỗ yếu của địch, bí mật áp sát đánh phủ đầu.

Quân đội Việt Nam anh hùng, trong lịch sử chống ngoại xâm, cuộc chiến chống xâm lược ở biên giới phía Bắc tháng 2/1979 là cuộc giáng trả mạnh mẽ, hiệu quả nhất.

Tôi nghĩ đó là bài học cuối cùng dạy những kẻ xâm lược.

Bình độ 400

Đêm tháng Năm vào bình độ 400

Đoàn xe trôi êm tầm đại bác

Thuốc súng tanh lá rừng kêu xào xạc

Chúng no máu rồi không cắn nữa đâu

Lắc lư xe quan tài chạy về sau

Máu rỏ xuống đường cuộn vào cát bụi

Lại xe quan tài vượt lên lầm lũi

Tốp thương binh bê bết máu mặt mày

Đám giặc kia thánh phật dạy ăn chay

Chẳng kiêng gì ngày Rằm mùng Một

Đạn cày xới đất tơi trồng cây tốt

Tưới máu người cướp giữ đất biên cương

Tư lệnh Hoàng Đan trận này cầm quân

Ông bảo rằng "sống chết thời vận số"

Cả trung đoàn ào ào như thác lũ

Bình độ 400 bình độ trận người

Những chàng trai sống chết trận này ơi

Máu đổ xuống ông trời tuôn nước mắt

Ơn nhớ mãi thân người đi giữ đất

Người trở về ăn, sống, ở ra sao?

 

(Còn tiếp)

Một số nội dung trong clip xuyên tạc lịch sử, hiếu chiến của Hoàn Cầu thời báo:

+ Cánh quân phía bên trái cũng anh dũng vượt qua rào cản phòng ngự của quân đội Việt Nam, thọc sâu vào căn cứ ở hậu phương của quân địch (quân đội Việt Nam).

Quân Việt Nam ở Đồng Đăng bị biến thành ba ba trong rọ, bị cắt đứt đường lui. Trung đoàn Anh hùng của Việt Nam lâm vào cảnh mọc cánh cũng khó thoát.

+ Khi chiến tranh nổ ra, những khu vực có nước ở Việt Nam đều bị quân đội nước này thả thuốc độc vào. Nhiều khi, để giải quyết vấn đề nước uống, binh sĩ (Trung Quốc) đã phải hy sinh tính mạng của mình.

+ Cái gọi là đơn vị Anh hùng của Việt Nam mau chóng bị quân đội Trung Quốc dọa cho trợn mắt há miệng. Thi thể lính Việt Nam chết trận phải dùng đến 17 xe tải mới chở hết...

+ Trong cuộc phản kích tự vệ này, quân ta đã chiếm được Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tuyên và 21 huyện, thị trấn khác nhau của Việt Nam; tiêu diệt 4 sư đoàn, 7 trung đoàn, 25 tiểu đoàn của Việt Nam.

Tổng số binh lính Việt Nam bị tiêu diệt là hơn 50.000 người; 2173 lính đầu hàng; thu giữ 916 khẩu pháo các loại; 16.000 súng, hỏa tiễn; 236 xe ô tô. Quân ta cũng phá hủy nhiều pháo, xe tăng, xe thiết giáp, thu được thắng lợi huy hoàng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại