Tịch thu ôtô khi say xỉn: "Chiếc ôtô hay xe máy không có tội"

Hoàng Đan |

"Nếu có hành vi vi phạm luật giao thông thì cần phải xử phạt người điều khiển chứ chiếc ôtô hay xe máy đó không có tội" - ĐBQH Lê Như Tiến nói.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có kiến nghị tịch thu ôtô và tước giấy phép 2 năm nếu tài xế có nồng độ cồn trên 80mg/100ml trong máu hoặc vượt quá 0,4mg/ml khí thở.

Phải rà soát thật kỹ các quy định

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH cho rằng, trong tình hình hiện nay, khi những vi phạm về an toàn giao thông tăng mạnh thì kiến nghị này cũng có căn cứ hợp lý.

Tuy nhiên, ông Tiến bày tỏ, trong tình hình thực tế hiện nay thì cần phải có những cân nhắc thật cẩn trọng trước kiến nghị này.

"Ở đây, đối với kiến nghị này cần phải căn cứ vào Hiến pháp, Bộ luật Dân sự. Trong Hiến pháp năm 2013, quyền sở hữu tài sản của công dân được quy định rất rõ và quyền này cũng rất thiêng liêng.

Theo đó, nếu có hành vi vi phạm luật giao thông thì cần phải xử phạt người điều khiển chứ chiếc ôtô hay xe máy đó không có tội", ông Tiến nói.

 
Đại biểu lê như tiến
Chỉ tịch thu phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm luật hình sự như tham nhũng, trộm cắp, chứa chấp đồ trộm cắp... Còn việc tịch thu như kiến nghị thì cần phải cân nhắc rất cẩn trọng.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Ủy viên thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội) cũng cho hay, các giải pháp để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là rất cần thiết và cần phải làm triệt để.

Nhưng, việc đề xuất tịch thu ôtô đối với tài xế say xỉn rất khó nếu soi vào các quy định của pháp luật.

"Đối với người dân thì dù chỉ đáng vài triệu nhưng chiếc xe máy là phương tiện để người ta kiếm sống và với xe ôtô thì lại là tài sản có giá trị lớn, thậm chí là rất lớn. 

Chưa kể nhiều trường hợp tài xế lái xe vi phạm nhưng lại tịch thu xe của chủ xe hay người khác mượn xe của mình rồi vi phạm, khi đó xe mình lại bị tịch thu ...

Quyền sở hữu của người dân là rất thiêng liêng.

Do đó, với tình hình thực tế như hiện nay thì cần phải rà soát thật kỹ các quy định của pháp luật, tránh cho việc ban hành nghị định tịch thu này trái pháp luật, vi Hiến, sau đó lại phải bỏ, sửa", bà Khá bày tỏ.

"Thay tịch thu bằng tăng nặng xử phạt"

Ông Lê Như Tiến nhìn nhận, với tình hình hiện nay, kiến nghị tịch thu xe của công dân sẽ phải cân nhắc rất kỹ, và thay vì tịch thu phương tiện thì nên chuyển sang việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông thật nghiêm khắc.

"Tôi cho rằng không nên tịch thu phương tiện của người ta vì đây còn có ý nghĩa của quyền tài sản. Trong luật dân sự đã quy định, không ai có quyền định đoạt tài sản của người khác nếu như không vi phạm pháp luật về hình sự.

Giống như việc xây nhà không phép, trái phép thì chỉ có thể dỡ bỏ, xử phạt chứ không thể tịch thu nhà của người ta.

Tôi mong các cơ quan chức năng phải rất cẩn trọng nếu không một số đơn vị sẽ lạm dụng việc tịch thu làm cho xã hội dễ bị đảo lộn.

Ở đây, cá nhân tôi cho rằng, nên thay tịch thu bằng tăng nặng mức xử phạt đối với vi phạm giao thông đường bộ.

Mức tăng có thể lên gấp 3 - 5 lần, thậm chí bằng giá trị chiếc xe máy, ôtô nhưng việc tịch thu thì phải xem xét kỹ càng", ông Tiến nhấn mạnh.

Bà Khá cũng cho rằng, trong tình hình hiện tại nên tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm luật giao thông. Đối với những trường hợp cố tình, vi phạm nhiều lần, có thể tịch thu bằng lái một thời gian hoặc vĩnh viễn.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, các đề xuất nào dù có mục đích tốt nhưng vi phạm quy định pháp luật thì cần phải có sự đánh giá, xem xét kỹ xem có thực thi được không.

Bởi, xe máy, ôtô là tài sản của công dân được đăng ký quyền sở hữu.

Do đó, việc tịch thu một tài sản có sở hữu phải theo đúng trình tự của quy định pháp luật.

Trước hết là phải vi phạm pháp luật nghiêm trọng ví như ôtô vận chuyển hàng quốc cấm, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Việc tịch thu đó phải thông qua điều tra, khởi tố vụ án, chuyển viện kiểm sát, đưa sang tòa án tuyên bố thì mới có thể thực hiện. Nhưng tài sản ôtô ở đây nhiều khi không phải là chính chủ nên việc tịch thu sẽ rất khó khăn.

Cá nhân ông Liên cũng cho rằng, việc đưa vi phạm hành chính chuyển sang thành vi phạm hình sự để tịch thu phương tiện có phần nào đó hơi nóng vội và cực đoan.

Vì thế, đối với đề xuất tịch thu chúng ta cần phải xem xét thật kỹ càng, tránh vi phạm các quy định pháp luật.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại