Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông sẽ bị coi là tội phạm?

Hoàng Dan |

Theo LS Cường, nếu áp dụng tịch thu xe để xử lý vi phạm hành chính thì có thể hiểu, việc uống rượu bia khi tham gia giao thông bị coi như vi phạm luật hình sự (?).

Dùng rượu bia khi tham gia gia thông = tội phạm?

Ủy ban an toàn giao thông quốc gia (ATGT QG) vừa có kiến nghị tịch thu ôtô và tước giấy phép 2 năm nếu tài xế có nồng độ cồn trên 80mg/100ml trong máu hoặc vượt quá 0,4mg/ml khí thở.

Xung quanh đề xuất này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, với quy định hiện hành (Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012), Chính phủ hoàn toàn có thể ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành theo đề xuất này.

Theo đó, hành vi người tham gia giao thông trong tình trạng có sử dụng chất kích thích như rượu, bia... ngoài xử phạt hành chính thì còn bị áp dụng biện pháp hành chính khác là tịch thu phương tiện.

LS Cường cũng cho hay, dù vấn đề tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay đang là vấn nạn xã hội cần phải giải quyết.

"Tuy nhiên, ở nước ta, phương tiện giao thông không đơn thuần chỉ là phương tiện đi lại mà còn là tài sản có giá trị lớn.

Nếu áp dụng biện pháp tịch thu tài sản là phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thì sẽ gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội.

Nhiều người chỉ vì một hành vi vi phạm hành chính (uống rượu chưa gây tai nạn) mà có thể "khuynh gia bại sản" - mất xe", LS Cường bày tỏ.

 
luật sư đặng văn cường
Nếu áp dụng quy định này để xử lý vi phạm hành chính thì có thể hiểu rằng hành vi uống rượu bia trước, trong khi tham gia giao thông bị coi nghiêm trọng như hành vi vi phạm pháp luật hình sự, là tội phạm. Hành vi có sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông = tội phạm.

Cũng theo LS Cường, biện pháp tịch thu xe hiện nay đang chỉ áp dụng với các chiếc xe là công cụ, phương tiện phạm tội trong các vụ án hình sự.

Quá nhiều bất cập

Còn Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Trưởng VP Luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn LS Tp Hồ Chí Minh) cho rằng, với giải pháp mà Ủy ban ATGT QG đề xuất là tịch thu xe khi tài xế nặng hơi men sẽ còn nhiều vấn đề pháp lí phát sinh nếu như được chấp thuận. 

Bởi lẽ, các phương tiện như xe ô tô, xe gắn máy... đều là những tài sản có giá trị lớn, thậm chí là rất lớn.

Và với những phương tiện như xe ô tô, xe gắn máy... thì sẽ có những tài sản liên quan đến tài sản chung của vợ chồng được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân hay người vi phạm chỉ là người mượn xe hoặc chỉ là tài xế chạy thuê.

"Nếu bị tịch thu xe thì liệu rằng có đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp thật sự của những người vợ hoặc chồng hay các chủ xe hay không?

Vì khi đó, họ hoàn toàn không biết hay đồng ý cho những người kia vi phạm luật giao thông để rồi bị tịch thu xe", LS Thảo nói.

 
luật sư nguyễn thạch thảo
Với tình hình thực tế hiện nay, theo tôi thì đề xuất trên khó thực hiện được vì còn vướng nhiều các qui định pháp luật khác. Hơn nữa, giải pháp tịch thu xe như trên là không phù hợp về lý và về tình.

Cũng theo LS Thảo, thậm chí đối với các vụ án hình sự với tính chất rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mà các đối tượng gây án đã sử dụng xe của người khác như mượn xe hoặc ăn lấy xe của người khác để làm phương tiện phạm tội thì khi giải quyết vụ án.

Nếu chủ sở hữu của các phương tiện đó chứng minh được rằng mình không biết việc các đối tượng đó mượn xe hoặc lấy xe của họ để làm những việc vi phạm pháp luật thì khi đó tòa án phải ra quyết định trả lại phương tiện cho họ.

"Do vậy, với những vi phạm pháp luật như trên chỉ mang tính chất là vi phạm hành chính thì việc tịch thu xe của người vi phạm thì sẽ còn nhiếu vấn đề bất cập", LS Thảo nhấn mạnh.

Để thực hiện được đề xuất này, theo LS Thảo cần phải hệ thống lại toàn bộ các quy định của pháp luật liên quan đến việc xử phạt hành chính về xử phạt vi phạm giao thông hiện nay.

Thêm vào đó, là các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu chung của vợ chồng vì khi thực hiện việc tịch thu tài sản đó đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người còn lại.

Chưa nói đến nếu các phương tiện vi phạm đó là các xe của cơ quan Nhà nước thì việc áp dụng hình thức tịch thu xe sẽ như thế nào? Thẩm quyền xử phạt, trình tự thủ tục xử phạt ra sao?...

"Do vậy, ở đây, phải có sự chuẩn bị và đưa ra được các giải pháp, các tình huống để giải quyết các vấn đề pháp lí trên.

Rà soát lại tất cả các văn bản liên quan để làm thế nào cho phù hợp với các quy định của pháp luật mà không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người khác", LS Thảo bày tỏ.

Trong văn bản của Ủy ban ATGT quốc gia kiến nghị chế tài tịch thu ôtô và tước giấy phép 2 năm nếu lái xe trên đường mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1ml khí thở.

Đồng thời, người vi phạm phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe.

Chế tài xử phạt này cũng áp dụng cho cả người vi phạm lái mô tô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô, xe gắn máy...

Cũng theo đề xuất của Ủy ban ATGT quốc gia, với trường hợp có hành vi lái mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, xe thô sở trên đường cao tốc (đường chỉ dành cho ô tô), Bộ GTVT tải kiến nghị cho phép áp dụng chế tài tịch thu phương tiện...

Ngoài ra, còn một số kiến nghị về các giải pháp được xem là mạnh tay nhất từ trước tới nay đối với hành vi vi phạm khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại