Ngay trong đêm đập trâu chết, nhiều người đã nói "phải dừng"

Hoàng Đan - Hải Sơn |

Khi đứng theo dõi 12 "con chùa" thực hiện nghi lễ Cầu Trâu tại sân đình, ông Quỳnh cũng thừa nhận về sự phản cảm của việc dùng các vồ gỗ đập đầu trâu đến chết.

>> Mời xem tuyến bài: Hãi hùng lễ hội đập đầu trâu đến chết

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Quỳnh, chủ tế của lễ hội Cầu Trâu (Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ) cho biết, lễ hội được tổ chức vào đêm mùng 9, rạng sáng mùng 10 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Xuân Nương dưới thời Hai Bà Trưng.

Theo các tài liệu mà dân làng còn lưu giữ, lễ hội đã có lịch sử rất lâu đời, thậm chí lên tới cả hàng ngàn năm và do chiến tranh cũng như nhiều nguyên nhân nên mới được phục dựng lại vào những năm 1999 - 2000.

Cảnh đập vào đầu trâu đến chết trong lễ hội năm nay ở Phú Thọ.

Cũng theo ông Quỳnh, các nghi lễ trong lễ hội và nghi lễ 12 "con chùa" dùng vồ đập vào đầu trâu đến khi khụy xuống, chết cũng là nhằm thao diễn lại các động tác để giết trâu, khao quân trước đây của nữ tướng Xuân Nương.

Ông Phạm Ngọc Quỳnh.

Ông Phạm Ngọc Quỳnh.

"Thực tế, 12 nam thanh niên thực hiện nghi lễ Cầu Trâu lúc đầu có tên gọi là các "con chúa" nhưng sau đọc lại thành "con chùa".

Việc tổ chức lễ hội cũng như nghi lễ Cầu Trâu này gắn liền với đời sống của quê hương chúng tôi.

Đồng thời, lễ hội có ý nghĩa rất tốt đẹp nhằm tưởng nhớ công đức của bà nữ tướng Xuân Nương đối với quê hương. Đó là thể hiện sự tri ân, báo ân", ông Quỳnh chia sẻ.

Ông Quỳnh cũng bày tỏ, lịch sử của lễ hội ở Hương Nha là rất rõ ràng. Các cơ quan có thẩm quyền cũng đã kiểm tra kỹ càng các thần tích để lại và ngôi đình thờ đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Từ thực tế, khi đứng theo dõi 12 "con chùa" thực hiện nghi lễ Cầu Trâu tại sân đình, ông Quỳnh cũng thừa nhận về sự phản cảm của việc dùng các vồ gỗ đập đầu trâu đến chết.

Ông Quỳnh cũng cho biết thêm, ngay trong đêm diễn ra nghi lễ này, nhiều người cũng đã có phản ứng cho rằng, hành động này quá dã man và phải dừng, không nên thực hiện.

"Cá nhân cũng thấy việc 12 con chùa dùng vồ đập vào đầu trâu đến chết là phản cảm, không còn phù hợp với xã hội hiện đại ngày nay.

Nhưng đây là lễ hội truyền thống của quê hương chúng tôi đã truyền từ ngàn đời nay rồi nên việc Cầu Trâu vẫn được dân làng tổ chức như thông lệ", ông Quỳnh nói.

Theo ông Quỳnh, sau khi tiếp nhận những ý kiến trái chiều, phản đối nghi lễ dùng vồ đập trâu đến chết, lãnh đạo xã đã họp với ban tổ chức và đưa ra một số vấn đề, trong đó có việc, cùng bàn bạc, tìm hướng thay thế cho phù hợp.

"Theo nguyện vọng của dân làng cũng là của cá nhân thì lễ hội Cầu Trâu vẫn sẽ phải tổ chức nhưng nghi lễ dùng vồ đập trâu đến chết sẽ phải được điều chỉnh.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh này vẫn phải giữ được nét truyền thống của quê hương", ông Quỳnh nói.

Bên cạnh đó, ông Quỳnh cũng mong muốn, các nghiên cứu văn hóa, lịch sử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan chức năng sớm về địa phương giúp đỡ việc xác định xem nữ tướng Xuân Nương có ảnh hưởng như thế nào trong thời Hai Bà Trưng.

Từ đó, khẳng định, các giá trị văn hóa, truyền thông của địa phương.

Các "con chùa" đánh trâu chỉ tượng trưng?

Còn ông Cao Xuân Trường, cán bộ văn hóa xã Hương Nha (Tam Nông, Phú Thọ) xác nhận, theo truyền thuyết trong lễ hội Cầu Trâu có nghi thức 12 "con chùa" dùng vồ gỗ đập vào đầu trâu.

Tuy nhiên không phải đập dã man mà các "con chùa" đánh chỉ tượng trưng, thủ tục, không đập chết nhưng sau đó, việc đánh trâu vẫn phải đánh chết để mổ, lấy da trâu bọc thịt và dùng nứa đun chín để tế thánh.

Ông Trường cũng cho rằng, nghi lễ này không phải là dã man bởi khi bình thường mổ trâu thì cũng phải đánh chết.

cán bộ văn hóa xã hương nha
ông cao xuân trường
"Chúng tôi cũng đã đề xuất với lãnh đạo là vẫn giữ nguyên nghi lễ các "con chùa" Cầu Trâu nhưng thay vì dùng vồ gỗ thì giờ chuyển sang dùng vồ bằng cao su. Và các con chùa chỉ đánh tượng trưng chứ không đánh vào đầu của trâu. Khi cần đánh chết trâu để làm thịt tế thánh thì một con chùa sẽ chỉ đánh một cái vào đúng tử huyệt để trâu chết chứ không để đau đớn, phản cảm".

"Đây là những tục lệ từ trước đến nay theo tích xưa để lại. Trước đây dùng bằng vồ và giờ cũng vậy nhưng "con chùa" cũng không đập chết trâu ngay được", ông Trường nói.

Cũng theo ông Trường, việc thực hiện các nghi thức này vẫn phải theo đúng thủ tục từ trước đến nay để thể hiện việc giết trâu, khao quân của nữ tướng Xuân Nương.

Trước đó, ngay sau khi nhận được thông tin này, trao đổi với chúng tôi vào chiều tối 28/2, ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật châu Á đã kịch liệt phản đối nghi lễ mang tính tàn ác đối với động vật trong lễ hội Cầu Trâu.

"Cũng giống như lễ chém lợn ở Bắc Ninh, lễ hội Cầu Trâu có lối đối xử tàn ác, phi nhân đạo đối với động vật. Những lễ hội này đều có ảnh hưởng tới xã hội về nhiều mặt và không nên được tiếp tục.

Tổ chức Động vật châu Á kịch liệt phản đối và kêu gọi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan có thẩm quyền can thiệp nhằm chấm dứt những lễ hội phản cảm này", ông Thanh nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại