Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: 'Trẻ em giờ có đói khát thế đâu...'

Hoàng Đan |

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm bày tỏ sự không đồng tình với quảng cáo trẻ em méo mó như quảng cáo mỳ tôm lên truyền hình, bởi thực tế, trẻ em hiện nay không đói, khát như thế.

Quảng cáo làm xấu hình ảnh trẻ em

Phát biểu sáng nay tại phiên họp tổ liên quan đến Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) bày tỏ sự không đồng tình với nhiều quảng cáo méo mó về trẻ em trên truyền hình.

"Như quảng cáo mỳ hay món ăn trẻ em thèm, liếm lưỡi, làm xấu cả hình ảnh trẻ em Việt Nam.

Tôi không đồng tình với việc đưa hình ảnh trẻ em méo mó lên truyền hình. Bởi khi đó làm tự dưng mình thấy thương hại mà thực tế thì, giờ các em có đói, khát đến như thế đâu...", Hòa thượng Nghiêm nêu.

Tại Khoản 1 Điều 38 về bổn phận trẻ em đối với gia đình quy định "Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông, bà, cha, mẹ; lễ phép với người lớn, thương yêu các thành viên trong gia đình".

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm kiến nghị phải thêm chữ "họ hàng" vào quy định trên, với mong muốn trẻ em giữ gìn truyền thống tốt đẹp này của dân tộc.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng chia sẻ cảm giác, dường như những câu nói về bảo vệ, chăm sóc trẻ em rất hay, nhưng nhận thức thì lại chưa đầy đủ, chưa chăm sóc, bảo vệ trẻ em đến nơi, đến chốn.

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) bày tỏ sự phân vân khi nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18.

"Nếu nâng tuổi lên, dứt khoát phải có chương riêng về nghĩa vụ trẻ em trên 16 tuổi, nếu không chỉ thấy quyền và lợi ích cũng như trách nhiệm của Nhà nước đối với độ tuổi này.

Còn bản thân các cháu đã hình thành về mặt thể chất, tương đối trưởng thành  về năng lực, hành vi trí tuệ... cần phải thể hiện thêm trách nhiệm với gia đình, xã hội và với bản thân", ĐB Hoàng kiến nghị.

ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Quảng Ninh) cho rằng, quy định độ tuổi của trẻ em trong hệ thống pháp luật Việt Nam được hưởng các quyền và chịu trách nhiệm pháp lý có những vấn đề chưa thống nhất.

Do đó, khi sửa Luật Chăm sóc giáo dục trẻ em, đối với các luật khác có liên quan đến độ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý và hưởng các quyền nên có cân nhắc để bảo đảm sự thống nhất.

Quang cảnh buổi thảo luận của Đoàn TP Hồ Chí Minh.
Quang cảnh buổi thảo luận của Đoàn TP Hồ Chí Minh.

"Việc điều chỉnh nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 là phù hợp với pháp luật quốc tế.

Mặc dù, hiện nay thực tế có điều rất bức xúc là trẻ vi phạm pháp luật nhiều, nhưng việc áp dụng biện pháp trừng trị là giải pháp cuối cùng nên ở độ tuổi này phải đưa vào áp dụng các biện pháp bảo hộ trẻ em" - ĐB Bình phân tích.

Về nguyên tắc cơ bản thực hiện quyền trẻ em, ĐB Bình thống nhất và kiến nghị trong dự thảo luật có điều quy định khi thẩm tra các luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải xem xét đến tác động với quyền trẻ em, cũng như đưa vào nguyên tắc cơ bản quyền trẻ em.

Đây là vấn đề lớn trong đời sống xã hội bởi đã có những quy hoạch cả khu dân cư, nhưng không có nhà trẻ, khu vui chơi, trường học... cho các cháu.

Nâng tuổi trẻ em: Luật nọ “đá” luật kia?

Đại biểu Phạm Khánh Phương Lan  (Hồ Chí Minh) cho rằng, việc nâng độ tuổi trẻ em lên 18 cho phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em cũng là điều rất hay. Nhưng nếu chỉ áp dụng nửa vời, xây dựng luật chỉ để "trang trí" thì chẳng để làm gì!

Bà đặt câu hỏi, với thực tế hiện nay, nạn tảo hôn còn khá phổ biến thì việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 liệu có khả thi hay không? Thực tế, nếu quy định tuổi trẻ em từ 18 trở xuống thì sẽ có rất nhiều “trẻ em lấy vợ, lấy chồng”, nhất là ở miền núi.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhắc đến câu nói đùa câu nói trong giới bác sĩ: “Có khi sắp tới phải xây khoa sản trong bệnh viện nhi”. Bởi xuất phát từ nguy cơ có thật, khi hiện nay em gái 16, 17 tuổi, thậm chí nhỏ hơn đã mang thai.

Theo đại biểu này, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thực tế xã hội lẫn các quy định pháp lý trong hệ thống pháp luật mới quy định.

Bà cũng tỏ ra băn khoăn với việc “nâng tuổi” này, bởi nhiều vụ trọng án có thủ phạm là người dưới 18 đã trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội, pháp lý quy định như vậy có thể dẫn tới tình hình càng phức tạp hợn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị, nếu quy định độ tuổi này với trẻ em thì cần thành lập tòa án cho trẻ em.

Hoặc có thể áp dụng biện pháp của một số nước, người phạm tội trong độ tuổi từ 16 - 18 có thể bị tạm giam, chờ cho đến khi đủ tuổi đem ra xét xử, để đảm bảo trật tự xã hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn cho biết, ông không nhất trí với dự định “nâng” độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi.

Theo ông, hiện quy định về độ tuổi của Đoàn Thanh niên cộng sản cũng là 15+1, thì việc đề xuất “nâng” tuổi trẻ em như vậy là thiếu tính hợp lý so với thực tế.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án tòa án nhân dân TP.HCM cho biết, ông cũng rất ngạc nhiên với quy định này.

Theo đại biểu Ánh, hiện đang có một khoảng trống pháp lý với độ tuổi từ 16-18. Đại biểu này cho rằng, việc đưa ra đề xuất trên bất hợp lý và không “khớp” với Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Bộ luật hình sự đang sửa đổi vừa rồi đã giảm độ tuổi đối với những tội xâm phạm về tình dục.

Trước đây, quan hệ tình dục với người từ 16-18 tuổi là phạm tội giao cấu với người chưa thành niên, nhưng nay thì không quy định trách nhiệm hình sự nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại