Những ngày gần đây, cộng đồng mạng liên tục lan truyền những đoạn clip về một người tự xưng là Công chúa Hằng Nga giáng thế trị bệnh cho người dân. Cách thức chữa bệnh kì quái, lố bịch và đậm chất mê tín dị đoan đã khiến cư dân mạng vô cùng bức xúc.
Theo các clip này, người phụ nữ trong trang phục lòe loẹt không ngừng "lên đồng" với các tư thế múa quyền kỳ lạ trên nền nhạc dance sôi động rồi liên tục nhào lộn, giẫm đạp lên cơ thể người khác để... chữa bệnh.
Người dùng mạng liên tục chia sẻ clip về Công chúa Hằng Nga giáng thế chữa bệnh - (Ảnh chụp màn hình).
Chưa hết, vị "công chúa tự xưng" này còn ngang nhiên lấy ảnh chân dung của mình ngồi trên tòa sen đặt lên bàn thờ ngang hàng với các Phật Tổ chư tôn, ngày ngày thắp nhang cúng bái.
Đặc biệt, loạt ảnh người này ngồi trên “ngai vàng” mặt trăng uy nghi với hai “tì nữ” hầu hạ bên cạnh, được gọi là “nơi làm việc” của “Hằng Nga Minh Nguyệt” đang được cộng đồng mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt, kèm theo vô số hoài nghi lẫn chỉ trích.
Hình ảnh “Công chúa Hằng Nga” Nguyễn Thị Mỹ Châu (Cao Lãnh, Đồng Tháp) giáng thế cùng hai “tì nữ” tọa trên đài sen phản cảm gây sốc.
Điều đáng nói ở đây, những hình ảnh và clip các buổi lên đồng đều được chính người này quay lại và chia sẻ công khai trên mạng nhằm mê hoặc người dân.
Dù chưa có ai lên tiếng xác nhận về khả năng chữa bệnh của người phụ nữ này nhưng hàng ngày vẫn có hàng trăm người xếp hàng để vào cúng bái và được ban ơn.
Để tìm hiểu rõ thực hư về hiện tượng kì quái này, Chương trình Thời sự Đài Truyền hình Đồng Tháp số phát sóng ngày 10/11 vừa qua đã đến tận nhà của "công chúa" và ghi nhận về vụ việc.
Clip: Sự thật về Công chúa Hằng Nga giáng thế chữa bệnh tại Đồng Tháp - (Nguồn: Đài truyền hình Đồng Tháp)
Được sự hướng dẫn của người dân địa phương, PV đã tìm đến nhà của nhân vật này, một ngôi nhà khá bề thế nằm ngay trung tâm chợ Trường Xuân, huyện Tháp Mười.
Theo tìm hiểu, người tự xưng là Công chúa Hằng Nga tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Châu, 34 tuổi, từ thời đi học thường hay ngất xỉu.
Sau một thời gian được điều trị tại TP Cao Lãnh, Mỹ Châu hết bệnh. Đến khoảng 3/2012, Mỹ Châu tự xưng mình có khả năng chữa bệnh bằng cách sử dụng thuốc dán, từ đó thường xuyên tiến hành dán thuốc chữa bệnh cho người khác.
Việc chữa trị bệnh ngày càng thu hút đông khách, cao điểm một ngày hơn 100 người. Trước khi chữa bệnh, người bệnh sẽ tự mua thuốc dán và nước. Thuốc sẽ được dán vào chỗ đau. Giờ để tiến hành chữa bệnh là vào đúng 11h trưa hàng ngày.
Hiện tại, Nguyễn Thị Mỹ Châu đã có chồng và hai con nhỏ. Việc một người phụ nữ đã có chồng con tự nhận mình là nhân vật trong truyền thuyết xuống trần để trị bệnh cho dân khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.
Những cách thức chữa bệnh kì quái được PV ghi lại tại nhà người này - (Ảnh cắt từ clip)
Khi PV đến nhà, người tự xưng là Công chúa Hằng Nga được cho là đi vắng. Bà Nguyễn Thị Phụng, mẹ ruột của Nguyễn Thị Mỹ Châu, cho biết cũng có khuyên con ngừng việc chữa bệnh bằng mê tín dị đoan nhưng đến nay vẫn không có kết quả.
"Tôi có can, chính quyền địa phương cũng gặp tôi nói chuyện nhưng con tôi nói là làm việc này không có tội gì. Lý do là người ta mượn mình giáng như vậy thì cũng là làm phước cho người ta, giúp người ta hết bệnh".
Mẹ của Nguyễn Thị Mỹ Châu chia sẻ với PV - (Ảnh cắt từ clip)
Ông Nguyễn Thanh Hải (Phó chủ tịch UBND xã Trường Xuân) cho biết, vấn đề của chị Mỹ Châu đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Xã Trường Xuân cũng đã thành lập nhiều đoàn đến gia đình vận động và báo với cơ quan chức năng của huyện.
Việc Nguyễn Thị Mỹ Châu chữa bệnh bằng mê tín dị đoan là có thật và vẫn đang diễn ra hàng ngày. Việc hành nghề này ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự tại địa phương và gây ra nỗi bất an cho người dân.
Được biết, một ngày sau những hình ảnh đầu tiên về hoạt động tại cơ sở khám chữa bệnh của Nguyễn Thị Mỹ Châu tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười được công bố trên truyền hình thì hoạt động khám chữa bệnh tại đây vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Số người đến đây khám chữa bệnh vẫn vô cùng đông đúc. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc chữa bệnh của mình, Mỹ Châu vẫn cho rằng việc làm của mình không có gì sai.
Trong khi đó, kết luận của ngành chức năng thì việc chỉ dùng miếng dán để trị hết bệnh nan y là thiếu cơ sở khoa học.