Trẻ em ngồi thuyền vượt dòng nước chảy xiết để đi học ở Sài Gòn

Tứ Quý |

Hơn 2 tháng nay, cầu Cái Tâm (huyện Bình Chánh, TP. HCM) bị sà lan đâm sập vẫn chưa được làm lại, vì thế trẻ em ở đây phải ngồi thuyền vượt qua dòng nước chảy xiết để đến trường.

Cách đây hơn 2 tháng, chiếc tàu kéo theo sà lan số hiệu LA 03671 do ông Trần Văn Trung (ngụ quận 4, TP. HCM) điều khiển lưu thông trên sông Chợ Đệm di chuyển theo hướng từ cầu Bình Điền về bãi cát Thạch Trung (huyện Bình Chánh, TP. HCM).

Khi đến khu vực lòng sông thuộc xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) đã va vào cầu Cái Tâm và kéo sập cả cây cầu xuống sông.


Cầu Cái Tâm bị sập vào ngày rạng sáng ngày 12/7.

Cầu Cái Tâm bị sập vào ngày rạng sáng ngày 12/7.

Thời điểm cầu bị sập vào lúc rạng sáng nên không xảy ra thương vong về người. Tuy nhiên kể từ khi cầu Cái Tâm bị sập, mọi hoạt động giao thông, đi lại ở khu vực này diễn ra hết sức khó khăn, đặc biệt cuộc sống người dân ở hai bên bờ (ấp 4 và ấp 6) bị đảo lộn do công việc bị đình trệ vì cây cầu huyết mạch nối hai bờ đã không còn nữa.

Sau khi cầu này bị sập, đến nay vẫn chưa được xây dựng lại.

Clip trẻ nhỏ ngồi trên thuyền bé để được đưa qua sông đi học - (Thực hiện: Tứ Quý)

Theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 22/9, cây cầu chỉ còn lại đống sắt vụn bên bờ sông thuộc ấp 4. Hàng ngày trẻ em ở đây muốn đến trường phải vượt qua dòng nước xoáy và chảy rất xiết của ngã 3 sông Chợ Đệm bằng con thuyền tự chế bé xíu.


Cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn khi cầu bị sập, trẻ em phải đi thuyền vượt sông để đến trường.

Cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn khi cầu bị sập, trẻ em phải đi thuyền vượt sông để đến trường.

Nhiều phụ huynh cho biết, họ không còn cách nào khác để sang bờ nên phải tự chế thuyền để đưa con đi học, cũng còn một cách khác là đi đường vòng lên đường cao tốc (TP. HCM - Trung Lương) nhưng phải mất gần 5 cây số mới đến trường.

Còn con đường vòng khác là qua khu vực Chợ Đệm đi bằng phà nhưng từ nhà đến đó mất hơn 1km, chưa kể qua bên kia bờ vẫn phải đi thêm gần 2km nữa.

Anh Lê Công Tài (39 tuổi, ấp 6, xã Tân Nhựt) có 4 lần trong ngày phải chèo thuyền qua sông đưa con gái và các cháu đến học tại trường tiểu học Tăng Nhựt (ấp 4) chia sẻ:

"Thật sự hết cách rồi, cầu sập phải đi vòng đường cao tốc thì vừa nguy hiểm lại vừa xa nữa. Tôi là dân miền sông nước lên đây vì vậy việc chèo thuyền cũng không có gì khó khăn, chỉ sợ các cháu nhỏ chưa quen thôi.

Nhưng tôi thú thật là không muốn tiếp tục cảnh chèo thuyền đưa các cháu học sinh đi học chút nào đâu, nước ở sông này chảy xiết lắm. Khi nào chưa có cầu trở lại thì phải chấp nhận chứ biết làm sao bây giờ".


Anh Tài chèo thuyền đón con đi học về vào lúc trưa. Suốt hơn 2 tháng qua anh đưa con và cháu đi học bằng thuyền 4 lần/ngày.

Anh Tài chèo thuyền đón con đi học về vào lúc trưa. Suốt hơn 2 tháng qua anh đưa con và cháu đi học bằng thuyền 4 lần/ngày.

Anh Tài còn cho biết thêm, thuyền của anh là loại thuyền rất nhỏ và mỏng chỉ chở được tối đa 4 người (tính cả anh và 3 trẻ em), được làm bằng chất liệu composite.

Do thuyền nhỏ và mỏng nên anh Tài phải kẹp thêm hai ống nhựa PVC cho thuyền nổi cao và cân bằng hơn khi qua khu vực ngã 3 sông, ở đó nước chảy rất xiết.

Vuốt mồ hôi giữa trưa nắng sau khi vừa chèo thuyền đưa con lên bờ, anh Tài tâm sự:

"Hồi mới chèo thuyền đưa con đi học, đến giữa dòng sông nước chảy mạnh và xoáy nên con tôi và một đứa cháu bị té xuống sông, may mà tôi cứu kịp.

Lúc đó chưa trang bị áo phao như bây giờ, nên khi các cháu bị té xuống nước khiến tôi một phen kinh hoàng. Mong cơ quan chức năng sớm khắc phục để trẻ em còn đến trường trong yên bình".


Các em học sinh đã từng bị té xuống sông do dòng nước chảy xiết.

Các em học sinh đã từng bị té xuống sông do dòng nước chảy xiết.

Vừa nghe cha tâm sự về những khó khăn gặp phải khi chèo thuyền qua sông đưa mình đi học cùng chúng tôi, bé Quỳnh Như (học lớp 2 trường Tiểu học Tăng Nhựt) và người em họ hướng ánh mắt buồn thiu về chỗ cầu sập.

"Chừng nào mới có lại cầu để đi học vậy cô chú...? Con đi thuyền đến trường sợ lắm mỗi khi đi qua chỗ giữa sông", bé Quỳnh Như buồn nói.

Trong khi đó, chị Nga (ở ấp 6) còn cho biết, từ ngày cầu Cái Tâm bị sập chị rất lo sợ trước tình trạng an ninh trật tự khi trộm cướp ở khu vực này nhiều hơn do dân phòng ở bên ấp 4 không còn qua bên ấp 6 tuần tra thường xuyên nữa

. Việc cầu sập đã chia cắt đôi bờ gây nhiều bất an cho người dân.


Bé Quỳnh Như và những trẻ em ở đây mặc dù biết nguy hiểm khi đi thuyền vượt sông đến trường nhưng phải chấp nhận với hoàn cảnh.

Bé Quỳnh Như và những trẻ em ở đây mặc dù biết nguy hiểm khi đi thuyền vượt sông đến trường nhưng phải chấp nhận với hoàn cảnh.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, vị đại diện UBND xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) cho hay đến nay vẫn chưa thể biết được thời gian làm lại cầu. Ông Phạm Văn Lũy, Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt cho biết:

"Chúng tôi đã nắm được tình trạng khó khăn trong việc đi lại của người dân ở ấp 4 và ấp 6 sau khi cầu Cái Tâm bị sà lan đâm sập và đang kiến nghị xin ý kiến cấp trên để xây cầu lại.

Người dân ấp 4 và ấp 6 phải đi đường vòng hàng km theo hướng đường dân sinh qua đường cao tốc Trung Lương mất rất nhiều thời gian vì thế chúng tôi cũng kiến nghị Khu quản lý giao thông đô thị số 4 sớm đầu tư 2 đường dẫn để người dân đi lại thuận tiện hơn".


Sau khi về nhà nghỉ trưa anh tài lại đưa con và cháu đến trường học ca chiều. 

Sau khi về nhà nghỉ trưa anh tài lại đưa con và cháu đến trường học ca chiều. 

Theo ông Nhựt, UBND phường vẫn đang chờ công văn từ thành phố để xây mới lại cầu. Nếu địa phương muốn xây dựng lại một cây cầu đúc bằng bê tông thì vốn trên 30 tỉ đồng.

Về việc đền bù của chủ xà lan thì đang đợi thành phố xem xét lại mức đền bù phù hợp vì cây cầu trước đó cũng đã xuống cấp trầm trọng, đến mức cần phải làm mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại