Chuyện kỳ lạ ở nơi rất đỗi sợ ma nhưng vô cùng... "thích" chết

Đào Thanh Tuy |

Ma quỷ đó là nỗi sợ hãi vô cùng khủng khiếp với những người dân sống dưới chân núi Ngọc Linh. Tuy sợ ma nhưng những người dân ở xã nghèo này lại rất "thích"… tìm đến cái chết.

Họ lấy cái chết để giải quyết mọi việc, dù là những việc cỏn con, lãng xẹt. Và, chuyện “sợ ma nhưng thích chết” này đã gây rất nhiều phiền toái cho chính quyền địa phương, cộng đồng và ngay cả cuộc sống của chính những người có quan niệm lạ đời này.

Hủ tục lạ lùng

Xã Trà Nam cao ngút mắt, có khí hậu và điều kiện tự nhiên y hệt đỉnh Ngọc Linh. Bởi thế, vài năm trước, huyện Nam Trà My đã có dự án biến đất này thành vùng dược liệu và trọng tâm là cây sâm Ngọc Linh.

Loại sâm này giá cực khủng, 1kg có giá cả vài trăm triệu đồng. Ở Ngọc Linh đã có nhiều tỉ phú, nhiều đại gia có gia sản khổng lồ nhờ loại sâm quý này. Trà Nam cũng đang ôm ấp giấc mơ đổi đời như thế.

Tuy nhiên, theo các lãnh đạo ở xã này, hành trình biến giấc mơ thành hiện thực ấy còn lắm chông gai, hệt như hành trình chinh phục đỉnh Ngọc Linh huyền bí.

Trở ngại đầu tiên đến từ chính những hủ tục đang bủa vây bản làng nơi đây, trong đó có chuyện “sợ ma và thích chết”.


Chắc chắn chẳng nơi đâu có những người sợ chuyện ma quỷ như người dân ở Trà Nam

Chắc chắn chẳng nơi đâu có những người sợ chuyện ma quỷ như người dân ở Trà Nam

Nói chuyện sợ ma, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Nam bảo, hủ tục lạ lùng trên đang khiến chính quyền xã đau đầu.

Hãi hùng trước chuyện ma quỷ nên người dân ở đây cực kỳ kiêng kỵ việc “chết xấu”. Theo quan niệm của dân làng, “chết xấu” là những cái chết bất thường, có thể do tai nạn, tự tử hoặc bị thú rừng, kẻ thù sát hại.

Tóm lại, người “chết xấu” là người chết… không đẹp, thi thể không được lành lặn, có thể có máu hoặc bầm dập. Và, với những người dân ở đây thì đó là chuyện kinh hoàng.

Thôn, nóc nào có người “chết xấu” thì ở đó cả thôn, nóc đó phải chịu… đại tang với vô số những điều cấm kỵ lạ lùng.

“Khổ nhất là chuyện một nhà có người chết xấu thì cả thôn phải ở cữ”, ông Tuấn chia sẻ. Theo đó, khi cái chết xấu xảy đến ở thôn, nóc nào thì ngay lập tức nơi đó bị bế quan tỏa cảng, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Gia đình có người chết thì phải ở nguyên trong nhà đúng một tuần trời. Các hộ dân khác cũng phải cửa đóng then cài 3-4 ngày bất kể khi đó ngô đã vàng óng trên đồi, lúa gục đầu trên rẫy.

Ai vô tình hay cố ý vào thôn, nóc khi đó thì cũng phải chấp hành lệ ở cữ trên và phải ở liền mấy ngày trong đó.

Ông Tuấn bảo, luật tục kỳ quái trên đã có từ nhiều đời nay nên bất cứ ai cũng phải theo ngay cả với… cán bộ xã. Cứ có người “chết xấu” thì dù là cán bộ, họ cũng ở cữ tại nhà bất kể cơ quan có cả đống việc.

Người dân ở đây quan niệm, người chết thì sẽ làm ma, người “chết xấu” sẽ hóa thành con ma ác, chuyên làm hại dân làng, thậm chí bắt người khác chết theo. Bởi thế, mọi người mới tự “cấm vận” mình, sợ ra khỏi nhà “con ma ác” sẽ thừa cơ hãm hại.

Bỏ làng vì quá… sợ ma

Nỗi sợ hãi chẳng giống ai đã nảy sinh bao chuyện bi hài khiến chính quyền địa phương không biết cách nào tháo gỡ.

“Ngay mấy tháng vừa rồi thôi, vì sợ ma, sợ người chết xấu mà cả thôn Măng Dí đã bỏ làng đi tìm nơi ở mới”, ông Tuấn cho biết.

Thôn Măng Dí cách ủy ban xã có mấy bước chân. Dẫn chúng tôi xuống thôn, ông Tuấn bảo, đây là vị trí đẹp nhất xã, nếu ở nơi khác thì đó là chỗ đắc địa, có giá trị nhất.

Tuy nhiên, tháng 7 vừa rồi, 17 hộ dân ở đây đã lũ lượt bỏ nơi ở cố định của mình từ nhiều năm trước để đi tìm nơi ở mới.


Quá sợ hãi trước chuyện ma quái, cả thôn Măng Dí đã chuyển đi nơi khác.

Quá sợ hãi trước chuyện ma quái, cả thôn Măng Dí đã chuyển đi nơi khác.

Măng Dí yên bình ngày nào giờ tiêu điều, xơ xác. Đường vào thôn, nơi cổng chào, hai tấm pano tuyên truyền về nông thôn mới rách tả tơi.

Chỉ sau vài tháng không ai bén mảng, nơi đông đúc xưa cỏ dại đã phủ kín cả nền nhà. Theo ông Tuấn, khi chuyển đi người dân cũng dỡ nhà theo. Tuy nhiên, ở “mảnh đất bị ma ám” ấy, vẫn còn lại vài ngôi nhà xiêu vẹo.

“Đó là nhà của những người chết xấu đấy. Bởi sợ nên thân nhân họ cũng không dám dỡ nhà theo”, ông Tuấn cho biết.

Nơi ở mới của 17 hộ dân thôn Măng Dí là lưng quả đồi ở gần đó. Nơi ấy, lau lách um tùm. Bởi “di chuyển khẩn cấp” nên đường vào nơi đó cũng chỉ là vệt mòn được phát qua loa.

Hơn chục ngôi nhà được cắm tạm vào đồi dốc. Cái thì lợp tôn, cái thì phủ bạt. Nhìn cảnh sống tạm bợ ấy bất cứ ai cũng thấy ái ngại, nản lòng. “Về đây, xã lại phải tính toán lại mọi thứ để đầu tư cơ sở hạ tầng cho bà con, tốn kém, mệt mỏi lắm”, ông Tuấn ngao ngán.


Người dân thôn Măng Dí chấp nhận cuộc sống tạm bợ tại nơi ở mới vì quá sợ ma.

Người dân thôn Măng Dí chấp nhận cuộc sống tạm bợ tại nơi ở mới vì quá sợ ma.

Ông Tuấn bảo, ngay sau khi biết người dân thôn Măng Dí có ý định chuyển đi, chính quyền, các đoàn thể ở xã đã công phu vận động bà con ở lại.

Thậm chí, xã còn đưa ra lời đề nghị là sẽ đầu tư kinh phí để bà con tổ chức tế lễ, cúng kiến để xua đi vận rủi nhưng mọi người vẫn không chịu.

“Mọi người đã quyết là cứ chuyển thôi, không lay chuyển được”, ông Tuấn buồn bã.

Sở dĩ người dân thôn Măng Dí nhất quyết dời bỏ nơi mình từng gắn bó bởi họ cho rằng, nơi mình ở đã bị… “ma vờn, quỷ ám”. Vài năm qua, thôn đã xảy ra nhiều “cái chết xấu”.

Những cái chết đầu tiên còn diễn ra lác đác, nhưng hai cái chết về sau thì có nhiều điều khó lý giải nên dân làng đã dứt khoát bỏ làng.

Theo đó, cuối tháng 6 vừa rồi, không hiểu giận dỗi điều gì, anh Hồ Văn Danh (SN 1984) tìm ra gốc cây cổ thụ ở ngay đường dẫn lên xã treo cổ chết.

Đúng một tuần sau, khi mọi người vừa ở cữ xong, thì đến lượt ông Hồ Văn Trung, bố vợ anh Danh, cũng lại treo cổ tự tử. Điều khó hiểu là nơi ông Trung chết cũng chính là nơi anh Danh treo cổ hôm nào.


Chị Diên không dám chuyển ngôi nhà cũ mình đi vì sợ ma ám.

Chị Diên không dám chuyển ngôi nhà cũ mình đi vì sợ ma ám.

Cứ buồn là… chết

Cho đến bây giờ chị Hồ Thị Diên vẫn không hiểu vì sao chồng mình, anh Hồ Văn Danh, bố mình, ông Hồ Văn Trung tìm đến cái chết. Theo chị Diên, gia đình chị không có bất cứ mâu thuẫn, cãi vã gì.

Anh Danh đã nhiều lần tự tử. Trước đó ít lâu, anh này đã mang dây vào bìa rừng để treo cổ nhưng may mắn được dân làng phát hiện can ngăn kịp thời.

Bán xới khỏi làng cũ, những gia đình khác dỡ nhà mang theo nhưng chị Diên phải bỏ lại tất cả. Đến nơi ở mới, người thân và dân làng đã giúp chị dựng lại nhà mới. Nói là nhà nhưng nó trông giống túp lều canh rẫy.

Trao đổi với ông Trần Văn Toàn, nhân viên Trạm Y tế xã Trà Nam, chúng tôi đã có những con số giật mình. Trong 3 năm gần đây, Trà Nam đã có hơn 20 trường hợp tự mình tìm đến cái chết.


Ông Trần Văn Toàn, cán bộ y tế xã Trà Nam đang đau đầu về vấn nạn tự tử ở địa phương.

Ông Trần Văn Toàn, cán bộ y tế xã Trà Nam đang đau đầu về vấn nạn tự tử ở địa phương.

Kinh hoàng nhất là vào năm 2015. Tuy chưa hết năm mà đã có 13 người lũ lượt kéo nhau về bên kia thế giới. Tất thảy đều chết bởi treo cổ hoặc ăn lá ngón.

Phó Chủ tịch UBND xã Trà Nam, ông Trần Văn Tuấn bảo, sau mỗi cái chết, công an đều ngược lên điều tra nhưng khi tìm ra nguyên do thì mọi người đều ngán ngẩm.

Hai vợ chồng anh Hồ Văn Liêm ở thôn 5 xuống xã lấy tiền bảo vệ rừng. Có tiền, gặp bạn, anh vui vầy chén rượu. Chị vợ ngồi cạnh tỏ ý không hài lòng.

Trên đường về, hai vợ chồng lời qua tiếng lại. Về tới nhà, anh Liêm lặng lẽ ra sau nhà bứt lá ngón nhai ngấu nghiến.

Phúc cho anh này, hành động đó đã bị đứa con phát hiện, tri hô. Anh Liêm tức tốc được chuyển xuống xã, rồi xuống huyện cấp cứu và thoát chết trong gang tấc.

“Phần nhiều những người tự tử đều nghiện rượu. Say rượu họ đã không làm chủ được mình”, ông Tuấn kết luận.

Đúng như lời ông Tuấn nói, ở Trà Nam, đàn ông, đàn bà đều thích uống rượu. Họ tổ chức uống rượu ở bất cứ đâu, bất kể thôn làng có chuyện vui hay buồn.

“Rượu như con ma, con quỷ, nó khiến người ta lú lẫn, coi rẻ cả mạng sống của mình”, lúc chia tay, ông Tuấn nói với chúng tôi như vậy.

 
Một năm mất gần 2 tỉ đồng tiền… đâm trâu
Là xã có 65% hộ nghèo nhưng mấy năm gần đây, Trà Nam lại được tiếng… chịu chơi nhất tỉnh. Theo đó, xã nghèo này nổi tiếng bởi “vấn nạn” đâm trâu. Theo ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Nam, người dân trong xã thường tổ chức đâm trâu vào dịp tết truyền thống và sau mỗi mùa thu hoạch. Năm ngoái, dân làng đã tổ chức đâm trâu tới 18 lần. Mỗi con trâu ở đây được định giá trên dưới 100 triệu đồng, vì vậy đã có gần 2 tỉ đồng được chi cho việc tâm linh này. Theo ông Tuấn, chính quyền xã đã và đang tích cực vận động để người dân hạn chế nghi thức tốn kém này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại