Chuyên gia "giải stress" cho Bộ trưởng Bộ Y tế

Ban Biên tập |

(Soha.vn) - TS. Trịnh Hòa Bình - Chuyên gia Xã hội học, Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học đã có những chia sẻ rất thẳng thắn với chúng tôi.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến có chủ đề: "Nhiều trẻ em chết tại sởi - Lỗi tại ai" mà Báo điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức hôm 18/4, TS Trịnh Hòa Bình - Chuyên gia Xã hội học, Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam đã có rất nhiều chia sẻ thắng thắn về những vấn đề, những bức xúc quanh sự việc trên.

Tính đến thời điểm này, vẫn chưa có công bố dịch chính thức từ Bộ Y tế. Trên các phương tiện truyền thông, trên các trang cá nhân, rất nhiều người đưa ra lời chỉ trích vị tư lệnh ngành y. Trong câu hỏi gửi đến ông Trịnh Hòa Bình, độc giả Nguyễn Khánh Duy (50 tuổi, ngõ 6, thôn Lộc, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) đã hỏi liên quan như sau: "Nếu Bộ trưởng Tiến bị stress do nhận quá nhiều chỉ trích vì chậm công bố dịch sởi, ông sẽ tư vấn cho bà Tiến thế nào?".

Chuyên gia Trịnh Hòa Bình thẳng thắn: "Chắc chắn là lời khuyên về việc giải stress rồi! Giải như thế nào? Đó là phải lần lượt khắc phục sự tác động của những chỉ trích đó mà không gì hơn, đó là tìm về ngọn nguồn từ từng những lời chỉ trích mà xử lý".

Ông Bình cũng nhận định, cơ quan y tế chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc công bố dịch sởi. Điều này xuất phát từ quan điểm của ngành đối với thực tiễn tình hình dịch bệnh đó (về quy mô, mức độ, tính quyết liệt gay gắt…).

Tình trạng bệnh sởi như hiện nay đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân tại cộng đồng. Đó là sự lo lắng, hoang mang, mất lòng tin vào hệ thống phòng chống dịch bệnh của chúng ta, vào cơ quan quản lý ngành.

TS Trịnh Hòa Bình - chuyên gia Xã hội học, Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học.

Biện pháp để giảm thiểu sự hoang mang đó? Đương nhiên trên bình diện phổ cập thông tin, cơ quan quản lý ở Trung ương phải lên tiếng, phải có ngay các phương án để tẩy trừ một cách hữu hiệu, nhanh nhất có thể. Và thông điệp đó, hành động đó phải được phổ quát trong các phương tiện truyền thông.

"Việc ở bệnh viện này, bệnh viện kia bưng bít thông tin (nếu có thể gọi được như thế), ngăn cản hoặc cấm phóng viên tác nghiệp, ghi nhận dịch bệnh khiến người nhà bệnh nhân bức xúc… thể hiện “phản ứng” có tính chất tự nhiên, nghề nghiệp. Tức là họ không muốn làm phức tạp thêm tình hình cũng như hình ảnh của ngành, đơn vị. Người nhà bệnh nhân đương nhiên cũng tăng thêm phần lo lắng và bức xúc. Bởi họ có quyền nghĩ vì sao phải ngăn cản báo chí và bưng bít thông tin. Kèm theo sự suy diễn ấy còn là sự nghi ngờ ngay chính cả kết quả của quá trình điều trị", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia Xã hội học này, đã đến lúc Việt Nam công bố dịch sởi. Nếu công bố thì trước tiên là từ Hà Nội. Bởi căn cứ vào số lượng trẻ tử vong, nhập viện tại các bệnh viện, Hà Nội dẫn đầu. Theo quan điểm của đại diện WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) với tình trạng như của Hà Nội thì cần thiết công bố dịch. Ngoài ra, dư luận cho rằng Bộ Y tế có vẻ "thờ ơ" với sởi, nói thế oan cho họ! Vấn đề là ở chỗ quan điểm của ngành đối với mức độ phổ quát, nguy hiểm, khả năng lây lan, tính rủi ro cao hay gay gắt đến mức nào của dịch bệnh mà thôi. Như trên đã nói, đó là cách tiếp cận, quan điểm đối hiện trạng chứ không phải thờ ơ.

Trước tình hình bệnh sởi lây diễn biến phức tạp, nhiều bậc phụ huynh tỏ ý muốn đóng cửa các trường mầm non để tránh lây lan. Về điều này, TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng, không có chuyện đóng cửa các trường mầm non để tránh lây nhiễm cho trẻ nhỏ tại học đường. Bởi lẽ, chưa có công bố dịch một cách chính thức trên diện rộng.

>> Xem thêm clip Bộ trưởng Tiến đi thị sát bệnh viện khi bênh sởi tràn lan:

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại