Sau một tai nạn kỳ cục khi mới lên 3 tuổi, chàng thanh niên Triệu Lao Lớ (SN 1993, trú tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) liền giữ luôn thói quen kỳ quái… không mặc quần.
Đáp lại những chỉ trích mình bị tâm thần, bị ma nhập, hàng ngày Lớ đều đặn chạy xe ôm quanh xã, làm phụ hồ cho các công trình, hăng hái giúp đỡ mọi người khi có công có việc. Thời gian trôi qua, từ chỗ xì xào, người dân địa phương bắt đầu quen với hình ảnh chàng thanh niên cao lớn, tốt bụng nhưng một mảnh vải che nửa dưới cơ thể cũng không có.
Mặc quần là đổ bệnh
Gần 20 năm qua, Lớ chưa bao giờ mặc quần hay tìm cách làm đẹp từ... dưới hông trở xuống. Nhiều người cho rằng Lớ bị điên, thậm chí có kẻ ác khẩu nói Lớ bị ma nhập. Nhưng khi tiếp chuyện phóng viên, Lớ khẳng định đó đó hoàn toàn là những điều bịa đặt. Trên thực tế thì từ hồi 3 tuổi, trong một lần mặc quần, Lớ bị sâu róm tấn công vào da ở những nơi tiếp xúc với vải quần. Một thời gian sau, những vết ngứa ngáy, mẩn đỏ lan hết ra toàn bộ cơ thể. Vì quá ngứa, Lớ bò lăn bò càng, khốn khổ suốt một thời gian dài. Từ đó trở đi, cậu đâm ra không còn hứng thú, thậm chí quá sợ hãi với chuyện mặc quần.
Gõ cửa gia đình Lớ trong những ngày chuyển mùa, thời tiết khá lạnh nơi vùng cao, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước hình ảnh chàng thanh niên cao lớn trần truồng bước ra mở cổng, tự tin chào hỏi khách. Trong suốt cuộc trò chuyện, Lớ ngồi ngượng nghịu khép hai đùi lại bảo: “Hơn 20 năm qua, em sống thế này quen rồi. Ai chẳng có cái giống đó chứ, chẳng có gì là ngại ngùng nữa. Người ta thấy “cái của mình” từ nhỏ đến lớn rồi mà”.
Theo ông Triệu Chàn Chiêm (bố Lớ) thì từ hồi mới sinh ra, cậu bé Lớ vốn được gia đình cho ăn mặc đầy đủ, chỉ thi thoảng – như bất kỳ đứa trẻ nào khác – trần truồng chơi đùa hay tắm suối. Ông cũng xác nhận, năm Lớ 2 tuổi, do bố mẹ bất cẩn phơi quần áo ở chỗ có nhiều sâu róm bám vào, Lớ bị lũ sâu róm “nấp” trong quần tấn công đến chết khiếp, nên sợ hãi mỗi khi nhắc đến quần. Gia đình mới đầu cũng tưởng Lớ chỉ sợ mặc quần trong một thời gian thôi. Nhưng nào ngờ đến tuổi đi học, cậu vẫn nhất định không chịu xỏ chân vào bất cứ thứ gì. Cứ thế, Lớ tồng ngồng đến lớp. Học hết lớp 4, thấy bất tiện quá, gia đình phải cho Lớ nghỉ học.
Lớ làm quen với công việc đồng áng và lên rừng phát nương. Tuổi thơ của Lớ không hề bị cô lập, nơi chốn thiên nhiên hùng vĩ, Lớ luôn có bạn bè cùng vui chơi, cùng chăn trâu, cắt cỏ. Nhiều bạn khi chơi cùng Lớ cũng cởi phăng quần áo, nô đùa thỏa thích, nhất là khi mặt trời nơi rẻo cao bắt đầu đi ngủ. Tuổi thơ với đầy ắp những kỉ niệm của cậu bé “trần truồng” thấm thoắt trôi đi. Cho đến khi trở thành chàng thanh niên cao lớn, cậu vẫn giữ thói quen ngày xưa, vẫn nỗi sợ ngày xưa, và vẫn… không chịu mặc quần. Bởi thế bạn bè chơi thân với Lớ cũng ngại đi chơi xa cùng. Năm tháng trôi đi, Lớ vẫn chỉ sống quẩn quanh gần nhà.
Ông Chiêm rầu rĩ cho biết: “Chẳng hiểu sao, nó lại sợ đến mức như vậy. Những thanh niên ở độ tuổi như nó hầu như đã lấy vợ lấy chồng, ai cũng có công ăn việc làm, chỉ mỗi nó là đặc biệt. Nó không bị tâm thần hay “ma nhập” gì cả, chỉ bị ám ảnh chuyện mặc quần thôi. Nói thật, chính tôi đôi khi cũng cảm thấy khó hiểu. Cách đây 3 năm, lợi dụng khi nó đang ngủ, mấy anh em lấy một chiếc quần của tôi mặc vào, tỉnh dậy nó cởi ra vứt hết, còn mắng chúng tôi ầm ĩ. Hôm sau, bỗng dưng nó bị ốm nặng, đau đầu và nhức mỏi toàn thân… Gia đình tôi sợ quá mời thầy cúng. Khi đến nhà, thầy “phán”: “Các anh chắc chắn đã làm điều gì đó xúc phạm đến tổ tiên”. Nói rồi, thầy bắt gia đình tôi phải lễ lạt cúng bái tốn vô khối tiền bạc. Nhưng qua mấy lần như vậy, thằng Lớ vẫn sợ mặc quần”.
Con gái chỉ yêu khi... chưa gặp
Ở Hồ Thầu không ai còn lạ lẫm với cảnh chàng thanh niên tồng ngồng ra đường và hành nghề… xe ôm. Lớ vẫn có khách đều đặn, khi thì các thương lái, lúc là người làng, lúc lại là các thầy cô giáo cắm bản. Cô Hoàng Thị Nái (một giáo viên dạy ở trường THCS nơi Lớ từng học) cho biết: “Lần đầu ra chợ gặp Lớ, tôi tưởng cậu ta bị điên. Nhưng rồi một ngày cuối tuần, chồng tôi không lên đón, tìm mãi không thấy phương tiện gì, chỉ còn mỗi Lớ đứng ở chợ chờ khách, sợ trời tối nên tôi đành nhờ cậu ấy đưa về. Lần đầu thuê cậu ấy chở đi giữa đêm khuya, tôi cũng sợ lắm. Nhưng bây giờ thì quen rồi, cứ đến cuối tuần mà chồng tôi không lên đón được, tôi lại gọi cậu ấy chở về tận nhà”.
Ông Chiêm cho biết, Lớ là con thứ hai trong gia đình. Lớ có một anh trai đang làm việc tại TP. Hà Giang và một em gái hiện đang học cấp ba ở huyện Hoàng Su Phì, chẳng ai có nỗi sợ kỳ quặc như Lớ. Được cái, Lớ rất chăm chỉ, mọi công việc trong gia đình hầu như một tay Lớ cáng đáng, đỡ đần cho bố bị bệnh thấp khớp và mẹ già luôn ốm yếu.
Bên bếp lửa vàng vọt, bà Triệu Mùi Pham (mẹ Lớ) tâm sự: “Những đứa trẻ tôi biết chẳng có đứa nào giống như thằng con tôi cả. Không hiểu sao, ông trời lại ban cho nó cái sở thích kỳ quái đến thế. Được cái, thằng Lớ chăm chỉ lắm, hai vợ chồng tôi thì hay bệnh tật, mọi công việc trong gia đình như cày, cấy, làm nương… đều do nó làm. Nhiều lần, chúng tôi khuyên nó mặc quần vào đi ra đường cho đỡ ngại. Nhưng nghe mẹ góp ý, nó vẫn khăng khăng: ““Của quý” thì ai chẳng có!”, rồi vô tư cởi truồng gần 20 năm như vậy.
Vợ chồng tôi thương nó lắm, ai cũng tội nghiệp cho nó, vì nếu cứ thế này, không biết tương lai sẽ ra sao. Có đứa con gái nào có thể yêu thương và hiểu, thông cảm, chấp nhận cái thói quen quái gở này của nó không nữa. Vài năm nữa, chúng tôi rồi sẽ già và khuất núi, chẳng an tâm chút nào khi để lại thằng con như vậy trên đời”.
Sự chăm chỉ, nhiệt tình của Lớ khiến nhiều thợ cai ở Hò Thầu quý mến. Họ bỏ qua rào cản về việc “tồng ngồng” của Lớ, thường xuyên gọi tới giúp phụ xây làm thuê. Số tiền kiếm được, Lớ tích góp rồi gửi cho em gái đi học, hoặc đưa cho bố mẹ; hoặc dành một phần nhỏ để mua… áo ấm mặc khi mùa đông rét buốt ùa về. Tuy có thói quen không mặc quần nhưng áo thì Lớ mặc rất đầy đủ; khi lạnh còn đi tất chân. Mỗi khi Lớ đi mua đồ ở chợ, người bán chỉ mời Lớ mua áo, tuyệt nhiên chẳng bao giờ “tiếp thị” quần!
Có vẻ bề ngoài khá điển trai, Lớ cũng thèm khát có được tình yêu đích thực. Nhiều lần tán tỉnh qua điện thoại, các cô gái “kết” Lớ lắm. Nhưng đến khi hẹn gặp, họ sợ chết khiếp, chạy mất dạng. Lớ buồn vì bị từ chối tình cảm, nhưng không nhất định không vì thế mà chịu xỏ chân vào quần.
Tuy có thói quen lạ lùng khiến nhiều người nghĩ Lớ không bình thường, nhưng thực ra suy nghĩ của Lớ khá chững chạc so với tuổi. Lớ luôn ước mơ một cuộc sống hạnh phúc, về một gia đình với những đứa con. Lớ nói: “Hiện giờ, em chỉ muốn có một cuộc sống bình thường, tìm được một người thực sự hiểu, thông cảm và chấp nhận nỗi khổ của mình. Em biết có nhiều người bảo em điên nhưng họ có hiểu gì về em đâu…”. Nhưng có lẽ, Lớ nên sớm hiểu rằng, nếu không bỏ được thói quen kỳ dị đó, việc tìm kiếm một người phụ nữ cho riêng mình là điều… không tưởng.
Thần trí của Lớ hoàn toàn khỏe mạnh
Ông Bàn Văn Phú (Trưởng thôn Trung Thành, nơi Lớ sinh sống) cho biết: “Trường hợp của Lớ khá đặc biệt và rất nổi tiếng. Ở bản này và hầu như cả huyện Hoàng Su Phì không cần nói ai cũng biết. Có người bảo nó không bình thường, nhưng tôi biết thực ra không phải vậy, chỉ là do nó có sở thích không bình thường thôi. Cũng đã có nhiều tổ chức đến hỏi thăm tình hình và kiểm tra thần kinh Lớ, cuối cùng xác nhận tất cả đều bình thường. Gia đình Lớ rất khó khăn, bởi thế mọi công việc trong nhà đều do một tay cháu nó làm hết, thậm chí cháu còn chịu khó và kiếm tiền giỏi hơn nhiều thanh niên khác”.
“Bệnh lạ” của Lớ có thể do dị ứng
Theo tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn: “Việc một người có thể trạng bình thường không mặc quần gần 20 năm rất kỳ lạ. Thực tế, rất nhiều trường hợp bị mắc bệnh ngoài da, gây dị ứng khi mặc quần áo và không thể mặc được trong thời gian mắc bệnh. Nhưng trường hợp của Lớ không bị mắc bệnh ngoài da, cũng không có vấn đề về thần kinh. Theo tôi nghĩ, Lớ bị ám ảnh quá sâu về chuyện xảy ra lúc lên 3 tuổi. Cú sốc này ăn sâu vào trí nhớ khiến Lớ bị mất ý thức theo dạng tự phát, lâu dần trở thành thói quen khó chịu khi mặc quần. Nếu muốn biết chính xác hơn, Lớ cần phải đến cơ sở y tế, hoặc các trung tâm tư vấn tâm lý để thăm khám”.
---------------------------------------------------
Xem thêm clip: Công an nổ súng bắt cướp trên phố Sài Gòn (Nguồn: NLD)