Mắc bệnh phong từ bé, chân tay không lành lặn, nhưng đều đặn mỗi ngày Đinh Zích có mặt ở nghĩa trang bệnh viện Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định) chăm sóc các mộ phần không tên, rồi về chợ dọn dẹp vệ sinh để ngày mai dân làng họp phiên mới.
Hương khói cho người dưng
Gặp Đinh Zích trong buổi chiều muộn khi anh đang lúi húi với những bao lá cuối cùng trong nghĩa trang. Nhìn những phần mộ tươm tất, sạch cỏ rác, anh bảo: “Mùa này lá rụng nhiều nên phải làm việc nhiều hơn”.
Gần ba năm nay anh gắn bó với công việc nơi nghĩa trang rộng cả ngàn mét vuông này. Ở đây hầu hết là những phần mộ vô danh, có những ngôi mộ gộp chung cả trăm người. Đó là những ngôi mộ di dời từ nghĩa trang cũ lên nhưng người trông coi đã mất, sổ ghi danh sách cũng thất lạc.
Anh được giao nhiệm vụ tưới cây, dọn cỏ và trông nom các phần mộ. Những ngày rằm, mồng một hay lễ tết cũng chính đôi tay tàn tật ấy thắp lên những nén nhang ấm lòng người nằm xuống. Nhiều người ở xa tìm về hỏi mộ người thân, anh lại nhiệt tình giúp đỡ.
Thấy anh thật thà nên họ gởi gắm anh quan tâm nhang khói vì ở xa không đến được. “Mình giúp người ta rồi biết đâu mai này nằm xuống cũng có người thắp lại cho mình nén nhang”, anh nói.
Cha mẹ mất sớm, chàng trai người Ba Na Đinh Zích mang trong mình căn bệnh phong nên bị dân làng xa lánh. May mắn sau đó được đưa xuống Bệnh viện phong - da liễu Trung ương Quy Hòa điều trị. Lúc đầu ở trong khu nhà thương bệnh viện, cho đến khi lấy vợ ra ở riêng.
Cưới vợ bằng… nhẫn giả
Hỏi Đinh Zích “vì sao lấy được vợ, lại còn trẻ hơn cả chục tuổi”, cả hai vợ chồng cùng cười. “Là do mình ngỏ ý trước. Thấy ổng khờ khờ, thật thà nên hỏi ổng có muốn làm chồng mình không, ổng gật đầu thế là thành vợ thành chồng” - chị vợ K’So Hveo (28 tuổi) nói.
Quen với tập tục mẫu hệ, người con gái JaRai như Hveo thường chủ động mở lời trước sau khi đã qua lại tìm hiểu. Hveo từng một lần lỡ làng. Trước đây cô yêu một anh hàng xóm, nhưng gia đình không đồng ý. Đến khi biết cô mang bầu được hơn một tháng anh ta quất ngựa truy phong. Đến giờ đứa bé gái đã tròn 13 tuổi.
Mấy năm trước, Đinh Zích ở trong khu nhà thương, ít được ra ngoài. Một hôm cuối tuần mấy anh em xin phép ra đồng đi bắt ốc về ăn. Anh bạn dẫn cả nhóm về nhà Hveo chơi. Quen nhau từ đó, sẵn có số điện thoại nên cả hai nhắn tin qua lại. Cuối tuần rảnh rỗi, Hveo lại đưa con vào bệnh viện trò chuyện bầu bạn cho bớt buồn.
Thế rồi, một ngày tháng 3/2013, được phép của lãnh đạo bệnh viện, Đinh Zích nhờ người đỡ đầu, cha xứ nhà thờ làm lễ kết hôn. Chỉ có cha xứ, người đỡ đầu và một vài bệnh nhân tham dự. Không có tiền, Zích ra chợ mua chiếc nhẫn… giả để trao cho cô dâu. Cũng chẳng có lấy một bữa ăn gọi là tiệc cưới. Hôm sau ra phường đăng ký kết hôn, thế là thành vợ chồng.
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Zích giờ rộn tiếng nói cười. Đứa lớn đã học lớp 5, cu em vừa tròn 17 tháng, mặt mũi kháu khỉnh. Nhìn hai đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, yêu thương nhau, vợ chồng nở nụ cười toại nguyện.
Vợ ở nhà chăm sóc con cái, lo việc nhà để Zích chăm chỉ làm việc. Hết tỉ mẩn trên nghĩa trang rồi về dọn chợ. Mỗi ngày dọn chợ được 20 ngàn đồng.
Có hôm xong việc sớm lại tranh thủ lên rừng kiếm bó củi hay kiếm thêm con cá con ốc cải thiện bữa ăn. “Mình được thế này là hạnh phúc lắm rồi. Ở đây ai cũng nghèo như nhau nhưng đối đãi tốt với nhau, chẳng ai phải tủi thân nữa”, Đinh Zích nói.