“Con gái tôi bị tâm thần, làm sao biết nó bị hiếp dâm mà chứng minh để được phá thai” - ông Minh (đã được đổi tên; ngụ phường 2, quận 8, TP.HCM) nói.
Dễ bị lạm dụng tình dục
Ông Minh cho biết con gái ông năm nay 25 tuổi, bị bệnh tâm thần gần 10 năm nay, đã bốn lần bị lạm dụng đến mang thai phải phá bỏ.
“Sơ sẩy một tí là nó trốn cha mẹ, đi lang thang từ sáng đến tối mịt mới về. Nhiều hôm không về, vợ tôi xách xe tìm suốt đêm” - ông Minh kể.
Ông Minh đã nhiều lần nhờ địa phương, công an đưa con vô bệnh viện. Khi bệnh viện cho về, con gái ông tiếp tục lang thang, cười nói vô hồn.
Nhưng khi tỉnh táo, con gái ông ngoan hiền, thích làm quen, tiếp xúc với người này người nọ. Vì vậy con gái ông tiếp tục bị kẻ xấu dụ dỗ và có thai.
BS Vũ Đình Vương, Trưởng khoa Nội trú BV Tâm thần TP.HCM, cho biết con gái ông Minh bị rối loạn phân biệt cảm xúc.
Người bị mắc bệnh này thường tăng cảm xúc, thích gần gũi người khác giới. “Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân dễ bị dụ dỗ, lạm dụng tình dục” - BS Vương cho biết.
Ông Minh thở dài: “Dự thảo Luật Dân số quy định muốn phá thai trên 12 tuần tuổi phải chứng minh bị hiếp dâm, như vậy chẳng may con tôi và những người tâm thần khác có thai trên 12 tuần tuổi sẽ không được phá.
Tương lai của những đứa trẻ này sẽ ra sao? Còn nếu bảo tôi đưa con tới những cơ sở không phép để phá thai thì tôi không dám bởi dễ bị xảy ra tai biến”.
Không biết mình mang thai
Công tác trong lĩnh vực tâm thần đã lâu, BS Vũ Kim Hoàn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Tâm thần TP.HCM, cho biết những người chậm phát triển tâm thần, bị tâm thần phân liệt hoặc các bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực đang trong giai đoạn hưng cảm có những lúc không nhận thức được hành vi, không kiềm chế được việc làm nên dễ bị dụ dỗ, dẫn đến bị lạm dụng tình dục.
Từng khám bệnh tại một số cơ sở chuyên biệt, BS Hoàn ghi nhận không ít người tâm thần nữ lang thang bị một số đối tượng dụ dỗ cho tiền rồi quan hệ tình dục dẫn đến mang thai.
Điều đáng quan tâm, do mắc bệnh nên người tâm thần có khi không biết mình đang mang thai, không biết được “tác giả” của bào thai. Đến khi người nhà nhận ra thì thai nhi quá lớn.
“Không loại trừ khả năng do sợ đứa bé sinh ra không được ai nuôi dưỡng nên người nhà đưa bệnh nhân đi phá thai ở các cơ sở không phép. Điều này ảnh hưởng sức khỏe cho chính bệnh nhân tâm thần.
Trong trường hợp không thể phá thai, đứa trẻ sinh ra sẽ chịu nhiều thiệt thòi, để lại không ít hệ lụy cho gia đình bệnh nhân tâm thần và xã hội” - BS Hoàn nói.
Làm sao chứng minh bị hiếp dâm?
BS Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, nhấn mạnh: “Bệnh nhân tâm thần không có năng lực nhận biết, kể cả khi họ đang mang thai và việc mang thai đó có thể do bị hiếp dâm.
Theo dự thảo Luật Dân số, muốn được cơ sở y tế thực hiện nạo phá thai khi thai nhi trên 12 tuần tuổi phải chứng minh do bị hiếp dâm.
Đối với bệnh nhân tâm thần thì điều này là không thể vì họ không nhớ hoặc không biết ai hiếp dâm mình, thời gian và địa điểm bị hiếp dâm”.
“Thế nhưng theo quy định của dự thảo Luật Dân số, nếu người mang thai không chứng minh bị hiếp dâm thì không thể phá thai tại cơ sở y tế có đủ trình độ, chuyên môn kỹ thuật.
Đây là các vấn đề mà dự thảo Luật Dân số cần xem xét, bổ sung” - BS Trị nói.
Nên lập hội đồng y khoa
Các tỉnh, TP trực thuộc trung ương nên lập hội đồng y khoa để giải quyết những trường hợp muốn phá thai trên 12 tuần tuổi cho đối tượng tâm thần.
Khi có sự cố tương tự xảy ra, hội đồng y khoa trao đổi với gia đình hoặc người giám hộ bệnh nhân tâm thần.
Khi đã thống nhất về pháp lý và chuyên môn, hội đồng y khoa quyết định cho phép nạo phá thai tại cơ sở y tế được chỉ định.
BS TRẦN VĂN TRỊ, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM