Dự thảo Luật Dân số đang gây nhiều tranh cãi với đề xuất: Những trường hợp phá thai từ12 tuần tuổi trở lên phải chứng minh được một trong các điều kiện như bị hiếp dâm, loạn luân hoặc trẻ sinh ra có dị tật...
Trao đổi với phóng viên về đề xuất này, luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, về việc trẻ sinh ra có bị dị tật hay không thì có thể chứng minh được vì khoa học giờ rất phát triển.
“Người ta có thể biết trước thai nhi khi ra đời sẽ ra sao, nhưng để tránh nhập nhằng, cần phải có một cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ làm việc đó”, ông Thuận nói.
Thế nhưng, theo ông Thuận, nếu xảy ra hiếp dâm hay loạn luân thì đó là một vụ án thật sự, không cần phải chứng minh.
“Đề xuất vu vơ như trên làm sao có thể giải quyết được?! Trong trường hợp bị hiếp dâm đến có thai, chủ của bào thai xử lý sao thì tùy họ...”, ông Thuận nêu quan điểm.
Có thể thấy, việc chọn giới tính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai. Về điều này, cựu quan chức quốc hội này đề xuất, muốn hạn chế việc chọn giới tính trước sinh thì phải cấm người ta tiết lộ giới tính của thai nhi.
“Theo tôi, phải có quy định chặt chẽ hơn về việc cấm tiết lộ giới tính của thai nhi.
Ngoài ra, cần có một giải pháp đồng bộ. Những người nạo phá thai chủ yếu là các cháu nhỏ ham vui, có thai khi chưa thành niên và đó là chuyện của gia đình, xã hội, trường học và giới trẻ”, ông Thuận nhấn mạnh.
Khi được hỏi về đề xuất trên, bác sĩ Vũ Văn Tâm – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng nói: “Làm gì có chuyện đó. Đó là những yếu tố về hình sự còn yếu tố bình thường làm theo cơ sở của y học.
Không ai đề xuất thế cả, tôi chưa nghe thấy thế bao giờ. Chuyện phá thai phải căn cứ vào các chỉ định”.
Trong khi đó, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an lại cho rằng, chứng minh bị hiếp dâm, loạn luân là việc rất khó, nhưng không phải vì khó mà chúng ta không đưa vào luật.
“Quan điểm của tôi là khó nhưng vẫn phải đưa ra đề xuất. Cứ đưa ra rồi thực hiện được 50 – 60% còn hơn là không đưa ra. Đề xuất như vậy là đúng, cần thiết, nhưng phải thấy rõ khó khăn.
Tất nhiên làm thì vẫn làm được, nhưng rất phức tạp. Phức tạp ở chỗ chủ nhân của cái thai liệu có chịu nói thật không?
Có rất nhiều lý do như vì danh dự cá nhân, uy tín…, người bị hiếp dâm hoặc loạn luân…không dám nói thật”, tướng Cương nhận định.
Theo tướng Cương, trong một xã hội nông nghiệp cổ truyền, với nền văn hóa phương Đông, chuyện này còn rất nặng nề.
Danh dự của cá nhân, uy tín của gia đình khủng khiếp lắm nên nhiều khi người ta chịu thiệt về bản thân chứ không chịu hé lộ bất cứ chuyện gì. Hoặc đôi khi người ta chấp nhận đánh đổi vì lợi ích vật chất nên không chịu nói ra.
Từ những phân tích trên, tướng Cương đánh giá: “Tôi nghĩ công cụ giáo dục là quan trọng nhất. Trước hết phải thông qua kênh giáo dục gia đình.
Mấy chục năm nay, chúng ta buông lỏng, xao nhãng trong xây dựng tế bào gia đình. Tế bào này tuy chưa bị ung thư, nhưng đã trở nên méo mó, lệch chuẩn nhiều”.
Tướng Cương cũng cho rằng, hiện nay, nhà trường đang lảng tránh việc giáo dục giới tính, sợ này sợ kia.
“Nhiều nước người ta giáo dục giới tính từ sớm. Do cách làm cả thôi. Tôi thấy chúng ta đang quản lý học đường quá kém. Vài chục năm nay chúng ta bỏ rơi giáo dục đạo đức, trách nhiệm công dân.
Do vậy phải bắt đầu từ các khía cạnh này trước”, ông khẳng định.