“Muốn phá thai phải chứng minh bị hiếp dâm” gây tranh cãi

P. Hoàng |

Dự thảo Luật Dân số đang được tranh luận sôi nổi bởi đề xuất liên quan đến việc phá thai trên 12 tuần tuổi.

Dự thảo Luật Dân số được xây dựng để thay thế Pháp lệnh Dân số đang được đưa ra xin ý kiến xã hội.

Dự thảo Luật Dân số đề xuất cho phép phá thai theo nguyện vọng nếu tuổi thai dưới 12 tuần, trừ trường hợp phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe phụ nữ.

Ngoài ra, phụ nữ được phá thai do loạn luân, do bị hiếp dâm nếu tuổi thai từ 12 tuần trở lên.

Trước thông tin này, có nhiều ý kiến khác nhau.

Một số người cho rằng dự thảo Luật không sát với thực tế và có thể gây tổn thương cho người phụ nữ; nhưng cũng có ý kiến ủng hộ quan điểm của dự thảo Luật và cho rằng cần thiết phải làm rõ để đảm bảo quyền được sống cho một số bào thai đã có hình hài.

Chị Phạm Thị Thọ - Chuyên viên chính Ban tổ chức Hội LHPN Việt Nam cho biết, quan điểm cá nhân của chị là hoàn toàn không cổ súy việc phá thai, nhất là thai đã to như vậy.

Chị Thọ đưa ra quan điểm về vấn đề này: “Việc phá thai rất ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của người phụ nữ.

Hơn nữa, theo tôi, nếu nhìn sự việc dưới góc độ quyền con người thì việc phá 1 cái thai trong giai đoạn này (đã hình thành đầy đủ hình dạng, cơ quan bên trong) là tước đi quyền được sống của thai nhi.

Tôi nghĩ đó cũng là quyền con người. Theo tôi, đây không đơn giản chỉ là vấn đề đạo đức!”.

Chị Thọ cho rằng, nếu lo ngại việc này sẽ dẫn tới hậu quả là sẽ dẫn tới việc nhiều người sẽ phá thai chui thì có phần đúng. Tuy nhiên, đó là câu chuyện quản lý của ngành y tế.

Nếu quản lý chặt chẽ các cơ sở y tế không để xảy ra tình trạng phá thai chui thì sẽ không phải nghĩ tới những hậu quả của việc đó.

Theo chị Thọ, đi kèm với Luật dân số thì cần có quy định, chế tài đối với những cơ sở y tế phá thai trên 12 tuần tuổi và xử lý nghiêm.


Nhiều ý kiến cho rằng các bào thai cũng có quyền của con người

Nhiều ý kiến cho rằng các bào thai cũng có quyền của con người

Chị Thọ ủng hộ quy định nói trên của dự thảo Luật Dân số.

Chị cho rằng, việc đưa ra quy định này là hợp lý vì nếu một người phụ nữ có thai do bị hiếp dâm hay loạn luân mà không tố cáo và lẳng lặng phá thai thì sẽ là cơ hội để những tội phạm liên quan né tránh được luật pháp.

Và đó cũng là điều gây tổn thương cho người phụ nữ bị xâm hại.

PV cũng đã trao đổi với ông Nguyễn Trọng An – Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) – Chuyên gia cao cấp - PGĐ Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng xung quanh vấn đề này.

Ông An cho rằng, việc xây dựng Luật Dân số là cần thiết trong điều kiện của Việt Nam.

“Quy định về cấm phá thai trên 12 tuần tuổi, ban đầu nghe qua thì nghĩ rằng nó sẽ hạn chế được việc phá thai hay việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này vô tình lại vi phạm quyền của người phụ nữ trong việc có quyền lựa chọn sinh con hay không, khoảng cách dài hay ngắn giữa các lần sinh.

Việc điều tra để khẳng định họ có bị xâm hại tình dục dẫn tới có thai hay không cũng sẽ làm tổn thương họ và có thể mất một thời gian dài mới xác định được.

Điều này cũng sẽ đẩy người phụ nữ vào nguy cơ phải đến các cơ sở phá thai chui và dẫn tới những hậu quả đáng tiếc từ việc phá thai chui” - ông An nói.


Các quy định về nạo phá thai quá chặt có thể đẩy người phụ nữ đến những cơ sở nạo phá thai không an toàn (Ảnh minh họa)

Các quy định về nạo phá thai quá chặt có thể đẩy người phụ nữ đến những cơ sở nạo phá thai không an toàn (Ảnh minh họa)

Theo ông An, có một số nước đã đưa ra nhiều quy định hướng tới việc hạn chế phá thai hay lựa chọn giới tính thai nhi bằng cách hỗ trợ tiền cho những người sinh con một bề.

Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy nhiều điểm bất hợp lý và thất bại bởi việc lựa chọn giới tính thai nhi vẫn diễn ra.

Ông An cho rằng, khi bắt đầu thụ thai, những bào thai đã được coi là một con người nên không nên quy định số tuần tuổi nào mà các nhà nghiên cứu luật cần mềm dẻo hơn trong các quy định này.

“Tôi cho rằng, việc giảm được tỉ lệ nạo phá thai hay lựa chọn giới tính thai nhi thì yếu tố tuyên truyền giáo dục vẫn đóng vai trò chính. Khi tuyên truyền tốt về cách phòng tránh thai và các tác hại của việc nạo phá thai thì tỉ lệ này sẽ giảm” - ông An nhấn mạnh.

Trên nhiều diễn đàn của mạng xã hội, vấn đề này cũng được đưa ra bàn luận sôi nổi. Một số ý kiến ủng hộ việc cần thiết phải siết chặt quy định về nạo phá thai để giảm bớt tình trạng này.

Tuy nhiên, có khá nhiều người cho rằng, việc xác minh một người có bị hiếp dâm hay loạn luân hay không là vấn đề khó và có thể mất rất nhiều thời gian.

Trong thời gian đó, người phụ nữ có thể thêm một lần tổn thương. Khi xác minh xong thì bào thai trong bụng có thể cũng đã quá lớn, liệu lúc đó cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại