Mong được vị tha
Ngày 12/11, trao đổi với VietNamNet, luật sư Trang Vân cho biết, sau khi có cáo trạng lần hai, bà đã 2 lần vào gặp thân chủ của mình.
Bác sỹ Tường gầy, mái tóc bạc đi nhiều. Ông ta luôn bày tỏ sự hối hận về việc mình đã làm. Cuộc sống trong trại giam ổn, nhưng Tường luôn bị nỗi nhớ vợ, nhớ con dày vò.
Ông ta nhờ luật sư chụp ảnh của con để được ngắm chúng ít phút nhưng không được phép.
Theo luật sư Vân, Nguyễn Mạnh Tường bày tỏ tình thương đối với người vợ đang phải một mình bươn chải nuôi các con.
Thông qua luật sư, bị can này nhắn vợ - bằng tất cả khả năng có thể, cần khắc phục hậu quả cho việc làm mà ông ta đã gây ra, các ngày giỗ tết, thay mặt chồng đến thăm hỏi gia đình nạn nhân.
Tường mong gia đình nạn nhân chuyển thù hận thành tha thứ. Nếu có cơ hội, Tường sẽ đền đáp, chỉ mong họ hiểu, ông ta không muốn chuyện xảy ra như thế này.
“Tôi sẽ dành phần còn lại của cuộc đời để sám hối, bù đắp lại nỗi đau mà tôi đã gây ra cho người nhà nạn nhân”, bị can Tường nói với luật sư của mình.
Hồ nghi về chiếc áo của nạn nhân
Bác sỹ Tường cho luật sư biết, ông ta đã ghi ngay vào biên bản giao nhận cáo trạng- bị can không đồng ý với cáo trạng.
Nguyễn Mạnh Tường cho rằng, trong quá trình phẫu thuật, nạn nhân chỉ phản ứng với cái đau khi thuốc tê thấm chưa đủ và đã co tay lên thôi chứ không phải lên cơn co giật như cáo trạng đã nêu.
“Ông Tường cho rằng, nếu chỉ nhìn nhận lời khai của y tá là co giật mà đưa vào cáo trạng là chưa thỏa đáng”, lời luật sư Vân.
Trong bản cáo trạng lần hai, bác sỹ Tường vẫn bị truy tố về tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, theo điều 242, khoản 3 – BLHS.
Như vậy, lần này ông bác sỹ bị phải đối mặt với khung hình phạt cao hơn (từ 7-15 năm thay vì 5 năm như bản cáo trạng lần 1). Và bị can không đồng ý với việc VKS chuyển khoản tội danh theo hướng tăng nặng khi mà quá trình điều tra không có thêm điều gì mới.
Về vấn đề này, luật sư Vân đưa ra quan điểm: Cáo trạng nhận định, hành vi của bác sỹ Tường đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn hại đến hình ảnh người thầy thuốc, thiệt hại cho Nhà nước trong việc tìm kiếm thi thể nạn nhân… để từ đó chuyển khoản tội danh từ khoản 1 sang khoản 3, khiến bị can phải đối mặt với mức án cao hơn là chưa thỏa đáng.
Theo bà Vân, điều mà ông bác sỹ gây phẫn nộ đối với dư luận là hành vi ném xác. Vậy ở đây phải suy xét ở hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt chứ không phải ở hành vi vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
“Góc độ luật sư, tôi thấy đây là điểm không hợp lý. Hậu quả của hành vi nào thì phải nằm trong nội tại của hành vi đó. Việc bác sỹ Tường phi tang xác nạn nhân mới làm thiệt hại tiền của Nhà nước, gây bất bình... Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng hậu quả của việc ném xác phi tang, áp dụng cho hành vi vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh... thì đã không công bằng với bác sỹ Tường”, bày Vân nói.
Vẫn theo bà Vân, dư luận có quyền thể hiện quan điểm, chính kiến của mình… nhưng không thể vì thế mà tăng nặng cho bị can.
Luật sư Vân cho biết, khi bác sỹ Tường biết tin đã tìm thấy xác nạn nhân, ông ta cảm thấy nhẹ nhõm, yên lòng, phần nào giúp giải tỏa áp lực.
Liên quan đến cái áo của nạn nhân Huyền, khi được xem hình, bác sỹ Tường cho biết, ông ta không chắc chắn cái áo đó có phải là của nạn nhân hay không.
Theo trí nhớ của bị can, áo của nạn nhân là chiếc sơ mi có cổ, cài khuy, nền trắng, tay nhỡ, có hoa văn đen. Bị can không nhớ chính xác hoa văn đó như thế nào.
“Chi tiết áo có cổ và cài khuy không giống cái áo của nạn nhân mà người ta tìm thấy… Bác sỹ Tường cho biết, thông thường, người đi làm thẩm mỹ ngực sẽ được tư vấn nên mặc áo cài khuy để hạn chế đau khi cử động sau khi hoàn thành phẫu thuật...”, lời bà luật sư.
Ngoài ra, luật sư Vân cho biết, đang xem xét đến việc đưa ra kiến nghị, đề nghị đánh giá cho đúng hành vi của bác sỹ Tường.