Bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk cũng có mặt tại buổi họp nên vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho các hộ chăn nuôi bò sữa tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục được đặt ra.
Cũng tại buổi họp, ông Đinh La Thăng đã có những phút đối thoại trực tiếp với bà Mai Kiều Liên.
3 năm tới Vinamilk sẽ giảm giá thu mua sữa
Theo báo cáo của bà Liên, hiện số lượng sữa mà Vinamilk mua từ đàn bò của bà con nông dân tính thay thế nhập khẩu là khoảng 131 triệu USD.
Bà Liên cho rằng điều này đã thể hiện sự gắn bó giữa doanh nghiệp và bà con.
Tuy vậy bà Liên cũng cho biết trong 3 năm tới Vinamilk sẽ phải giảm giá thành thu mua nếu muốn cạnh tranh với thế giới.
“Khi vào TPP giá sữa chỉ còn 8.000 đến 9.000đ/l mà hiện nay Vinamilk mua giá 13.000đ/l.
Nếu bà con vẫn giữ quy mô nhỏ lẻ, manh mún thì rất khó, chúng tôi đã bàn với các hộ nông dân của cả nước là trong vòng 3 năm tới Vinamilk phải cùng với bà con làm như thế nào để giảm giá để chúng ta trụ được” – bà Liên nói.
Khi nghe đến đây ông Thăng đã đề nghị bà Liên đưa ra những giải pháp để bà con nông dân kéo giá thành xuống bằng với Vinamilk đưa ra (khoảng 9.000đ/l).
Trả lời câu hỏi này bà Liên cho biết Vinamilk đã làm việc với khoảng 8.000 hộ nông dân (có ký hợp đồng) trên toàn quốc.
Trước mắt công ty đã khảo sát từng hộ để chỉ ra từng con bò đã quá già, năng suất thấp và yêu cầu thay đàn hoặc con giống (chọn con giống từ Vinamilk, hoặc tự liên hệ).
Theo bà Liên để cạnh tranh thì năng suất của một con bò phải từ 20l/ngày trở lên, còn từ 15l/ngày trở xuống thì không thể đáp ứng nhu cầu.
“Của Vinamik hiện nay là 28l/con/ngày (sản lượng tại New Zealand cũng chỉ 30l/ngày)” – bà Liên cho hay.
Tổng giám đốc Vinamilk cho rằng cần khuyến khích người dân nâng đàn hoặc nhiều hộ gần nhau hợp lại với nhau để thay vì 5 con thì ít nhất 20 con/hộ, nếu mọi người tích tụ lại được như vậy thì năng suất sẽ cao hơn và giá thành sẽ giảm.
Một vấn đề nữa được bà Liên đề cập là thức ăn.
Bà nhận định giá thức ăn hiện nay quá cao so với mặt bằng chung nên từ năm 2016 Vinamilk bắt đầu triển khai ký hợp đồng mua thức ăn chăn nuôi gia súc theo công thức của mình và giao cho nông dân.
Khi nhận thức ăn họ cũng không phải trả bằng tiền mà trả bằng sữa. Như vậy giá cám giảm được khoảng 600 đến 700đ/kg, điều này sẽ tác động rất lớn vào giảm giá thành.
“Tóm lại muốn giảm giá thành cần phải tăng quy mô đàn, có con giống tốt và thức ăn gia súc phải hợp lý” – bà Liên nhấn mạnh.
Vinamilk đã ưu đãi rất nhiều cho nông dân
Sau khi nghe bà Liên trình bày, ông Thăng tiếp tục đưa ra đề nghị: “Vậy bà con góp bò vào Vinamilk có được không? Gần như là một cổ đông nhưng bằng con giống chứ không phải tiền”.
Về việc này bà Liên cho biết, khi Vinamilk cổ phần hóa năm 2003 đã thực hiện cho người nông dân mua cổ phần, thậm chí khi đó họ còn được ưu đãi 30% của mệnh giá, tức chỉ phải trả 7.000đ/cổ phiếu so với 10.000đ của cán bộ, công nhân.
Do lúc đó mọi người không có tiền nên chính Vinamilk đã đi liên hệ với các ngân hàng để đứng ra bảo lãnh cho người dân vay và tham gia rất đông đủ. Tuy nhiên khi cổ phiếu được giá họ đã mang ra bán hết.
“Đến bây giờ hỏi còn bà con nào là cổ đông của Vinamilk thì gần như không còn, ý tưởng của Bí thư rất hay nhưng phải xem lại đàn bò của họ có đạt tiêu chuẩn hay không, nếu bò của họ chỉ có năng suất 12l/ngày thì chúng tôi không thể cạnh tranh được với thế giới” – bà Liên cho hay.
“Hiện nay số lượng bò của nông dân thường chỉ có 2 con hoặc 5 con/hộ với chất lượng đàn bò không đạt thì rất khó, bởi vì khi trở thành cổ đông góp vốn thì vốn đó cũng phải thẩm định.
Bây giờ Vinamilk đã có tới 49% thuộc về nước ngoài nên mình làm gì cũng phải công khai, minh bạch và chứng minh cho được là việc làm có lợi cho công ty thì họ mới chấp nhận” – Tổng giám đốc Vinamilk lý giải.
Cuối cùng bà Liên kết thúc bằng câu nói có phần vui vẻ nhưng cũng đầy chua xót: “Nếu bà con giữ lại cổ phiếu đến bây giờ chắc không cần phải nuôi bò sữa nữa cũng khỏe”.