Bà Châu Thị Thu Nga - Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội bị bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày hôm qua đã thu hút dư luận.
Luật sư Cao Bá Trung cho biết: “Ở Việt Nam, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Do vậy, việc bà Nga ĐBQH bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tôi không có gì là bất ngờ”.
Và theo quy định tại Điều 58 Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền đề nghị bắt giam Đại biểu Quốc hội.
Về việc bắt tạm giam ĐBQH Châu Thị Thu Nga thì trước khi bắt giam ĐBQH thì phải có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong thời gian Quốc hội không họp).
Bởi theo quy định tại Điều 81 Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Quốc hội năm 2001:
“Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội”.
Sau khi có sự đồng ý của Quốc hội hoặc UBTVQH thì trình tự bắt giam như cá nhân khác phạm tội, cụ thể:
Theo quy định tại Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự thì trình tự bắt bị can để tạm giam như sau:
“Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.
Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến.
Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến.
Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.
Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã”.