Cùng với đó là nỗi niềm băn khoăn “Chúng tôi - những người thầy - đang dạy gì cho học sinh?”.
"Con gà không có lông"
Mấy ngày nghỉ, đưa con về quê chơi, tôi thấy thằng cháu lớp 2 khá hoạt bát. Cháu biết làm đủ việc như gấp quần áo, quét nhà, dọn cơm...
Còn con tôi học lớp 7 nhưng ngoài chuyện học ra thì gần như những việc kia đều quá khó.
Bấy lâu nay vợ chồng tôi giành hết việc để làm thay con. Ngay cả dọn phòng, gấp chăn mà con cũng không phải đụng tay vào.
Có lẽ những thành tích con đạt được gần như che kín, khiến tôi hài lòng tự cho rằng ở tuổi con học giỏi là quan trọng nhất.
Tôi đã có cái nhìn nghiêm túc hơn về những thành tích con mang về sau mỗi học kỳ.
Những giải thưởng nhất, nhì thành phố kia có quan trọng lắm không, có giúp con trưởng thành không khi mà bấy lâu nay con chỉ được nhìn con gà không có lông?
Tôi không biết bằng những thành tích con đạt được, sau này liệu có đủ để con thành công hay không khi mà những việc nhỏ con cũng chẳng biết?
Nhưng rồi tôi thấy giật mình bởi con tỏ vẻ thích thú khi cùng ông ngoại ra bắt con gà ở chuồng để làm thịt.
Bấy lâu nay con chỉ nhìn thấy con gà không có lông vì mẹ mua sẵn ở chợ về.
Về quê chơi, con tôi vẫn đem sách vở, truyện về đọc. Nhìn con cặm cụi học trong cả những ngày nghỉ, tự nhiên tôi thấy chột dạ và xót lòng.
Nếu nói về kết quả học tập thì tôi có lẽ là người mẹ khá yên tâm về con. Chưa bao giờ tôi phải nhắc nhở con vào bàn học.
Nhưng thực tế là con thường không biết tự xoay xở khi bố mẹ vắng nhà. Con không biết rửa bát, không biết quét nhà.
Học sinh lớp 7 rồi mà tôi vẫn phải đưa đón như một đứa trẻ lớp 1 dù nhà chỉ cách trường chừng 1 cây số. Có phải chính tôi đã không cho con tự trưởng thành?
Có phải nền giáo dục quá tải đối với lứa tuổi các con đang đè nặng lên vai các con nên con không có thời gian để học những kỹ năng nhỏ trong cuộc sống?
Hay tại vì chính những bậc cha mẹ như chúng ta quá kỳ vọng vào thành tích của con là học và học nên đánh mất cơ hội để con tự học những kỹ năng sinh tồn?
YẾN NGUYỆT
Thầy ơi, con trâu màu gì?
Tôi xin kể câu chuyện rất thật mà như đùa của một số học sinh lớp 9.
Chuẩn bị hướng dẫn làm bài văn thuyết minh về loài vật, một học sinh hỏi:
“Thầy ơi, con trâu màu gì?”. Rất nhiều em trong lớp cười ồ lên và có những lời “khen” cậu bạn rằng: “Mày ngu thế! Con trâu màu gì mà cũng không biết nữa”.
Tôi cũng khá bất ngờ trước câu hỏi đó của em. Em đang học lớp 9, lại là người Việt Nam, ấy thế mà em lại không biết con trâu màu gì.
Một lát sau có một em khác hỏi: “Thầy ơi, trâu có vú không ạ?”. Sau khi trả lời em, tôi bước xuống bàn hỏi: “Em chưa bao giờ nhìn thấy con trâu ngoài thực tế sao?”.
Em trả lời: “Em có thấy hồi còn nhỏ nhưng không biết nó có vú hay không, em chỉ biết nó có hai cái sừng thôi. Em cũng có nhìn trong ảnh chứ không biết có vú hay không”.
Tôi lại hỏi thế tại sao em hỏi câu này, em cho hay vừa đọc trong bài “Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh” thấy viết trâu là lớp thú có vú.
Đến đây vẫn chưa hết những câu hỏi ngây thơ của các em. Có em hỏi bò có biết cày không. Tôi chưa kịp trả lời thì em ngồi bàn trên đáp ngay: “Bò làm gì biết cày”.
Tôi suy nghĩ liệu có bao nhiêu học sinh ở TP.HCM không biết đến con trâu, con bò, cây lúa... như một số em tôi đang dạy?
Lẽ ra những hình ảnh ấy thật thân thuộc với các em mới phải chứ? Chí ít các em cũng nhìn thấy dăm ba lần trên truyền hình, Internet.
Đây là một tiết học làm tôi nhớ mãi và khiến tôi suy nghĩ nhiều: “Chúng tôi - những người thầy - đang dạy gì cho học sinh?”.
Tại sao những gì cơ bản nhất, gần gũi nhất, đời thường nhất mà các em cũng không biết, ngay cả hình ảnh cây lúa mà nhiều em với trình độ lớp 9 cũng không biết nó như thế nào.
Hay tại những bậc làm cha làm mẹ vì lý do này, lý do nọ không đưa con về thăm quê hương?...
Trong văn chương cũng vậy, đừng dạy các em những lời hoa mỹ mà sáo rỗng. Hãy dạy học sinh viết bài văn, dẫu còn vụng về, dẫu còn ngây thơ nhưng đó chính là lời văn chân thật nhất của các em.
Hãy dạy các em bắt đầu từ những cái gần gũi, đời thường nhất, cái chân thật trong cuộc sống, trong học tập
Phải chăng chúng tôi đang dạy các em những bài học quá cao siêu, phải chăng chúng tôi đang dạy các em kiến thức thiếu thực tế?
Hay tại các em ít quan tâm những gì gần gũi với đời thường, luôn tìm hiểu những cái gì đó mà các em đam mê cuồng nhiệt:
Những ngôi sao bóng đá, những ngôi sao điện ảnh, nhất là những ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc trong những năm gần đây, lên Facebook với những điều nhảm nhí?
Nếu đem câu chuyện này để phân tích thì nhiều điều cần nói lắm, nhưng tôi chỉ đề cập ở một phương diện - phương diện giáo dục.
Những thầy cô, những người làm trong ngành giáo dục cần dạy cho học sinh từ những gì nhỏ bé nhất, gần gũi nhất, thiết thực nhất.