Băn khoăn việc phạt tù người ngoại tình

ĐĂNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NHIÊN |

Các chuyên gia đã bày tỏ sự băn khoăn quanh vấn đề phạt tù hành vi ngoại tình theo điều 182, Bộ luật hình sự (BLHS) 2015, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016.

Theo tiến sĩ (TS), luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch, quy định của BLHS 1999, tại Điều 147 không cụ thể hóa hậu quả của việc vi phạm chế độ một vợ, một chồng là như thế nào, chỉ quy định một cách chung là “gây hậu quả nghiêm trọng”.

Do vậy, cơ quan có thẩm quyền không thể xác định như thế nào là hậu quả nghiêm trọng và thực tế cho thấy rằng tội này chưa được áp dụng vào thực tế nhiều.

Điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015 đã khắc phục thiếu sót này, quy định cụ thể hơn hậu quả của việc vi phạm là “làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn”, “làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát”.

Tuy vậy, còn rất nhiều tranh cãi về việc cụ thể hóa điều luật này.

Phân biệt rõ đâu là điều kiện, đâu là nguyên nhân

LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng khái niệm “chung sống như vợ chồng” thường mang tính chất cảm tính. Không có quy định định lượng cụ thể thì khó xác định hành vi này.

Do cảm tính nên mỗi người sẽ xem xét hành vi này khác nhau dễ dẫn đến hình sự hóa quan hệ dân sự.

Theo phân tích của LS Huỳnh Phước Hiệp, một trong những trường hợp bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm là ngoại tình làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn hoặc làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.

Điều này có nghĩa là hành vi vi phạm phải là nguyên nhân dẫn đến ly hôn hoặc vợ, chồng, con của một trong hai bên tự sát.

Trên thực tế rất nhiều trường hợp vợ hoặc chồng ngoại tình và kết cục là vợ chồng ly hôn nhưng ngoại tình không phải là nguyên nhân dẫn đến ly hôn mà nguyên nhân do cách ứng xử không khéo léo của người trong cuộc.

Như vậy, việc ngoại tình của vợ hoặc chồng chỉ là điều kiện để vợ chồng ly hôn.

“Vì vậy, đâu là nguyên nhân và đâu là điều kiện. Việc này rất khó phân biệt cho các cơ quan tiến hành tố tụng” - LS Huỳnh Phước Hiệp nói.

Đồng tình với quan điểm trên, LS Lê Cao (Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng) cho biết: “Thông tư 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn về việc xử lý các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình có nêu ra một số dấu hiệu của hành vi chung sống với người khác ví dụ như có con chung với người khác, chung sống với nhau có chính quyền địa phương, hàng xóm xác nhận.

Tuy vậy trong điều kiện đời sống hiện đại, nhà nào biết nhà nấy, không quá quan tâm đến chuyện xóm giềng thì rõ ràng là những chuyện như thế này rất khó chứng minh”.

Có thể mượn cớ?

TS. LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng lý do ly hôn sẽ được làm rõ trong quá trình tố tụng tại tòa án, nhưng trên thực tế vợ chồng thường có xu hướng che giấu lý do thực sự ly hôn vì vấn đề danh dự.

Cơ quan tòa án cũng không có nghĩa vụ phải tìm hiểu, xác định rõ xem lý do này có đúng hay không. Điều này đã vô tình gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, khởi tố vụ án hình sự.

Bên cạnh đó, cũng cần phải lưu ý một yếu tố quan trọng là vợ, chồng có thể “mượn cớ” này để tiến hành ly hôn với lý do là ngoại tình và buộc người có hành vi này phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tương tự như vậy, các trường hợp tự sát thường có xu hướng che giấu lý do tự sát, hoặc đời sống tinh thần trước khi tự sát.

“Trong đời sống con người có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng các diễn biến phức tạp của quá trình tâm, sinh lý. Nếu có chứng cứ để lại để chứng minh về lý do tự sát, ta cần phải xét cụ thể hơn về các yêu cầu, thời điểm, giá trị của chứng cứ này và đây là một vấn đề khó” - LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nói.

Như vậy, việc xác định mối quan hệ nhân quả trong trường hợp này có thể mang tính chất cảm tính của người tham gia tố tụng.

Đánh giá toàn diện để đảm bảo tính thực tế

LS Lê Cao (Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) cho rằng các quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 không có gì mới so với bộ luật hình sự 1999, chỉ là cụ thể hóa hơn. Nhưng cụ thể hóa hơn lại không khoa học, khó chứng minh và có thể khó thuyết phục được người dân.

“Không chỉ ở VN mà các quốc gia khác cũng có những quy định bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Tuy nhiên chúng ta phải đánh giá lại toàn diện hơn về quy định này để đảm bảo tính thực tế” - LS Lê Cao nói.

LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cũng cho rằng các hướng dẫn hiện hành đã cũ, không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Vì vậy khó có thể đưa điều luật này đi vào cuộc sống và gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi tiếp nhận, giải quyết vụ việc.

Điều 182, Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại