LTS: Nhiều năm nay, giang hồ đồn thổi làng võ Việt đang lưu giữ những bí kíp võ công được các cao thủ săn lùng hệt như phim ảnh kiếm hiệp của Trung Quốc.
Những cuốn bí kíp võ công đó có thật sự tồn tại và nó có giá trị như nào, lần tìm qua nhiều manh mối, chúng tôi đã có những thông tin, câu chuyện bất ngờ, thú vị.
Phần 1: Đi tìm bí kíp võ công của cao thủ võ lâm Việt Nam
Phần 2: Huyền thoại võ Việt và bí kíp võ công độc nhất vô nhị
Phần 3: Cuốn bí kíp võ công trị giá tới 200 cây vàng?
Phần 4: Chân dung đại cao thủ võ bùa VN và huyền thoại bí kíp quyền thần
Phần 5: Nữ cao thủ thần quyền Huế một mình đả bại cả chục người
Ông Nguyễn Phong Cư bảo, ngay sau khi quyết định truyền dạy võ thần, thì những cuộc thư hùng đã liên tiếp diễn ra giữa môn sinh thần quyền với các môn phái khác.
Bởi những cuộc đánh lộn liên miên đó khiến ông, người đem quyền thần về truyền dạy, phải chịu nhiều phiền lụy.
Cuộc tỉ thí kinh hoàng
Ngày ấy, đám thanh niên ở quê ông mê võ nghệ lắm. Chẳng là quê ông có mấy người từng là lính đặc công, khi đất nước im tiếng súng, họ lũ lượt trở về để xây dựng quê hương.
Chính những cựu binh có võ nghệ cao cường đó đã truyền thụ võ thuật cho đám trai làng, tạo nên phong trào rèn luyện võ nghệ sôi nổi khắp đầu ngõ, cuối thôn.
Trong số những cựu binh ấy có ông Nguyễn Văn Lộc, ở xã Văn Khúc, cùng huyện Cẩm Khê, người từng tham gia học thiếu lâm ở mãi Cần Thơ khi còn trong quân ngũ.
Ông Nguyễn Văn Lộc, người đầu tiên tỉ thí thần quyền với ông Cư và sau này cũng là một cao thủ thần quyền nổi tiếng.
Ông Lộc được đám trai làng thần tượng bởi võ nghệ siêu phàm, một mình có thể hạ gục cả chục thanh niên chỉ trong chớp mắt.
Một lần, sang xã ông Lộc chơi tình cờ hai người đã gặp nhau. Thấy ông chẳng màng chuyện võ vẽ như những cậu thanh niên cùng trang lứa khác, ông Lộc đã vỗ vai ông bảo: “Anh thích học võ thì cứ bảo, tôi dậy cho không phải ngại!”.
Thấy ông Lộc nói bằng giọng kẻ cả vậy, ông đã thủng thẳng bảo: “Nếu anh đánh được tôi thì tôi mới học, còn không thì đừng nói chuyện đó với tôi!”.
Nghe ông đáp lại cũng bằng giọng “chẳng coi ai ra gì” ấy, ông Lộc vừa ngạc nhiên vừa tức giận. Vậy là, trước sự chứng kiến của đám thanh niên, hai người đã hẹn ngày quyết đấu.
Ông Cư kể, khi đó, tưởng ông là kẻ ngoại đạo nên ai cũng nghĩ ông đã cả gan vuốt râu hùm. Thậm chí, có người còn cho rằng ông ba hoa, khoác lác vậy thôi chứ hôm thi đấu kiểu gì chẳng trốn mất dạng.
Địa điểm của cuộc đấu mà hai người đã hẹn ở ngay chính nhà ông Lộc. Ông Cư kể, hôm đó, thủ bùa trong người, một mình ông đã sang Văn Khúc.
Khi ông xuất hiện, nhà ông Lộc đã chật cứng người. Mọi người kéo đến để xem mặt kẻ to gan lớn mật, dám thách đấu với cả cao thủ thiếu lâm đó là ai.
Thấy ông “khiêu chiến” với cao thủ thiếu lâm, nhiều người nhận ra đã bảo, ông là kẻ dở người, chán sống nên mới đâm đầu vào đá tảng.
Học thần quyền từ ông Cư, sau này ông Lộc cũng nhận nhiều đệ tử, tuy nhiên khi có tuổi ông quy ẩn vui vầy với con cháu.
Đĩnh đạc thuốc nước, nghe mọi người phổ biến cách thức cuộc đấu xong, ông bảo ra ngoài đi vệ sinh rồi sẽ… “thượng đài”. Nói là thế nhưng kỳ thực, ông ra chái nhà để nuốt 2 lá bùa đã chuẩn bị từ trước đó.
Làm xong thủ tục bắt buộc đó, ông trở vào, hiên ngang trước ánh mắt vừa thương cảm, vừa khó chịu của mọi người.
Giây phút so tài đã tới, hai ông bước ra gian giữa của ngôi nhà. Thấy ông chắp tay lên trán, chẳng cần biết đối phương làm gì, ông Lộc xuất đòn ngay. Những cú đấm, bạt với sức mạnh kinh hồn được tung ra.
Thế nhưng, như có phép thuật, tuy mắt vẫn nhắm nghiền mà chỉ bằng những cái lắc thân nhẹ nhàng, ông đã tránh được tất thảy những cú đánh truy hồn đoạt xác đó.
Ra đòn mấy lần đều lỡ trớn, bực mình, ông Lộc đã tung một cú cước thuộc loại hiểm độc, nhưng là miếng đánh sở trường của mình. Cú đá nhắm thẳng vào mỏ ác của đối phương.
Ông Cư kể, nếu là người không tinh thông, lĩnh trọn cú đánh ấy của ông Lộc thì chắc chắn sẽ bất tỉnh nhân sự, thậm chí bỏ mạng chứ chẳng chơi. Tuy nhiên, trước đòn hiểm ác đó, mặt ông vẫn chẳng hề biến sắc.
Khi cảm nhận cú đánh đó đã cận kề, bất chợt ông mở chừng mắt. Và, khi đó, dù trí não không điều khiển nhưng hai cánh tay ông bỗng dưng dẻo như bún, loằng khoằng cuốn lấy chân ông Lộc như hai cực nam châm hút nhau.
Khi đã túm trọn chân đối phương, như có sức mạnh vô biên từ bên ngoài điều khiển, ông hất mạnh đối phương vào góc nhà. Cú hất mà theo ông thì rất nhẹ ấy khiến tường gỗ nhà ông Lộc rung lên bần bật.
Nằm im chừng gần một phút, ông Lộc mới nhăn nhó đứng dậy và chắp tay… xin thua.
Giang hồ đại loạn
Ngay sau cuộc tỉ thí kinh ngạc đó vài ngày, ông Lộc lại tìm đến nhà ông. Tuy nhiên, ông Lộc tìm ông không phải để rửa hận mà là cầu khẩn để ông truyền lại thứ võ công thần thánh ấy cho mình.
Nhận truyền thần quyền cho ông Lộc thì đương nhiên, chỉ một thời gian sau, tiếng tăm của ông đã vang dội khắp nơi. Nhiều người ở các tỉnh xa nghe tiếng cũng tìm đến xin ông thu nạp làm đệ tử.
Thế nhưng, khi đó, biết môn võ này nếu truyền dạy mà không lựa người thì sẽ vô cùng nguy hiểm nên ông kén chọn môn đồ lắm. Trong cả trăm người xin bái sư, ông chỉ chọn duy nhất đúng 10 người để tự tay mình dạy.
Họ là những người đến với võ thuật bằng cái tâm chân chính và đương nhiên, trong cuộc sống thường ngày, họ phải là người đặt chữ Nhân, chữ Đức lên đầu. Ông Cư bảo, điều kiêng kỵ lớn nhất của quyền thần là làm việc ác, việc thất đức, bất nhân.
Và, có một điều mà đến giờ ông vẫn không thể lý giải nhiều người khi nhập môn, học võ nhưng làm trái với môn quy, sống không hướng thiện thì đều đã phải trả giá. Kẻ ốm đau, người mang bạo bệnh, thậm chí có người còn phải đánh đổi cả tính mạng mình.
Những lời chú của thần quyền. Theo ông Cư, những người học thần quyền mà không có đức thì sẽ gặp nhiều tai ương.
Ông Cư kể, nhiều người chứng kiến cảnh đồng môn gặp họa đã hốt hoảng đến tìm nhờ ông “làm phép” để rút khỏi môn phái.
“Có người thì tôi rút được nhưng cũng có người bề trên không cho rút. Có lẽ bề trên nhìn thấy cái tâm họ tốt nên muốn giữ lại cho võ phái thôi”, ông Cư nói.
Với những học trò do mình tự tay truyền dạy, khi họ học xong đến trình độ phù hợp, ông còn dẫn vào Huế để gặp sư phụ mình là ông Nguyễn Văn Cảo để kiểm tra, để nâng đai theo đúng quy định của môn phái.
Ông Cư kể, những ngày đầu truyền bá Thất Sơn thần quyền đó ông có nhiều kỷ niệm. Ngọt ngào cũng lắm mà cay đắng cũng nhiều.
Tuy chọn lựa kỹ càng trong việc chiêu nạp đệ tử nhưng bởi chưa quen với những quy củ điều hành nên ông cũng chẳng thể quản lý hết được đám môn sinh đời kế tiếp, những người được học trò của ông truyền dạy.
Bởi thế, nhiều môn sinh với cái tâm không trong sáng đã dùng võ công học được vào việc đánh lộn, xưng hùng xưng bá.
Thêm nữa, thời gian ấy, bởi sự xuất hiện lạ lùng của võ bùa mà nhiều “danh môn chánh phái” khác đã tò mò tìm đến thách đấu.
Thậm chí, nhiều người còn cho rằng thần quyền là tà đạo, ma giáo nên tìm cách đánh đuổi, tiêu diệt hệt như trong phim kiếm hiệp của Trung Quốc.
Bởi thế, thời gian đó, ở Cẩm Khê, những vụ việc đánh lộn gây mất an ninh trật tự liên tiếp diễn ra. Tất thảy đều có dính líu đến môn võ thần quyền.
Đã có bận, công an đã mời tất thảy những ai theo học môn võ này lên đồn để giáo dục, răn đe.
Ba lần hỏi vợ bất thành và từng bị xem như… phản động
Là người đem “thần quyền” về truyền dạy, đương nhiên ông Cư phải là người giơ đầu chịu báng. “Ngày ấy người ta kỳ thị chúng tôi lắm, thậm chí có người còn xem tôi như phản động, đem võ về để phá hoại sự ổn định của địa phương ấy chứ”, ông Cư nhớ lại.
Cũng bởi sự hiểu lầm trên mà mấy lần ông Cư hỏi vợ không thành. Người ông muốn kết tóc se duyên khi đó là Đảng viên, Bí thư xã đoàn. Yêu thương quá đỗi mặn nồng, hai người muốn cùng nhau dựng xây tổ ấm.
Tuy nhiên, dứt khoát bảo vệ quan điểm “không thể để gái nhà gia giáo lấy người… phá hoại”, họ hàng nhà gái đã cực lực phản đối. “Ngày ấy, gia đình tôi đã ba lần đem lễ đến dạm hỏi nhưng bên nhà gái không nghe”, ông Cư kể.
Ông Cư bảo, bởi tập luyện thần quyền nên thời trẻ ông gặp nhiều lận đận.
Để "chia loan rẽ thúy", gia đình nhà gái đã không cho người ông “quyết lấy làm vợ” công tác ở xã nhà mà chuyển lên mãi Hoàng Su Phì, Hà Giang. Tuy nhiên, như thiên duyên thiền định, chiến tranh biên giới nổ ra, năm 1979, ông lên đường nhập ngũ.
Nơi ông đóng quân cũng chính là nơi người con gái hỏi cưới mãi mà không được công tác. Gặp nhau, tình xưa lại nối, duyên cũ lại liền.
Biết không thể ngăn cản được đôi trẻ, mãi sau này, khi ông đã là anh bộ đội phục viên mẫu mực thì gia đình nhà gái mới gật đầu ưng thuận.
Ông Cư xuất ngũ năm 1984. Thời gian ấy, “thần quyền” đã hiện hữu khắp nơi, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc và thủ đô Hà Nội. Hầu như bất cứ làng quê nào cũng có người theo học môn võ công lạ lùng này.
Tuy nhiên, cũng giống quãng thời gian trước khi ông đi bộ đội, những cuộc tỉ thí, đánh lộn giữa môn sinh thần quyền với các võ phái khác vẫn cứ âm ỉ diễn ra.
Bởi tình hình có phần hỗn tạp ấy, lại thêm sức ép từ gia đình, xã hội nên ông quyết định tạm ngưng việc dậy võ, quy ẩn giang hồ.
Ông Nguyễn Phong Cư làm nghi lễ "xin" quyền
(Còn nữa)