Xã hội hóa y tế hay 'núp bóng' kinh doanh không hợp pháp?

TR.D tổng hợp |

Xung quanh dự án Luật khám chữa bệnh (sửa đổi) về xã hội hóa bệnh viện công, nhiều ý kiến bạn đọc đồng tình với phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu. Có bạn đọc cho rằng chia lợi ở lĩnh vực y tế xã hội hóa là vi phạm y đức.

Xã hội hóa y tế hay núp bóng kinh doanh không hợp pháp? - Ảnh 1.

Hệ thống máy đặt - máy mượn đang hoạt động tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: DUYÊN PHAN

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, nêu ý kiến về dự án Luật khám chữa bệnh (sửa đổi) vào chiều 8-9, đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Lân Hiếu (giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng chỉ nên quy định ba hình thức hợp tác công - tư trong y tế.

Cụ thể: 1- Hình thức đầu tiên là cho vay; 2- Hình thức thứ hai là cho thuê; 3- Hình thức thứ ba là hợp tác công tư phi lợi nhuận.

Ông Nguyễn Lân Hiếu nói: "Chúng ta không thể xã hội hóa y tế bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua cái máy đặt trong bệnh viện sử dụng, rồi chia nhau lợi nhuận ở trong bệnh viện công. Không xã hội hóa bằng cách như vậy và không nên dùng từ xã hội hóa y tế".

Rất đồng tình với suy nghĩ này, bạn đọc Hien Le viết: "Bác sĩ Hiếu nói quá hay, quá chuẩn xác. Xã hội hóa y tế bấy lâu nay chỉ là một cụm từ do người ta tự... đẻ ra để che đậy cho hình thức kinh doanh không hợp pháp, đặc biệt trong lĩnh vực chữa bệnh cứu người".

Theo bạn đọc Hien Le, đó là "núp bóng" bệnh viện công để bắt chẹt bệnh nhân. Và đề xuất: "Hãy kiểm tra xem những ai được "xã hội hóa" kiểu này".

Cùng suy nghĩ ở lĩnh vực y tế là lĩnh vực đặc biệt do liên quan đến cứu người, không thể chạy theo lợi nhuận, bạn đọc Dương Văn Tuấn bổ sung: "Hoàn toàn ủng hộ ý kiến của ông. Nếu để tư nhân bỏ tiền sắm thiết bị (không rõ giá trị như thế nào), rồi họ bán sinh phẩm, trang bị kèm theo giá trên trời để mau thu hồi vốn. Tóm lại lúc đó người bệnh lãnh đủ".

Để y tế trở về đúng với bản chất, đúng với y đạo, y đức, bạn đọc Khai Phong viết: "Trong mắt người thầy thuốc chỉ có người bệnh và chỉ có người bệnh, không có phân biệt sang - hèn, giàu - nghèo, địa vị hay thấp kém, giai cấp... gì cả, vì mạng sống của con người là như nhau".

Theo bạn đọc Khai Phong, nếu đúng tôn chỉ này thì ngành y tế không được "xã hội hóa" hay chính xác hơn là "thị trường hóa", "thương mại hóa"... làm tha hóa ngành y tế, làm cho cái ngành cao quý với những người thầy thuốc cao quý đang ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức.

"Hãy sắp xếp lại ngành y tế (và cả giáo dục) để công ra công và tư ra tư. Không thể trộn lẫn công - tư được và y tế công (cũng như giáo dục công) phải là trụ cột để dẫn dắt ngành, chứ không phải ngược lại hay bị biến tướng như hiện nay" - bạn đọc Khai Phong nêu ý kiến.

Ngoài việc góp ý cho ngành y tế điều chỉnh, một số bạn đọc còn đưa ra giải pháp sao cho phù hợp với tình hình hiện nay ở Việt Nam.

Về ý này, bạn đọc Dân viết: "Cách tốt nhất là xem xét những bệnh viện nào không phải bệnh viện tuyến đầu. Như bệnh viện hạng 2 trở xuống chẳng hạn, rồi cho cổ phần hóa, với tư nhân chiếm hơn 50% vốn, và điều hành luôn, phần lợi nhuận của Nhà nước sẽ làm quỹ để hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Hoặc tốt nhất là cổ phần hóa 100% luôn, thành bệnh viện tư hoàn toàn".

Theo bạn đọc này, Nhà nước chỉ giữ lại những bệnh viện tuyến đầu và một số ít bệnh viện ở các vùng sâu vùng xa, nơi người dân còn nghèo.

"Nói chung trừ khi tăng mức ngân sách dành cho y tế lên gấp 10 lần hiện nay và tập trung ngân sách vào con người thay vì cố xây mấy bệnh viện ngàn tỉ, thì chả có cách nào để Nhà nước duy trì một cách hiệu quả hệ thống y tế đồ sộ như hiện nay cả. Còn nếu không muốn tăng ngân sách thì bắt buộc phải chấp nhận chia bớt cho tư nhân quản lý, chứ Nhà nước không thể ôm hết được" - bạn đọc Dân viết.

"Lĩnh vực giáo dục, y tế phải được ngân sách nhà nước đầu tư đầy đủ 100%. Không được xã hội hóa dễ phát sinh tiêu cực và làm khổ phụ huynh, người bệnh" - bạn đọc nickname TVD đề nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại