Mỹ đã gửi cho Ukraine tổng cộng 20 bệ phóng của Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) kể từ tháng 6, cùng với một số lô tên lửa dẫn đường GMLRS và các phương tiện khác. GMLRS có tầm bắn gần 80 km.
Thủy quân lục chiến Mỹ diễn tập khai hỏa HIMARS ở Okinawa, Nhật Bản, ngày 18/6/2020. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ
Nhiều nhà hoạt động đã kêu gọi chuyển cho Ukraine tên lửa ATACMS có tầm bắn hơn 300 km, tuy nhiên đến nay Mỹ vẫn từ chối.
Theo WSJ, ngay cả khi Nhà Trắng thay đổi ý định hoặc Kiev có được ATACMS hoặc các tên lửa tầm xa tương tự từ các nước khác, thì chúng cũng sẽ không hoạt thể hoạt động trong hệ thống HIMARS hiện có trên thực địa ở Ukraine.
Các sửa đổi đối với hệ thống HIMARS trước khi chúng được gửi đến Ukraine liên quan đến “phần cứng và phần mềm”, các quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ với WSJ.
Quân đội Ukraine và Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận về thông tin trên.
Theo WSJ, những sửa đổi “phản ánh sự e ngại của giới chức Mỹ rằng Ukraine có thể phá bỏ lời hứa không tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp”, cũng như mong muốn của chính quyền Tổng thống Joe Biden là “giảm thiểu rủi ro xảy ra một cuộc chiến rộng hơn” với Nga.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo Washington rằng việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine có nguy cơ vượt qua “lằn ranh đỏ” của Nga và lôi kéo trực tiếp Mỹ và NATO vào cuộc xung đột.
Hồi tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay, Washington đã nhận được “sự đảm bảo” từ Kiev rằng HIMARS sẽ không được sử dụng “để chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga”, đồng thời khẳng định “mối quan hệ tin cậy mạnh mẽ giữa Ukraine và Mỹ”.
Tuy nhiên, đến tháng 9, ông Blinken đã nêu rõ rằng Mỹ không coi Crimea hoặc 4 khu vực gồm Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Cộng hòa Nhân dân Lugansk, Vùng Kherson và Vùng Zaporizhzhia - đã bỏ phiếu sáp nhập vào Nga, không phải là lãnh thổ Ukraine. Như vậy, đây là các mục tiêu hợp pháp nếu Ukraine sử dụng vũ khí do Lầu Năm Góc cung cấp.