Mục tiêu dài hạn của Ukraine
Sau khi giành quyền kiểm soát Kherson, các lực lượng Ukraine có rất ít lựa chọn cho nỗ lực tiếp theo nhằm giành lại những vùng lãnh thổ rơi vào tay Nga. Một số nhà phân tích cho rằng, con đường rõ ràng nhất để Ukraine tiếp tục cuộc phản công có thể cắt qua phía Nam, đi qua những cánh đồng lầy lội tại vùng Zaporizhzhia.
Một binh sỹ Ukraine đứng trong chiến hào tại Zaporizhzhia. Nguồn: Washington Post
Mọi sự chú ý đang chuyển tới mặt trận phía Nam, cách Biển Azov chưa đầy 160km về phía Bắc, nơi Ukraine tìm cách cắt đứt cây cầu nối lục địa Nga với bán đảo Crimea. Kiev cũng đang kế hoạch giành lại các thành phố như Melitopol và Enerhodar, nơi có nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Trong khi đó, Nga đang nỗ lực đào hào và củng cố tuyến phòng thủ. Có vẻ như Moscow đã lường trước khả năng xảy ra một cuộc chiến lớn. Ông Konrad Muzyka, chủ tịch của Rochan Consulting, một công ty phân tích quân sự có trụ sở tại Ba Lan cho biết: “Mọi người đang nói về Zaporizhzhia”.
Nhưng ông Muzyka cùng nhiều nhà phân tích khác lưu ý, các con đường và vị trí quân sự gần tiền tuyến cho thấy có rất ít bằng chứng về việc Ukraine đang tập hợp quân đội và cũng không có dấu hiệu nào chứng tỏ họ đang tìm cách mau chóng tiến hành một cuộc tấn công vào khu vực Zaporizhzhia. Ông Victor Dadak, phó chỉ huy tiểu đoàn bảo vệ lãnh thổ của Ukraine không cho biết liệu các lực lượng nước này có tiến hành một cuộc tấn công lớn tiếp theo hay không. “Đó là một bí mật quân sự, nhưng tôi nghĩ chỉ trong vài ngày nữa bí mật sẽ được tiết lộ”.
Vào mùa Hè năm 2021, có rất nhiều thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cho rằng Ukraine chuẩn bị tiến hành một cuộc phản thông lớn ở Kherson. Nhưng thay vào đó, Ukraine đã thực hiện chiến dịch tấn công bất ngờ và chớp nhoáng ở khu vực Kharkov, phía Đông Bắc. Hiện các binh sỹ Ukraine vẫn đang chờ đợi cho đến khi nhiệt độ giảm thấp hơn, khiến các khu vực lầy lội tại vùng Zaporizhzhia đóng băng và cứng lại.
Trọng tâm chính của các lực lượng Ukraine là giữ vững tuyến phòng thủ ở phía sau tiền tuyến và ngăn quân đội Nga tiến lên phía Bắc tới đường cao tốc nối liền khu vực Zaporizhzhia với vùng Donetsk. Theo ông Dadak, mục tiêu dài hạn của quân đội nước này là tiến về phía Nam tới biển Azov. Khi có thời cơ phù hợp, họ có thể bao vây quân đội Nga ở bờ đông sông Dieper sau khi Nga rút khỏi bờ Tây con sông. Theo tình báo Ukraine, khoảng 30.000 binh sỹ Nga đang đồn trú tại bờ Đông của con sông.
Tuy vậy, có rất nhiều thách thức to lớn đối với quân đội Ukraine. Ông Dadak cho biết, địa hình ở khu vực này thậm chí còn lầy lội hơn. Bên cạnh đó, sau khi rút khỏi thành phố Kherson, Nga đã tái bố trí quân sang phía đông, tăng cường sự hiện diện tại Zaporizhzhia và gia tăng các cuộc pháo kích.
Theo chuyên gia Muzyka, mật độ của lực lượng Nga đã gia tăng, nghĩa là số binh sỹ Nga xuất hiện trên mỗi km2 nhiều hơn so với giai đoạn đầu xung đột. “Vì thế Ukraine sẽ gặp nhiều thách thức nếu họ muốn tấn công”. Tuy địa hình của Zaporizhzhia tương đối bằng phẳng, không có sông ngòi, có thể giúp quân đội Ukraine dễ dàng tiến về phía Nam hơn, nhưng họ sẽ có ít nơi ẩn náu hơn.
“Tôi cho rằng, Ukraine có thể đang tìm kiếm một vài khu vực mà họ có thể tiến hành cuộc phản công”, ông Muzyka lưu ý.
Michael Kofman, nhà phân tích quân sự tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNA) cho rằng, một trong những mục tiêu dài hạn của quân đội Ukraine là tiến hành cuộc tấn công cắt ngang qua phía Nam tới thành phố Melitopol. “Nhưng vẫn chưa rõ liệu họ có thể thực hiện kế hoạch vào cuối mùa Đông hay vào mùa Xuân tới hay không”.
Ukraine đã tìm cách ổn định tuyến phòng thủ ở thành phố Bakhmut thuộc khu vực Donetsk, trong khi điều lực lượng cố gắng đẩy lùi Nga tại Lugansk. Câu hỏi đặt ra hiện giờ là liệu họ có đủ binh sỹ và đạn pháo để tiến hành một cuộc tấn công ở phía Nam trong những tháng tới hay không, đặc biệt là sau khi chịu nhiều tổn thất do các cuộc giao tranh ở Kherson.
Nhu cầu kép của Ukraine?
Các quan chức Ukraine cho rằng, nếu nước này tạm ngừng hoạt động chiến đấu giao tranh tạm trong mùa Đông thì điều này sẽ tạo cơ hội cho quân đội Nga nghỉ ngơi, tập hợp lại lực lượng và khôi phục sức mạnh.
Vì thế, ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Kiev vẫn nỗ lực tìm cách duy trì áp lực với đối phương. Nhưng Nga đã sử dụng chiến thuật tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine nhằm làm suy yếu sức chiến đấu và thúc đẩy Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Các cuộc tấn công được thực hiện liên tiếp vào đầu tháng 10, nhằm vào nhiều nhà máy nhiệt điện của Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Dmytro Kuleba thừa nhận rằng nước này không chỉ cần những loại vũ khí tinh vi, cho cả mục đích tấn công và phòng thủ mà còn cần các thiết bị cấp phát và tuyền tải điện năng.
Các quan chức Mỹ và NATO dường như đang tìm cách đáp ứng nhu cầu kép của Ukraine. Mỹ đã công bố một gói viện trợ năng lượng trị giá 53 triệu USD cho Ukraine, trong đó có các máy biến áp quan trọng, máy phát điện và phụ tùng thay thế cho hệ thống điện, đi kèm với gói viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự trị giá gần 40 tỷ USD.
“Những trang thiết bị đó sẽ được cung cấp cho Ukraine trong vài ngày hoặc vài tuần chứ không phải vài tháng”, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken cho biết, Song ông thừa nhận Mỹ sẽ phải xem xét để loại trừ những hệ thống phòng không tinh vi hơn.
Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, cơ quan này đang xem xét bổ sung hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa Patriot vào các gói viện trợ quân sự trong tương lai dành cho Ukraine.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - John Kirby cho biết: “Nhu cầu của Ukraine đã thay đổi theo thời gian khi xung đột leo thang. Ban đầu, chúng ta đang nói về tên lửa tầm ngắn như Stinger và Javelin, và bây giờ hệ thống phòng không là nhu cầu hàng đầu của Ukraine khi Nga tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng. Chúng tôi đang ưu tiên thúc đẩy khả năng phòng không cho Kiev”.
Sau những bước tiến gần đây của Ukraine ở phía nam, Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho rằng Kiev sớm tiến hành đàm phán với Nga trước khi xung đột rơi vào tình trạng bế tắc. Song Tổng thống Biden và các quan chức cấp cao khác của Mỹ đã nhanh chóng bác bỏ ý tưởng này.
Cả bên trong lẫn bên ngoài chiến trường, Ukraine dường như đang làm mọi thứ để chống lại quan điểm mà một số nước phương Tây đưa ra rằng cuộc xung đột đang ở thế bế tắc và giải pháp duy nhất là đàm phán.
Chính phủ Kiev cho biết họ chỉ đồng ý tham gia đàm phán khi đạt được lợi thế quân sự tối đa. Bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên chiến trường, nhiều quan chức phương Tây cho rằng các chỉ huy Ukraine sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến dịch tấn công trong những tháng tới để giành lại nhiều vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Tình báo Anh dự đoán giao tranh sẽ diễn ra ác liệt hơn tại Bakhmut, Kherson và vùng duyên hải dọc biển Azov, biển Đen – nơi có thể là bàn đạp quan trọng cho các lực lượng Ukraine./.