“Cơn khát” vũ khí của Ukraine gia tăng sức ép cho phương Tây như thế nào?

Kiều Anh |

Khi cuộc xung đột ở Ukraine hầu như không có dấu hiệu sẽ ngã ngũ, các nước phương Tây đang nỗ lực duy trì cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine mà không đe dọa mức độ sẵn sàng chiến đấu của mình.

NATO hiện đang thảo luận về cách thức hỗ trợ cho các thành viên nếu kho vũ khí của họ ở dưới mức cần thiết nhằm đáp ứng các nghĩa vụ quốc phòng theo Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, một quan chức NATO cho hay.

Mặc dù quyết định hỗ trợ quân sự cho Ukraine thuộc về các nước thành viên trong liên minh nhưng Tổng thư ký NATO đã nhiều lần nhấn mạnh các nước này cần tiếp tục hỗ trợ cho Kiev. Theo ông Stoltenberg, "Nga đã phạm sai lầm chiến lược" khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong đó có việc "đánh giá thấp các nước NATO trong cam kết hỗ trợ Ukraine".

“Cơn khát” vũ khí của Ukraine gia tăng sức ép cho phương Tây như thế nào? - Ảnh 1.

Binh lính Ukraine nã pháo ở Bakhmut ngày 8/11. Ảnh: Getty

Trong khi đó, tại Washington, một số cựu quan chức muốn xu hướng tăng ngân sách quốc phòng từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai gần.

"Thậm chí cả khi không có cuộc xung đột ở Ukraine thì kho vũ khí của chúng ta vẫn ở mức thấp", Jeb Nadaner, cựu Phó trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump cho hay.

Phương Tây chưa chuẩn bị cho cuộc chiến pháo binh cường độ cao

Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã duy trì kho vũ khí với số lượng lớn, cùng với đất hiếm và các nguyên liệu khác để nhanh chóng sản xuất đạn dược trong trường hợp chiến tranh với Liên Xô nổ ra. Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu bắt đầu giảm số lượng vũ khí trong kho dự trữ sau khi Liên Xô sụp đổ và khi Washington chuyển hướng sang cuộc chiến chống khủng bố, cũng như phụ thuộc nhiều hơn vào đạn chính xác và các công nghệ mới.

"NATO không thực sự lên kế hoạch để chiến đấu trong những cuộc chiến như thế này, ý tôi là những cuộc chiến sử dụng các hệ thống pháo, xe tăng và đạn dược với cường độ cao. Chúng ta chưa bao giờ dự trữ vũ khí cho cuộc chiến kiểu như vậy", ông Frederick Kagan, học giả cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho hay.

Trong khi đó, ông Nadaner cho biết, các tên lửa phóng từ biển như Harpoon và Tomahawk, hay tên lửa tấn công trực tiếp và các loại tên lửa thường được Ukraine sử dụng như tên lửa chống tăng Javelin và hệ thống pháo phản lực HIMARS, hiện đang ở mức thấp. Ukraine đã nhận được 20 hệ thống phóng tên lửa và tiếp nhận thêm 18 hệ thống nữa đang được vận chuyển.

Hiện Mỹ và các nước NATO đang hối thúc các công ty quốc phòng phương Tây tăng cường sản xuất. Tuy nhiên, các quan chức và các nhà phân tích cho biết các nhà thầu quốc phòng chậm đưa ra phản hồi bởi họ muốn đảm bảo rằng giai đoạn nhu cầu vũ khí gia tăng này sẽ tiếp tục.

Tại châu Âu, một số quốc gia, trong đó có Đức, vẫn do dự trong việc cung cấp xe tăng cho Ukraine.

"Không ai nghĩ rằng chúng ta sẽ quay lại Thế chiến II và mỗi phút sản xuất 1 chiếc máy bay hay xe tăng", Camille Grand, học giả tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, đồng thời từng là trợ lý Tổng thư ký NATO cho biết.

Pháp đã thảo luận về việc bổ sung kho pháo sau khi cung cấp 16 lựu pháo CAESAR cho Ukraine vào mùa hè vừa qua nhưng nước này đối mặt với những hạn chế về năng lực sản xuất.

"Nói một cách đơn giản, không có nhiều nước ở châu Âu đủ khả năng sản xuất một chiếc nòng súng", ông Grand nhận định.

Ukraine mệt mỏi vì chờ đợi

Vấn đề tăng cường sản xuất vũ khí đã thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo quốc phòng tại các nước NATO những tháng qua, trong đó có cuộc họp cấp bộ trưởng hồi tháng 6. Bộ Quốc phòng Mỹ đang bắt đầu tái sản xuất đạn pháo mà nước này cung cấp cho Ukraine. Hôm 14/11, Lục quân Mỹ cho biết đã chi hơn 520 triệu USD cho Lockheed Martin vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 để bổ sung kho tên lửa dẫn đường phóng loạt được Ukraine sử dụng.

Mặc dù Mỹ tăng cường sản xuất pháo và bắt đầu sản xuất lại tên lửa vác vai nhưng Lầu Năm Góc vẫn vấp phải chỉ trích từ châu Âu rằng nỗ lực này đang diễn ra quá chậm.

Trong khi đó, Ukraine dường như cũng đang mệt mỏi vì phải chờ đợi. Các quan chức Kiev lo ngại họ sẽ cạn kiệt các loạt vũ khí cơ bản nhất để chiến đấu, trong đó có các tên lửa vác vai như Stinger, Javelin và NLAW, trước khi nhận được các loại vũ khí mới.

Kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, Ukraine đã gần như cạn kiệt kho pháo thời Liên Xô, chiếm 60% kho vũ khí của nước này, buộc Kiev phải dựa vào các hệ thống pháo theo tiêu chuẩn NATO, vốn không thể sản xuất nhanh chóng.

"Chúng tôi gần như đã cạn kiệt đạn pháo cỡ nòng 152mm và hoàn toàn phải phụ thuộc vào đạn pháo cỡ nòng 155mm trong khi loạt đạn này rất hạn chế".

Ukraine cũng đang bị thách thức khi phải chiến đấu trên nhiều mặt trận. Dù quốc gia này có đủ đạn dược và vũ khí để duy trì chiến đấu tại khu vực Donbass ở phía Đông và Mykolaiv ở phía Nam, nhưng nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công ở phía Bắc, các nguồn lực của Ukraine sẽ bị kéo căng.

Nhận thức được cuộc xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, các nước phương Tây đang chuẩn bị sẵn sàng cho một giai đoạn thay đổi kéo dài.

"Môi trường an ninh ở châu Âu đã thay đổi quá nhiều kể từ ngày 24/2 đến mức đây không phải là vấn đề sẽ biến mất qua một đêm", ông Grande cho hay.

Sức ép của phương Tây trong việc hỗ trợ cho Ukraine

Chính quyền Tổng thống Biden đã nhiều lần cảnh báo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về tâm lý mệt mỏi vì xung đột kéo dài tại những quốc gia đang hỗ trợ cho Kiev. Tuần trước, Washington Post đưa tin, Mỹ kín đáo khuyến khích các nhà lãnh đạo Ukraine thể hiện thái độ sẵn sàng đàm phán với Nga.

Tài liệu này dẫn các nguồn thạo tin cho biết, yêu cầu của các quan chức Mỹ không nhằm thúc đẩy Ukraine ngồi vào bàn đàm phán mà là một nỗ lực có tính toán nhằm đảm bảo Ukraine tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia khác, vốn đang đối mặt với giá năng lượng và lương thực tăng do tác động từ cuộc xung đột.

Các nghị sĩ Mỹ và châu Âu đã nhận định với Time rằng, mặc dù sự hỗ trợ cho Ukraine vẫn duy trì ổn định nhưng điều đó có thể thay đổi giữa bối cảnh mùa đông khắc nghiệt đang đến gần.

Giá năng lượng là một nhân tố quan trọng làm dấy lên lo ngại ở các nước phương Tây. Theo kết quả khảo sát của Morning Consult, tại Mỹ, tỷ lệ ủng hộ lệnh trừng phạt năng lượng Nga, thậm chí cả khi điều đó khiến giá năng lượng tại nước này tăng, đã giảm từ 56% xuống 44%.

Còn tại châu Âu, theo số liệu từ Time, người dân châu Âu đặc biệt nhạy cảm với vấn đề giá năng lượng. Chỉ 28% những người được hỏi ở Pháp và Đức, cùng với 35% những người được hỏi ở Anh ủng hộ các lệnh trừng phạt năng lượng Nga thậm chí cả khi điều đó đồng nghĩa với giá cả tăng cao.

Tại những quốc gia này, trong khi sự ủng hộ Ukraine vẫn ở mức cao giữa các đảng phái chính trị lớn thì trong nội bộ một số nước đã bắt đầu xuất hiện những bất đồng về mức độ hỗ trợ cho Kiev sẽ đi xa đến đâu.

Quốc gia mà các nhà quan sát dự đoán dễ có tâm lý mệt mỏi vì xung đột ở Ukraine nhất lại chính là quốc gia cung cấp hỗ trợ nhiều nhất cho đến nay: Đó là Mỹ. Đảng Cộng hòa đã không thể hiện tốt như kỳ vọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ nhưng với việc đảng này giành được Hạ viện, mức độ hỗ trợ cho Ukraine có lẽ sẽ thay đổi.

Theo Morning Consult, tỷ lệ thành viên đảng Dân chủ cho rằng Mỹ có trách nhiệm bảo vệ Ukraine nhiều gấp đôi so với những người được hỏi của đảng Cộng hòa. Ngoài ra, khoảng 1/3 các thành viên đảng Cộng hòa được hỏi cũng cho rằng chính phủ Mỹ đang "làm quá nhiều" để ngăn chặn cuộc xung đột ở Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại