Tiền tỉ ném vào đỏ đen
Giới cầu thủ cho đến giờ này vẫn còn dùng tới hai từ “thất kinh” để nói về một cầu thủ trượt dài sau World Cup 2010 tại Nam Phi. Đó là Trương Đắc Khánh. Khánh từng là niềm hy vọng lớn của bóng đá xứ Nghệ. Sinh năm 1987, Khánh nhanh chóng thể hiện được mình trong màu áo SLNA và được gọi vào tuyển U23 Việt Nam dự SEA Games 2009 tại Lào. Lối chơi máu lửa của Đắc Khánh đã thuyết phục hoàn toàn ông Calisto - HLV U23 Việt Nam lúc ấy.
Thành công quá sớm và quá nhanh, Trương Đắc Khánh từ chỗ chỉ có manh áo và cái quần cộc từ Quỳnh Lưu lên Vinh ứng thí lò đào tạo trẻ bỗng nhanh chóng lao vào những cuộc chơi bạc tỉ. Những khoản lương thưởng ở SLNA tuy không nhiều như các nơi khác nhưng cũng là cao so với mặt bằng chung ở Nghệ An. Dù thu nhập lên tới mấy chục triệu một tháng nhưng ông Tài, bà Bé (bố mẹ Khánh) dường như chưa lúc nào được nhờ con. Vẫn là ngôi nhà tồi tàn ở quê, ông Tài mang tiếng có con chơi bóng ở Nghệ An, vào đội tuyển nhưng vẫn thường xuyên đi làm cửu vạn kiếm đồng ra đồng vào.
Hỏi “tiền thằng Khánh để đâu?” thì đám cầu thủ ở Nghệ An chỉ cười cười, người thâm ý thì kín đáo chỉ tay lên trời ý nói: “Lên trời mà hỏi”. Thế nhưng ai cũng biết Khánh có máu cờ bạc, đồng đội biết, các thầy cũng biết. Đến năm 2009, khi Khánh quyết định lấy vợ thì ai cũng mừng thầm: “Tài năng như thằng Khánh, tu chí làm ăn thì chẳng mấy chốc lại hợp đồng tiền tỉ, lương thưởng cả trăm triệu mỗi tháng”. Lấy vợ xong, chưa kịp mừng cho Khánh thì “cơn bão World Cup” ập đến.
Các cầu thủ SLNA kháo nhau: Sau World Cup, thằng Khánh ngập sâu quá, nợ lên tới vài tỉ rồi. Vì vẫn còn hợp đồng với SLNA, lương của Khánh chỉ hơn 20 triệu đồng/tháng, còn chưa đủ tiền lãi vay nóng. Sự nghiệp đi vào ngõ cụt, hơn nữa trong mỗi buổi tập có Đắc Khánh là ngoài sân hàng chục “con nợ” săm trổ đầy người lượn vè vè khiến không chỉ Khánh mà cả những cầu thủ còn lại trong đội cũng phải kinh sợ.
Sau World Cup 2010 đầy cay đắng ấy, Đắc Khánh đá nốt mùa giải cho SLNA và tính chuyện sang V.Ninh Bình - miền đất hứa của các cầu thủ lúc đó - với hy vọng có vài tỉ đồng lót tay vừa trả nợ, vừa làm lại cuộc đời. Tính toán là thế, nhưng trớ trêu, những đêm thức trắng xem bóng đá để “cày”, thức trắng vì sợ con nợ “xin bát tiết” đã khiến thể lực của Đắc Khánh bị bào mòn. Mặt khác, tai tiếng của Đắc Khánh còn đến trước bất kỳ nơi nào cầu thủ này định đặt chân đến. Giấc mộng Ninh Bình không thành, Khánh trở về SLNA gần như lạy lục sự thương tình của ban huấn luyện (BHL) đội.
HLV Nguyễn Hữu Thắng - với tư cách đàn anh vốn có - đã đưa tay cứu Khánh nhưng với điều kiện là phải thử việc sau đó mới “chốt” khoản chuyển nhượng 1,5 tỉ đồng. Song, Khánh không đảm bảo chuyên môn, hơn hết, nhiều thành viên trong BHL cũng e ngại sự có mặt của cầu thủ này sẽ làm đội bóng thêm phức tạp. Khánh chính thức ra đường, mọi liên lạc bị cắt đứt vì Khánh còn mải… trốn nợ.
Với bố mẹ Khánh, tưởng được nhờ con, nào ngờ còn phải cắt đất hương hỏa để trả nợ cho con. Từ cầu thủ tài năng, Đắc Khánh về quê chấp nhận làm anh thợ nhôm kính ngày ngày đầu tắt mặt tối ở Cầu Giát. Mới rồi, một chủ ngân hàng ở Nghệ An nghe chuyện thương tình gọi Khánh đi làm… bảo vệ, mức lương 4 triệu/tháng ngoài ra có được thưởng thêm nếu tham gia hoạt động phong trào của công ty.
Đắc Khánh dù xa môi trường bóng đá chuyên nghiệp 3 năm, đã to béo lên nhiều, nhưng vẫn là một cầu thủ “xịn” của bóng đá phong trào. Mới đây, đội bóng của Khánh còn đoạt giải trong một giải đấu của ngành ngân hàng Nghệ An.
Khánh không muốn nhắc lại chuyện cũ vào lúc này, chỉ nói: “Tôi đã sai lầm và hy vọng còn đủ thời gian để sửa chữa sai lầm”.
World Cup: Hai tiếng… “rụng rời”
Tháng 5/2010, tức là trước World Cup 2010 chỉ ít ngày, tuyển thủ QG Châu Phong Hòa cập bến V.Ninh Bình trong một bản hợp đồng mà Hòa đút túi 900 triệu đồng cùng khoản lương 30 triệu đồng/tháng. Thực ra từ khi ở B.Bình Dương, Hòa đã “có tiếng” là “ma bóng bánh” nợ nần tùm lum.
Hòa về V.Ninh Bình tưởng có đất sống, nào ngờ bập ngay vào… World Cup. Không rõ ma lực từ những trận đấu đỉnh cao thế giới có sức hút thế nào nhưng sau World Cup thì Châu Phong Hòa vẫn không thể trở lại là cầu thủ nhanh nhẹn như khi còn ở Đồng Tháp và lúc mới về B.Bình Dương.
- Điều này cũng giống như trường hợp đàn anh Vũ Như Thành. Giới cầu thủ đồn rằng, từ B.Bình Dương về Ninh Bình, Thành nhận hợp đồng kỷ lục, khoảng 10 tỉ đồng thời điểm 2009. Tiếng là có chừng ấy lót tay nhưng Như Thành gần như chẳng còn cầm đồng nào vì khoản tiền khổng lồ nhanh chóng chui vào… túi các chủ nợ. Thậm chí, khi các cầu thủ mua xe sang thì Như Thành còn chẳng có lấy cái wave “tàu” mà chạy.
Sau World Cup 2010, quan hệ giữa Thành và BHL V.Ninh Bình xấu hẳn, phần vì cầu thủ này chểnh mảng luyện tập, phần vì luôn phải lo đối phó với chủ nợ cho đến giữa 2011 thì Như Thành… bỗng nhiên biến mất. Sau đó, trong một lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn báo chí, Như Thành thừa nhận: “Đúng là tôi có mê đỏ đen, tiền bạc tôi kiếm được từ bóng đá rất nhiều và cũng mất nhiều vào những trò đỏ đen. Tôi biết điều đó không tốt, nhưng có thời gian vì buồn bực nhiều vấn đề trong cuộc sống riêng nên tôi đã lao vào nó như con thiêu thân, khiến đất đai nhà cửa tôi kiếm được từ bóng đá giờ gần như chẳng còn giữ lại được gì…”.
Sau khi vụ cá độ ở V.Ninh Bình phát lộ, nhiều lãnh đạo thêm lo ngại về khả năng “chơi ngoài luồng” của các cầu thủ. Chủ tịch CLB SLNA, ông Hồng Thanh thừa nhận: “Thời đại công nghệ thông tin, việc tham gia cá độ rất dễ. Cấm thì chúng tôi vẫn cứ cấm nhưng đảm bảo 100% không cá độ mùa World Cup thì khó. Chỉ trông vào tự giác của các cầu thủ và hy vọng họ nhìn vào những tấm gương mất cả gia sản, sự nghiệp vào những trò đỏ đen mùa World Cup để tự răn mình…”