Thư gửi Albiol và chuyện chiếc giày nhỏ

Đức Phan |

(Soha.vn) - Dư luận trong nước đang nổi sóng vì việc Raul Albiol nhắc đến Việt Nam. Nhưng điều đáng suy ngẫm hơn là cách ta ứng xử xung quanh sự kiện này.

Trong cuộc họp báo trước trận đấu giữa Tây Ban Nha và Australia ở lượt đấu cuối cùng vòng bảng, do nhà ĐKVĐ đã chính thức bị loại nên các phóng viên có đặt câu hỏi về thái độ thi đấu của ĐT xứ đấu bò. Albiol đã trả lời rằng: “Đây là 1 trận đấu ở World Cup, chứ không phải một trận đấu giao hữu ở Việt Nam”. Tất cả chỉ có vậy.

Nói tóm lại, cầu thủ đang khoác áo Napoli chỉ muốn diễn đạt rằng: ĐT Tây Ban Nha sẽ thi đấu hết mình vì đó là một trận đấu chính thức, chứ không phải một trận giao hữu. Rõ ràng, nó hoàn toàn không có tính mỉa mai, sỉ nhục gì nền bóng đá Việt Nam. Bởi tính chất 1 trận giao hữu dù diễn ra ở Việt Nam hay bất kì quốc gia nào khác cũng khác hẳn 1 cuộc so tài ở World Cup.

Lời lẽ của Albiol nhằm khích lệ ĐT TBN hơn là nhắm vào Việt Nam

Lời lẽ của Albiol nhằm khích lệ ĐT TBN hơn là nhắm vào Việt Nam

Cũng cần phải nói thêm rằng, ngay cả Albiol có ý chê bai thì đó cũng là thứ chúng ta phải chấp nhận. Bởi bóng đá Việt Nam đang tồn tại quá nhiều hạn chế, chẳng hề giống ai từ chuyện bán độ, bạo lực, cho đến sự xây nhà từ nóc. Lẽ ra, người Việt Nam nên coi đây là cơ hội để soi chiếu lại những khiếm khuyết của mình, để có động lực tiến lên. Nhưng điều nguy hiểm là có một bộ phận không nhỏ, đặc biệt là các bạn trẻ lại hành xử bằng một thứ tư duy nông nổi.

Trên một tờ báo điện tử đã xuất hiện một bài viết Lá thư gửi Albiol được giới thiệu là do 1 độc giả viết. Đại ý bài viết này là chỉ trích Albiol vì đã động chạm đến bóng đá Việt Nam và rộng ra là đất nước Việt Nam. Người ta cũng quàng luôn thất bại của ĐT Tây Ban Nha ở World Cup 2014 có liên quan đến…những lời này của Albiol!? Bài viết này ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của không ít độc giả (chủ yếu là những bạn 9x) với hàng ngàn lượt like và share.

Thư gửi Albiol thậm chí còn được dịch ra tiếng Anh

"Thư gửi Albiol" thậm chí còn được dịch ra tiếng Anh

Người ta hùa nhau ném đá Albiol dưới danh nghĩa lòng tự tôn dân tộc. Thậm chí, có những người còn dịch bài viết ấy ra tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha để gửi đến các website nước ngoài hay chính Raul Albiol. Nhưng thay vì dịch nó một cách tử tế thì người ta dùng công cụ dịch tự động của Google để dịch. Và không có gì đáng ngạc nhiên bản dịch ấy chẳng khác nào một thảm họa, tạo ra thứ ngôn ngữ mà chắc chắn chẳng có người nước ngoài nào có thể hiểu.

Có thể thấy rằng cách cư xử này khiến hình ảnh của Việt Nam trở nên xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế. Nó cũng tương tự như đám đông “nhảy vào” facebook của Bill Gates để chửi bới làm loạn, khi tỷ phú này có một post liên quan đến Việt Nam. Hẳn chẳng phải tự nhiên mà xuất hiện những hành động mang tính kì thị người Việt như biển thông báo cấm làm những điều tiêu cực bằng tiếng Việt, nó đơn giản là bắt nguồn từ chính những hành động của chúng ta.

Chỉ vì 1 bức ảnh rất bình thường về dây điện chằng chịt mà Bill Gates bị chỉ trích một cách vô căn cứ

Chỉ vì 1 bức ảnh rất bình thường về dây điện chằng chịt mà Bill Gates bị chỉ trích một cách vô căn cứ

Dường như, chúng ta quá dễ bị tổn thương khi bị chê (trong khi lại dễ thỏa mãn bởi những thứ tiểu tiết, nhỏ nhặt). Sẽ tích cực hơn nếu nhìn nhận đó là những lời góp ý, để chính chúng ta tiến bộ. Cần nhớ rằng, trong cuộc sống chẳng có ai, cái gì là hoàn hảo và sự phản biện không bao giờ là thừa.

Chính người Việt cũng có câu: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Vậy thì chẳng có lí gì, khi người ta đề cập đến sự thật thì chúng ta lại xù lông nhím lên. Thay vì, coi đấy là một sự sỉ nhục và kêu gào phản đối theo kiểu: chẳng thể làm gì khác thì chửi đổng, đáng ra chúng ta cần phải có những hành động để cải thiện thực tế, khiến người ta phải thay đổi cách nhìn.

Đám đông trong vụ “Lá thư gửi Albiol” khiến người viết liên tưởng đến sự cư xử của một BLV trẻ khi cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn đọc lá thư góp ý của khán giả. Việc đầu tiên cần phải làm trong tình huống như thế luôn la phải ghi nhận sự đóng góp và nhìn lại chính mình, chứ không phải ngay lập tức cố gắng thanh minh, giải thích, khẳng định mình không có lỗi. Vì nhân vô thập toàn và không có lửa thì sao có khói.

Chúng ta có thể tham khảo một bài học từ cách ứng xử của người Nhật có liên quan đến bóng đá Việt Nam. Các phóng viên Việt Nam vẫn lưu truyền một giai thoại rằng sau một giao hữu giữa ĐT NhậtĐT Việt Nam, người Nhật đã tặng cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang chiếc giày nhỏ, để ám chỉ bóng đá Nhật so với VN chỉ là chiếc giày nhỏ. Ai cũng có thể thấy chiếc giày nhỏ ngày ấy giờ đã tiến xa như thế nào?

Tuy thất bại 1-4 trước Colombia đã khiến ĐT Nhật không thể vượt qua vòng bảng, nhưng không thể phủ nhận đội bóng này đã để lại ấn tượng lớn ở Brazil 2014. Họ đã chơi sòng phẳng, dồn ép cả Bờ Biển Ngà (ở những thời điểm nhất định) lẫn Hy Lạp (trong cả trận đấu) và chỉ không thành công do thiếu may mắn, cũng như thể trạng hạn chế của người Châu Á. Nhất là trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt tại Brazil.

Nhẫn nại và cầu tiến, nền bóng đá Nhật Bản phát triển rất vững chắc

Nhẫn nại và cầu tiến, nền bóng đá Nhật Bản phát triển rất vững chắc

Bóng đá Nhật đang phát triển rất vững chắc. Mà bằng chứng là từ lần đầu tiên được dự World Cup (năm 1998 và để thua cả 3 trận) các Samurai đã liên tục có mặt ở giải đấu này và không còn là kẻ lót đường, mà đã trở thành một đối thủ khó chơi.

Vậy đấy! Chỉ có cái nhìn thực tế, biết mình là ai và đứng ở đâu như vậy mới có thể đưa bóng đá rộng ra là xã hội vận động tiến lên, cho dù điểm khởi đầu chỉ là chiếc giày nhỏ. Ngược lại, với những tư tưởng kiểu như Lá thư gửi Albiol, không thể chấp nhận nổi sự thật thì sau tất cả mèo vẫn chỉ hoàn mèo mà thôi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại