WHO: Hai nguyên nhân chính khiến COVID-19 càn quét châu Á

Anh Thư |

Phát biểu trực tuyến tối 4-5, tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 thuộc Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã giải thích những vấn đề liên quan đến làn sóng mới ở châu Á và sự tiến hóa liên tục của SARS-CoV-2.

Theo bà Kerkhove, dù một làn sóng mới đang xuất hiện khắp thế giới nhưng việc các quốc gia dỡ bỏ các hạn chế thời đại dịch vẫn hợp lý, vì chúng ta đang có thể sống chung với COVID-19 theo cách an toàn nhất từ trước đến nay nhờ mức độ miễn dịch cộng đồng có được nhờ tiêm chủng và các lần nhiễm bệnh trước đã tăng cao.

WHO: Hai nguyên nhân chính  khiến COVID-19 càn quét châu Á - Ảnh 1.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove - Ảnh: WHO

Tuy nhiên, các làn sóng COVID-19 mới vẫn ập đến vì hai lý do. Thứ nhất, miễn dịch cộng đồng đó vẫn suy giảm dần theo thời gian, mà các nước châu Á là ví dụ.

Thứ hai, Omicron đã sinh ra hơn 900 dòng con kể từ khi được phát hiện (cuối năm 2021), trong đó các dòng con mới đã biến đổi để có khả năng thoát miễn dịch cao, tăng khả năng lây truyền.

Ấn Độ, một trong những nơi làn sóng mới phức tạp nhất, là ví dụ hoàn hảo của sự kết hợp hai yếu tố đó: Họ trải qua làn sóng lớn sau cùng là thời Delta, đã qua rất lâu; đón nhận một làn sóng được thúc đẩy chủ yếu bởi XBB.1.16 thoát miễn dịch.

Tuy nhiên, bà Kerkhove cũng đem đến một tin vui cho châu Á: Sau nhiều tuần làn sóng mới càn quét, WHO khẳng định không có sự gia tăng tỉ lệ nhập viện và tử vong so với các làn sóng trước, cho thấy XBB.1.5, XBB.1.16, XBB.1.9... và các dòng con mới khác không tăng độc lực.

Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO tiếp tục khuyến cáo các nước thành viên tăng cường giám sát, xét nghiệm, bảo đảm những người có nguy cơ cao nhất có thể "tiếp cận theo nhu cầu" các mũi vắc-xin COVID-19 tăng cường và thuốc điều trị.

Theo thông cáo báo chí hôm 5-5 của WHO, biến chủng thống trị toàn cầu vẫn đang là XBB.1.5 với tỉ lệ 46,71%, có xu hướng giảm nhẹ.

Chiếm tỉ lệ thấp hơn nhưng đang gia tăng là XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.9.2 và nhóm các dòng con XBB khác, chiếm lần lượt 5,7%, 10,66%, 2,79%, 16,39% số trình tự gien được giải mã giám sát toàn cầu trong tuần dịch tễ thứ 15.

Tín hiệu vui và các rào cản cho việc chấm dứt đại dịch

Phát biểu mở màn tại cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp về Quy định Y tế quốc tế về COVID-19 (EC IHR COVID-19) hôm 4-5, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong mỗi 10 tuần qua, số ca tử vong do COVID-19 được báo cáo hàng tuần là thấp nhất kể từ tháng 3-2021.

WHO: Hai nguyên nhân chính  khiến COVID-19 càn quét châu Á - Ảnh 2.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: DW

Xu hướng bền vững này đã cho phép cuộc sống trở lại "bình thường" ở hầu hết các quốc gia, đồng thời nâng cao năng lực của các hệ thống y tế để đối phó với khả năng bùng phát trở lại và gánh nặng của tình trạng hậu COVID-19.

Tuy nhiên một số điều không chắc chắn về sự tiến hóa của virus vẫn tồn tại, giám sát và giải trình tự gen đã giảm đáng kể trên khắp thế giới, khiến việc theo dõi các biến chủng đang lưu hành và phát hiện những biến thể mới trở nên khó khăn hơn.

Sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các biện pháp can thiệp cứu sống cũng tiếp tục khiến hàng triệu người trên thế giới gặp rủi ro không cần thiết, và sự mệt mỏi do đại dịch đe dọa tất cả chúng ta. Các quốc gia sẽ cần học cách quản lý nó cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.

Tại cuộc họp, EC IHR COVID-19 sẽ cung cấp thêm thông tin về tình hình toàn cầu và phản ứng toàn cầu, cũng như ý nghĩa pháp lý của tuyên bố tiềm năng chấm dứt tình trạng PHEIC (Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế) của COVID-19

Kết quả chính thức của cuộc họp, bao gồm việc COVID-19 có tiếp tục tạo thành PHEIC không, sẽ được công bố với giới truyền thông. Việc chấm dứt PHEIC của WHO là nền tảng để các quốc gia mạnh dạn quyết định coi COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm thông thường, thay vì một đại dịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại