Theo thông báo chính thức ban hành ngày 24-4 của WHO, trẻ em dưới 5 tuổi phải dành ít thời gian hơn trước màn hình, hạn chế tình trạng bị gò bó trong ghế, xe đẩy, bị địu trên cơ thể người chăm sóc.
Tiến sĩ Fiona Bull, người quản ký chương trình Giám sát dân số và phòng ngừa bệnh không lây của WHO, việc không đáp ứng các khuyến nghị hoạt động thể chất hiện tại là nguyên nhân của hơn 5 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm ở tất cả các nhóm tuổi.
Smartphone , ti vi, máy tính bảng và máy tính thông thường không phải là các thiết bị nên dành cho trẻ nhỏ, theo khuyến cáo của WHO - ảnh minh họa từ internet
Cụ thể, hội đồng chuyên gia WHO đưa ra khuyến cáo cho trẻ em từ 0-4 tuổi:
Trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi): nên hoạt động thể chất nhiều lần trong ngày, thông qua việc chơi trên sàn, có tương tác với người khác. Với trẻ chưa thể tự di động, nên đặt trẻ ít nhất 30 phút ở vị trí dễ hoạt động (như nằm sấp) và tương tác với trẻ, khuyến khích đọc sách, kể chuyện cho bé.
Trẻ không nên bị gò bó quá 1 giờ mỗi lần (ví dụ ở trên xe đẩy, ghế có dụng cụ cố định, địu hay buộc bằng đai vào người chăm sóc). Không khuyến khích sử dụng màn hình ( smartphone , ti vi và các thiết bị công nghệ khác). Trẻ từ 0-3 tháng cần 14-17 giờ ngủ chất lượng, từ 4-11 tháng cần 12-16 giờ ngủ.
Trẻ từ 1-2 tuổi: cần dành ít nhất 180 phút hoạt động thể chất trong ngày, trải đều cả ngày và càng nhiều càng tốt. Tương tự trẻ dưới 1 tuổi, không cố định trẻ vào ghế, xe, vào người lớn quá 1 giờ mỗi lần. Trẻ 1 tuổi không nên dùng smartphone, ti vi, chơi game.
Trẻ 2 tuổi có thể dùng các thiết bị trên dưới 1 giờ nhưng ít hơn càng tốt và nên thay bằng việc nghe người lớn đọc sách, kể chuyện. Trẻ tuổi này nên ngủ 11-14 giờ, bao gồm ngủ trưa, nên chia giấc ngủ thành nhiều đợt trong ngày.
Trê 3-4 tuổi: nên dành ít nhất 180 phút hoạt động thể chất, trong đó ít nhất 60 phút là hoạt động ở cường độ trung bình đến mạnh. Việc gò bó quá 1 giờ vẫn nên tránh và thời gian sử dụng màn hình vẫn nên ít hơn 1 giờ.
Tiến sĩ Juana Willumsen, đến từ chương trình chống bệnh béo phì và tăng cường hoạt động thể chất ở trẻ em của WHO, nhấn mạnh thay thế thời gian màn hình bằng vận động sẽ đem lại hiệu quả tích cực hơn, đồng thời đảm bảo trẻ có giấc ngủ ngon hơn, chất lượng tốt.
Thời gian tĩnh tại chất lượng, tức thay vì ngồi trước smarphone, ti vi, máy tính…; trẻ được ngồi nghe đọc sách, kể chuyện, học hát, chơi với các câu đó, rất quan trọng đối với sự phát triển của bé.
Áp dụng các khuyến nghị nên trên trong 5 năm đầu đời sẽ giúp trẻ phát triển tốt khả năng vận động, nhận thức và sức khỏe suốt đời.