"Vừa làm vừa run", Mỹ đang "biếu không" cả Trung Đông và Syria vào tay trục Nga-Iran?

Quốc Vinh |

Sự thiếu kiên định và luôn sợ rủi ro của chính quyền Trump đang khiến cho Mỹ dần mất chỗ đứng ở cả Syria lẫn Trung Đông.

Mặc dù liên tục có những tuyên bố hùng hồn từ các nhà lãnh đạo Barack Obama và Donald Trump, Mỹ vẫn đang tiếp tục mất đi ảnh hưởng cả về chính trị và quân sự ở Trung Đông vào tay trục Iran-Nga, theo Arab Weekly.

Kể từ tháng 1/2017, tiến trình chính trị Astana do Nga lãnh đạo cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đã hoạt động song song với tiến trình Geneva được quốc tế công nhận.

Cũng từ đó, Moscow đã sát cánh bên Ankara sau khi người Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi ưu tiên của mình từ lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad sang mục tiêu khác.

Các khu vực giảm leo thang được tạo ra bởi tiến trình Astana đã cho phép chính quyền Assad loại bỏ dần dần các phe nhóm đối lập cho đến khi chỉ còn lại thành trì Idlib cuối cùng.

Việc định hình lại cục diện quân sự ở Syria có khả năng sẽ viết lại các thuật ngữ của tiến trình Geneva, trong đó thương lượng các điều khoản để nhà lãnh đạo này sẽ ở lại ghế quyền lực.

Hội nghị thượng đỉnh Istanbul vào cuối tháng 10 đã chứng kiến Đức và Pháp tách ra khỏi nhóm Geneva để hòa nhập với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Đây là dấu hiệu cho thấy tiến trình Asatana thâu tóm tiến trình Geneva đã gần hoàn tất.

Hội nghị Istanbul đã thảo luận về mục tiêu tái thiết Syria sau chiến tranh và tiến tới các cuộc bầu cử để hợp pháp hóa quyền lực của Tổng thống Assad. Trong khi các nhà ngoại giao châu Âu bày tỏ sự không hài lòng về việc Berlin và Paris tham gia cùng với Nga - phía Mỹ đã công khai xác nhận khuôn khổ này.

Bên trong Syria, tình hình còn tồi tệ hơn. Tổng thống Trump đã quyết định mục tiêu chống lại Iran là trọng tâm chính sách Trung Đông của ông. Mỹ trước đó cũng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran. Tuy nhiên, ở những nơi thực sự quan trọng, ảnh hưởng của Iran đã được mở rộng trong sự phối hợp với Nga.

Dấu hiệu rõ ràng nhất về sự thiếu nghiêm túc của chính quyền Trump đối với Iran là cho phép sự sụp đổ của Daraa, vùng đất Syria trên biên giới của Israel do quân nổi dậy miền Nam (SF) nắm giữ.

Mỹ đã vượt qua ranh giới nhạy cảm nhất bằng cách thiết lập quan hệ với Israel để tìm kiếm vùng đệm chống lại lực lượng Iran. Tuy nhiên, Mỹ lại cắt đứt sự hỗ trợ đối với SF và sau đó đứng sang một bên nhìn không quân Nga cho phép Iran dẫn đầu chiếm lĩnh khu vực này vào tháng 7.

Washington đã có một bước đi không hiệu quả khi Moscow đã thuyết phục được Israel giữ hòa khí để mọi ý đồ của Mỹ không thành hiện thực.

Tệ hơn nữa, theo tờ Wall Street Journal, kể từ khi liên minh ủng hộ chính quyền Assad chiếm Daraa, khoảng 2.000 phiến quân bị Mỹ bỏ rơi đã được Iran tuyển dụng và tiến hành các hoạt động ở Lebanon, Hezbollah.

Ở phía bên kia Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã huy động các phiến quân do mình hậu thuẫn để tấn công người Kurd ở phía Đông Euphrates.

Một trong những nhóm phiến quân này là Firqat al-Hamza, nằm trong chương trình tập hợp lực lượng chống Assad của CIA. Mỹ sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi những chiến binh mình loại bỏ nay đã tìm kiếm sự bảo trợ thay thế và thậm chí còn quay trở lại tấn công họ.

Vừa làm vừa run, Mỹ đang biếu không cả Trung Đông và Syria vào tay trục Nga-Iran? - Ảnh 1.

Mỹ mất đi sự kiên định trong mục tiêu chống Iran ở Syria.

Chính quyền Trump đã đặt cược vào Saudi Arabia như một trụ cột chống Iran mang ý nghĩa chiến lược. Nhưng theo quan điểm của Saudi, họ có thể cam kết chống lại mối đe dọa Iran nhưng không thể gánh được hết mọi gánh nặng mà Mỹ đổ dồn cho riêng mình.

Saudi là một thành phần cần thiết của liên minh chống Iran nhưng bất kỳ nỗ lực nào để đối đầu với Tehran cũng cần phải có sự giúp sức của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặt trận chống lại Iran là ở Syria và các quốc gia vùng Vịnh không có các công cụ để tiến hành sự phản kháng tại đây. Trong số các lựa chọn khác, người Kurd không phải là lựa chọn đáng tin cậy và Israel dù có khả năng nhưng bị hạn chế về mặt chính trị.

Có những dấu hiệu cho thấy Mỹ cần Thổ Nhĩ Kỳ để đạt được các mục tiêu đề ra ở phía Trung Đông và sự nghiêm túc đối với việc chống lại Iran đã xuất hiện trở lại.

Tuy nhiên, mọi thứ được cho là đã quá muộn màng. Mỹ cho thấy sự chậm chạp của mình cùng với việc không kiên định với những điều bản thân muốn và mất đi sự tín nhiệm đối với các đối tác.

Ngoài Syria , những nơi khác cũng đang cho thấy sự lúng túng của Mỹ. Tại Yemen, chính quyền Trump đang báo hiệu sự không sẵn sàng trong sứ mệnh chống lại Iran đến từ liên minh của Saudi và tại Lebanon, mọi ảnh hưởng cũng đang rơi vào tay Tehran.

Sau sự sụp đổ của Daraa, Mỹ sẽ khó khăn hơn nhiều khi ban hành chính sách chống Iran một cách nghiêm túc và sẽ khó có chuyện chính quyền Trump cứng rắn với mục tiêu của mình khi vẫn còn lo sợ gặp rủi ro và trả giá đắt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại