Vụ tàu vỏ thép: Tranh cãi việc thay thép Trung Quốc

TẤN LỘC |

Công ty Đại Nguyên Dương xin chỉ thay thế số thép sử dụng không đạt chuẩn; Bình Định yêu cầu phải tháo thép Trung Quốc, thay thép mới.

Chiều 11-7, UBND tỉnh Bình Định có văn bản giao Sở NN&PTNT có văn bản xin ý kiến chỉ đạo, xử lý của Bộ NN&PTNT về việc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) xin giữ lại năm tàu cá đóng bằng thép Trung Quốc (TQ) bị rỉ sét để sửa chữa chứ không tháo ra, thay mới bằng thép Hàn Quốc (HQ) như yêu cầu của UBND tỉnh Bình Định.

Nếu giữ thép Trung Quốc, khó đảm bảo chất lượng

Chiều cùng ngày, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp với các ngư dân chủ tàu cùng hai doanh nghiệp đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để bàn phương án, kế hoạch khắc phục, sửa chữa 20 tàu cá vỏ thép vừa đóng mới đã hư hỏng.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết UBND tỉnh yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương phải tháo bỏ thép TQ, thay lại bằng thép HQ đảm bảo thép đạt chuẩn loại A theo quy định.

Lý do là công ty này đã tự ý đóng năm con tàu bằng thép TQ không đảm bảo tiêu chuẩn, trong khi hồ sơ thanh toán với ngư dân là thép HQ. Hiện nay cả năm con tàu này đều bị rỉ sét trầm trọng, không thể ra khơi.

Tuy nhiên, trong phương án sửa chữa, khắc phục trình Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, Công ty Đại Nguyên Dương xin không thay thế toàn bộ thép TQ bằng thép HQ mà đưa tàu lên đà kiểm tra tổng thể mẫu thép vỏ tàu, nếu thép TQ đạt cấp A thì giữ lại, vị trí nào không đạt cấp A, thiếu hàm lượng mangan thì mới thay thế bằng thép HQ đạt chuẩn A.

Theo giải trình của Công ty Đại Nguyên Dương, tại cuộc làm việc mới đây, công ty này và các chủ tàu đã thống nhất không thay toàn bộ thép vỏ tàu mà chọn giải pháp khắc phục như trên.

Công ty Đại Nguyên Dương đưa ra lý do nếu thay toàn bộ thép vỏ tàu thì phải tháo dỡ gần như toàn bộ con tàu, thời gian thi công hoàn chỉnh con tàu phải mất 6-8 tháng, ảnh hưởng đến khả năng đi biển, trả nợ ngân hàng của ngư dân.

Ngoài ra, công ty này và ngư dân cũng thống nhất tính toán lại giá thép của TQ, HQ cùng thời điểm, thỏa thuận đền bù phần chênh lệch cho ngư dân.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nói: “Quan điểm nhất quán của tỉnh là yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương phải tháo gỡ thép TQ, đóng mới bằng thép HQ đối với toàn bộ năm con tàu do công ty này đóng.

Kết quả kiểm tra cho thấy công ty này có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong đóng tàu cho ngư dân”.

“Vì sao tỉnh không tiếp tục yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương tháo bỏ thép TQ mà đề nghị Bộ NN&PTNT cho ý kiến? Trong trường hợp Bộ NN&PTNT đồng ý giữ lại thép TQ thì ý kiến của tỉnh thế nào?”.

Trả lời câu hỏi này, ông Châu nói: “Do Bộ NN&PTNT có chuyên môn hơn trong lĩnh vực này. Nếu Bộ không yêu cầu thay bằng thép HQ thì tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng khác xử lý tiếp.

Nếu giữ lại thép TQ chỉ là sửa chữa tạm thời và không ai có thể dám đảm bảo chất lượng cho những con tàu này ra khơi trong những năm tới”.

Nam Triệu thay 10 máy mới

Cũng trong chiều 11-7, UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất một phần phương án, kế hoạch sửa chữa các tàu vỏ thép bị hư hỏng do Sở NN&PTNT đề xuất trên cơ sở phương án của hai công ty trên.

Theo đó, trước đây tỉnh Bình Định có 18 tàu vỏ thép phải sửa chữa. Tuy nhiên, mới đây lại có thêm hai chủ tàu yêu cầu Công ty Nam Triệu phải khắc phục, sửa chữa các hư hỏng của vỏ tàu, máy tàu.

Do đó UBND tỉnh buộc Công ty Nam Triệu phải sửa chữa, khắc phục 15 tàu và Công ty Đại Nguyên Dương năm tàu.

UBND tỉnh thống nhất cho Công ty Nam Triệu thay mới toàn bộ máy chính của hãng Mitsubishi cho 10 tàu vỏ thép mà trước đây công ty này đã lắp bằng máy cải hoán, không chính hãng, bị hỏng liên tục.

Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Nam Triệu phải thay mới máy chính hiệu Doosan cho tàu của ông Trần Đình Sơn.

Trong phương án khắc phục, Công ty Nam Triệu chỉ thực hiện bảo hành, thay thế các linh kiện, phụ tùng mới cho tàu của ông Sơn chứ không thay máy mới.

Công ty này đề nghị có kết luận nguyên nhân hư hỏng của máy chính hiệu Doosan để có căn cứ làm việc với đơn vị cung cấp máy vì phụ thuộc chính sách bảo hành của hãng Doosan. Tuy nhiên, UBND tỉnh không chấp nhận phương án này.

Tại cuộc làm việc trên, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết bốn chủ tàu vỏ thép còn lại trong số trên yêu cầu kiểm tra lại hồ sơ, nguồn gốc, xuất xứ của các máy phụ, máy phát điện do Công ty Nam Triệu đóng.

Nếu các máy này không đúng hợp đồng thì công ty phải thay lại máy mới theo đúng hợp đồng. Mặt khác, hai công ty trên phải thay mới hoặc sửa chữa như mới toàn bộ thiết bị hàng hải, khai thác cho các tàu bị hư hỏng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại