Tàu vỏ thép 67 ở Thanh Hoá: Hạng mục nào cũng hỏng

XUÂN HÙNG |

Hiện Thanh Hoá có 23 tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67. Đến nay, chưa đến 1 năm nhưng 18/23 tàu thường xuyên hư hỏng. Để có sự phản ánh khách quan, chân thực về bức tranh tàu vỏ sắt 67 ở Thanh Hoá, nhiều ngày qua, PV Lao Động đã gặp gỡ, trao đổi với các chủ tàu, các chuyên gia ngành tàu biển... Nhiều bất cập lộ rõ nhưng vấn đề lớn nhất là cục nợ ngày càng to và không thể để ngư dân tự bơi.

Kỳ 1: Hạng mục nào cũng hỏng

Từ máy chính, máy phát điện, tời, sào, giàn đèn đến sơn vỏ các tàu 67 ở Thanh Hoá đều “có vấn đề”. Càng làm đúng thiết kế càng hay hỏng. Có tàu còn được nhà sản xuất “hào phóng” tăng công suất máy nhưng đến khi hỏng mới tá hoả là… máy cũ.

Mới chạy 1 năm mà như... ông lão

23 con tàu vỏ thép, có 5 tàu do Cty Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng; 5 do Cty Đại Dương (Thái Bình); 2 của DN tư nhân Nguyễn Văn Tuấn (Thái Bình); 8 do Cty Hoàng Phong (Nam Định); 1 do Cty TNHH Nam Triệu (Hải Phòng), 1 do Cty Hoàng Linh (Thanh Hoá) đóng và 1 do Cty Thịnh Long (Nam Định) đóng. Hư hỏng phổ biến nhất là phần sơn vỏ tàu. 18/23 con tàu đều bị hỏng sơn dẫn đến gỉ sét nhiều, hà bám dày đặc.

“Ban đầu gỉ đến đâu, hà bám đến đâu thì chúng tôi cạo ra, làm lại đến đó nhưng rồi nó gỉ nhanh quá, hà bám hàng đống nên không thể khắc phục kịp nữa” - ông Lê Văn Lực (Hoằng Trường, Hoằng Hoá) - chủ tàu TH.91709.TS do Cty Đại Nguyên Dương đóng, nói.

Hầu hết các tàu sau chưa đầy 1 năm khai thác đều cũ kỹ như đi biển đến 10 năm. Theo kỹ sư Ngô Hữu Tiến - chuyên gia thân vỏ tàu thuỷ, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do chất lượng sơn không đảm bảo.

“Nếu sơn đúng kỹ thuật thì dù có thép cũ hay thép Trung Quốc kém chất lượng thì đến 5 -7 năm mới xảy ra tình trạng trên” - kỹ sư Tiến nói.

Kỹ sư Ngô Hữu Tiến cũng như đa số chủ tàu đều nghi ngờ chất lượng thép không đạt tiêu chuẩn, chủng loại và độ dày cũng không đúng thiết kế. Tuy nhiên, các chủ tàu đều tin tưởng cơ quan đăng kiểm và chưa có thể khẳng định sai phạm này.

Tời cháy, sào yếu, đèn đểu, máy cũ, thiết kế lỗi...

Hư hỏng thường xuyên ở tất cả các tàu là phần tời và các sào, máy phát điện. Tàu ông Lê Văn Còng, số hiệu TH.91646.TS ở xã Hoằng Trường, công suất 811CV do Cty Đại Nguyên Dương đóng mới chạy được 8 tháng /8 chuyến nhưng chuyến nào cũng hỏng.

“Trục trặc liên tục đặc biệt 2 máy phát điện và 4 sào rất yếu, gió cấp 4,5 là không hoạt động được. Máy cứ nổ là nóng, chạy đường dài là chết. 

Trong khái toán máy không có tên tuổi gì cả. Khi xưởng mua về xác định máy là máy Trung Quốc, chúng tôi đề nghị thay máy khác nhưng Cty không thay” - ông Còng cho hay.

Tàu ông Lê Văn Lực (Hoằng Trường) do Cty Đại Nguyên Dương đóng mới cũng tình trạng tương tự. 2 máy phát điện xuất xứ Trung Quốc liên tục hỏng. Giàn đèn 200 quả đã cháy 100 quả nhưng không thấy nhà bảo hành đâu.

Hệ thống tời trục trặc ngay từ chuyến ra khơi đầu tiên. 4 sào yếu, không hoạt động tốt. Tàu ông Nguyễn Văn Dự (Hoà Lộc, Hậu Lộc) có công suất 811CV do DN Nguyễn Văn Tuấn (Thái Bình) đóng mới. Mới khai thác 4 tháng nhưng liên tục hỏng tời.

“Hỏng ngay khi xuất xưởng, cứ vừa phải gia cố vừa khai thác” - ông Dự nói. Ông Nguyễn Văn Nhung ở Hoằng Phụ, Hoằng Hoá đóng tàu 829CV do Cty Đại Dương thi công. Hạ thuỷ 21.1, đến nay đã phải vào bờ sửa chữa 3 lần. 

Hỏng hóc chủ yếu là máy phát điện và hệ thống tời dù ông đã bỏ ra hơn 300 triệu gia cố, thay thế nhiều hạng mục. Giàn đèn không đảm bảo chất lượng nên anh em bị đỏ, cháy da. 

Các tàu khác, đặc biệt tàu do Cty Đại Nguyên Dương đóng đều có lỗi ở cả 3 hạng mục chính trên.

Nguyên nhân của tình trạng này cần các cơ quan chuyên môn làm rõ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Lao Động, phần tời, sào có nguyên nhân từ khâu thiết kế.

“Nhà thiết kế không tính được hoạt động thực tế ngoài khơi nên thiết kế sào, tời không đáp ứng, do vậy, tàu nào làm theo đúng thiết kế đều hỏng”. 

Một số chủ tàu có kinh nghiệm, tự trang bị phần này thì ổn định hơn. Nhiều hạng mục khác thiết kế cũng không hợp lý.

Chẳng hạn, khoang dầu quá nhiều trong khi khoang nước ít lại không có balap để xử lý. 

Cái cần thì không có, cái có lại không cần; khắc phục tình trạng này, tàu ông Trần Văn Thượng (Tĩnh Gia) đã phải đổ hàng tấn bêtông xuống đáy; máy dò cá lại hàn trực tiếp khiến mỗi khi trục trặc mắt dò phải đưa lên đà, mất số tiền lớn thay vì chỉ tháo ra, mua mắt mới chi phí thấp…

Tàu dịch vụ hậu cần của ông Đặng Văn Hà, xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc có công suất máy thiết kế là 1.000 CV (2 máy, mỗi máy 500 CV).

Tuy nhiên, theo ông Hà, đơn vị đóng tàu là Cty TNHH Nam Triệu Hải Phòng lại… hào phóng lắp 2 máy mỗi máy 600CV, nâng công suất lên 1.200CV. Khi xảy ra hỏng máy, ông Hà gọi thợ sửa thì mới tá hoả là… máy bãi chứ không phải máy mới như hợp đồng.

Tổng chi phí sửa chửa đến nay gần 400 triệu đồng. Ông Hà đã báo với Cty Nam Triệu và sau nhiều lần cò cưa, đơn vị đóng tàu gọi ông Hà ra Hải Phòng đưa 100 triệu. “Họ đưa tôi 100 triệu như kiểu bố thí, bảo tôi: Ông cầm chừng ấy tiền về thích sửa gì thì sửa” - ông Hà nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại