Có quyền tạm giữ hình sự
Liên quan đến vụ ông bố đập hộp sữa tại siêu thị ở Nghệ An, ngày 21/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh đã bắt giữ Nguyễn Cảnh Cường và Nguyễn Văn Hùng về hành vi hủy hoại tài sản.
Xung quanh vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, vụ việc hủy hoại sữa tại siêu thị nêu trên là hành vi xâm hại quyền sở hữu tài sản hợp pháp được pháp luật bảo vệ.
Theo ông Cường, căn cứ khởi tố vụ án hình sự là hành vi có dấu hiệu tội phạm.Vì vậy, nếu người nào cố ý hủy hoại (đập, phá, đốt...) tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì vụ việc có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
"Nếu siêu thị tố giác hành vi hủy hoại tài sản của Cường và Hùng là có cơ sở và tài sản thiệt hại 7 hộp sữa trẻ em nhãn hiệu Glico Icreo loại 800 gram thì cơ quan điều tra có quyền tiến hành tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 103 BLTTHS và hướng dẫn tại Thông tư 06/2013/TTLT.
Trong quá trình xác minh tin báo, tố giác tội phạm thì cơ quan điều tra có quyền tạm giữ hình sự hai đối tượng Cường và Hùng để tiến hành xác minh, điều tra về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản", luật sư Cường nhấn mạnh.
Luật sư Đặng Văn Cường
Cơ quan điều tra sẽ xác minh để làm rõ các nội dung sau: Tài sản bị hư hỏng thuộc sở hữu của ai? Tài sản bị hư hỏng, hủy hoại trị giá bao nhiêu tiền? Các đối tượng đập phá tài sản với mục đích gì?
Các đối tượng đó có năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không (có bị mắc bệnh tâm thần hay bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hay không )... để làm căn cứ xử lý các bước tiếp theo.
Nếu xác định các hộp sữa đó là tài sản thuộc quyền sở hữu của siêu thị, đồng thời trị giá của tài sản bị hư hỏng từ 2 triệu đồng trở lên, các đối tượng đập phá không bị tâm thần khi thực hiện hành vi hủy hoại, làm hư hỏng tài sản thì đủ căn cứ để xử lý hình sự các đối tượng này về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 BLHS.
Theo đó, các đối tượng này sẽ bị khởi tố bị can, có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam (nếu không có nơi cư trú rõ ràng hoặc cản trở điều tra). Để xác định tài sản bị hủy hoại của ai sẽ căn cứ vào hóa đơn, chứng từ của tài sản đó.
Để xác định giá trị của tài sản bị hủy hoại hoặc bị làm hư hỏng thì căn cứ vào kết quả định giá của hội đồng định giá trong tố tụng hình sự. Giá trị được xác định là giá thị trường (bán ra) tại thời điểm xảy ra sự việc.
Nếu các đối tượng trên có dấu hiệu tâm thần thì có thể tiến hành trưng cầu giám định tâm thần để làm căn cứ xác định năng lực trách nhiệm hình sự.
Cũng cần nói thêm là giá trị tài sản bị hư hỏng, bị hủy hoại không phải đơn thuần là giá trị nhập vào, cũng không phải là giá bán ra của siêu thị này mà là giá cả bán ra trung bình trên thị trường.
Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự sẽ được thành lập và tiến hành định giá theo trình tự, thủ tục luật định. Nếu giá trị tài sản bị hủy hoại, bị làm hư hỏng mà từ 2 triệu đồng trở lên là có căn cứ xử lý hình sự các đối tượng nêu trên.
Chủ sở hữu tài sản rút đơn thì vụ việc vẫn bị xử lý hình sự
Luật sư Cường khẳng định, vụ việc này không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại.
"Kể cả trong trường hợp chủ sở hữu tài sản không có đơn yêu cầu hoặc rút đơn yêu cầu thì vụ việc vẫn bị xử lý hình sự (nếu trị giá tài sản từ 2 triệu đồng trở lên).
Đồng thời, nếu cơ quan điều tra nơi đây không xử lý hình sự các đối tượng này khi đã có căn cứ rõ ràng thì những người có trách nhiệm trong vụ việc này cũng sẽ bị xử lý về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự với người có tội, theo quy định tại Điều 293 BLHS", ông nhấn mạnh.
Kể cả trong trường hợp siêu thị này bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... thì người tiêu dùng (các đối tượng trên) cũng không được phép "tự xử" đến đập phá, gây rối trật tự công cộng.
Hành vi bán hàng giả, hàng kém chất lượng (nếu có) sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật bởi các cơ quan có thẩm quyền theo một trình tự thủ tục luật định, chứ không được phép tự xử, manh động như vậy.
Không thể lấy một hành vi vi phạm pháp luật để đáp lại, giải quyết một hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi xúi bẩy, kích động hành vi vi phạm pháp luật cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ và xử lý theo pháp luật, tránh oan sai và cũng không được bỏ lọt tội phạm.
Nếu cứ để hành vi tự xử, manh động như vậy thì sẽ cổ xúy cho hành động bạo lực, phá hoại doanh nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và gây mất ổn định trật tự xã hội.
Trươc đó, khám xét nơi ở của Nguyễn Văn Hùng, Cảnh sát thu giữ 0,025 gam heroin, một bộ quân phục cảnh sát kèm quân hàm Trung tá.
Về hành vi này, theo luật sư Cường cũng cần xem xét, làm rõ. Nếu đủ căn cứ thì có thể tiếp tục xử lý hình sự về tội danh khác có liên quan.