Nữ điều dưỡng cấp cứu khách nước ngoài ngừng tim ở Đà Nẵng, sử dụng kỹ thuật ai cũng nên biết

Ngọc Hân |

Đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi không được cấp cứu ngừng tim kịp thời, do đó, biết được các bước cấp cứu người ngừng tim, ngừng tuần hoàn là rất quan trọng.

Nữ điều dưỡng cấp cứu cho khách nước ngoài ngừng tim

Mới đây, một clip quay cảnh nữ điều dưỡng cấp cứu cho khách nước ngoài ngừng tim đã được lan truyền trên mạng.

Cụ thể, vào lúc 20 giờ ngày 24/3, trong khi đang ăn cùng với vợ, ông N.J. (quốc tịch Ấn Độ) xuất hiện choáng, đi lại loạng choạng, ngã quỵ xuống đất, mất ý thức, vệ sinh không tự chủ, báo Người Lao Động đưa tin.

Gần như ngay lập tức, theo phản xạ, điều dưỡng viên Đặng Thị Hạ (nhân viên của Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) đang ngồi ăn cùng bạn ở bàn bên cạnh lao đến kiểm tra mạch cảnh, tri hô nhân viên nhà hàng xung quanh gọi cấp cứu 115 hỗ trợ.

Người phụ nữ trẻ này tiến hành cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực cho nạn nhân.

Sau khoảng vài chục lần ép tim ngoài lồng ngực theo chu kỳ thì bệnh nhân có ý thức trở lại, ổn định chức năng sống và được xe cấp cứu 115 Đà Nẵng vận chuyển đến cấp cứu tại một bệnh viện lớn ở địa phương.

Nữ điều dưỡng cấp cứu khách nước ngoài ngừng tim ở Đà Nẵng, sử dụng kỹ thuật ai cũng nên biết- Ảnh 1.

Nữ điều dưỡng cấp cứu khách nước ngoài bị ngừng tim ở Đà Nẵng hôm 24/3. (Ảnh cắt từ clip)

Theo thông tin ban đầu, người đàn ông nói trên đi du lịch cùng vợ tại TP Đà Nẵng. Du khách này có tiền sử bệnh lý mạch vành, đã phải phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành. Hai ngày trước khi bị tình trạng trên, bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa. Trong lúc đang ăn tối cùng vợ, người này đã đứng lên rời khỏi bàn ăn, nhưng chỉ ít giây sau đó người đàn ông này xuất hiện ngừng tim.

Theo lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, công tác truyền thông và giáo dục cộng đồng trong việc cấp cứu ngừng tuần hoàn trong những năm gần đây đã được quan tâm hơn, tuy nhiên nhiều người dân vẫn còn e ngại do chưa được đào tạo và hướng dẫn, do chưa biết cách tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, hoặc cấp cứu chưa được hiệu quả.

Theo Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, ngừng tuần hoàn, hô hấp sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng, với tỷ lệ lên tới 90%, hoặc để lại di chứng nặng nề như tổn thương não vĩnh viễn nếu không được cấp cứu kịp thời.

Hướng dẫn cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp

Mục đích cao nhất của việc cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp là duy trì nhịp thở, quá trình vận hành của nhịp tim, ngăn nguy cơ não ngừng hoạt động với biến chứng gây tổn thương các bộ phận khác trong cơ thể. Nguyên tắc cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp cần diễn ra nhanh chóng và đúng cách.

Dưới đây, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê hướng dẫn cộng đồng cách nhận biết người ngừng tuần hoàn hô hấp và cách cấp cứu các trường hợp này.

I. Dấu hiệu ngừng tuần hoàn hô hấp

Ngừng tuần hoàn hô hấp là tình trạng tim ngừng bơm máu khiến máu không thể lưu thông đến các bộ phận khác của cơ thể. Dấu hiệu nhận biết như sau:

- Mất ý thức một cách đột ngột.

- Khi lay gọi người bệnh cũng không có phản ứng.

- Ngưng thở.

- Mạch lớn không đập.

II. Kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản

Việc đầu tiên cần làm khi phát hiện người ngừng tuần hoàn hô hấp là gọi cấp cứu, viện trợ, Sau đó, chúng ta cần di chuyển bệnh nhân đến vùng an toàn trước khi tiến hành cấp cứu:

- Đặt bệnh nhân nằm ngang, trên mặt phẳng cứng.

- Tháo lỏng cà vạt, dây nịt.

Theo Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, để đạt hiệu quả tốt nhất, cần tiến hành kết hợp ép tim và thổi ngạt, thực hiện xen kẽ. Một chu kỳ hồi sinh tim phổi được tính bằng 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt. 

1. Kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực

- Trước hết đặt 2 tay lên nhau, sao cho gốc bàn tay dưới ở tại vị trí ép tim. Đồng thời, khuỷu tay để thẳng. Khi ép, cần dùng lực ép vuông góc để ngực của nạn nhân lún xuống từ 5 đến 6cm. Sau khi ép xong, phải nhấc tay lên, để ngực nạn nhân trở lại vị trí ban đầu. Tiếp đó mới thực hiện lần ép tiếp theo.

vvvv

Ép nhanh, mạnh, tần số 100-120 lần/phút

2. Kỹ thuật thổi ngạt 

a) Thông đường thở

Với những trường hợp bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở chẳng hạn nhu do dịch tiết, tụt lưỡi, mắc dị vật… bước đầu tiên cần thực hiện là khai thông đường thở cho bệnh nhân. Tùy từng người bệnh để áp dụng những biện pháp phù hợp. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là đẩy dị vật ra ngoài.

- Với người lớn, có thể áp dụng kỹ thuật ngửa đầu/nâng cằm:

+ Người bệnh nằm ngửa

+ Người thực hiện đứng một bên của người bệnh.

+ Một tay đặt dưới cằm và nâng cằm lên trên, tay còn lại đặt trên trán, ép xuống dưới và về phía thân.

+ Kiểm tra đường thở và lấy bỏ dị vật nếu có.

Nếu nghi ngờ chấn thương cột sống cổ thì áp dụng kỹ thuật ấn giữ hàm.

- Với trẻ nhỏ: Tiến hành lấy dị vật bằng cách đặt trẻ lên đùi, một tay giữ trẻ, dùng lòng bàn tay để vỗ mạnh vào lưng bé. Nếu thấy có dịch chảy ra từ miệng của bé, cần tiến hành hút dịch để đường thở thông thoáng.

b) Thổi ngạt

Áp dụng kỹ thuật thổi miệng – miệng. Cách thực hiện như sau:

- Đặt một bàn tay lên trán của nạn nhân, sau đó ấn ngửa đầu bệnh nhân ra sau và đồng thời kẹp mũi bệnh nhân bằng ngón trỏ và ngón cái. Tay còn lại nâng hàm dưới và mở miệng bệnh nhân.

- Hít một hơi thật sâu, áp chặt miệng của bạn vào miệng của nạn nhân và tiến hành thổi vào miệng của nạn nhân.

Trong quá trình thực hiện, cần khẩn trương và chính xác. Nếu sau mỗi lần thực hiện, lồng ngực của nạn nhân có hiện tượng nở phồng lên thì nghĩa là bạn đang làm đúng kỹ thuật.

vvvvv

Ngửa đầu, nâng cằm nạn nhân

 

vvvvvv

Hít sâu, thổi ngạt 2 lần

- Trong quá trình sơ cứu, cần thực hiện liên tục cho đến khi nhân viên y tế đến hoặc bệnh nhân tỉnh lại.

Dấu hiệu cho thấy kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn đã đạt hiệu quả: Môi người bệnh ấm và hồng trở lại, đồng tử co lại, trong trường hợp thiếu oxy não chưa lâu thì bệnh nhân vẫn còn khả năng phục hồi. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu sự sống có thể kể đến như có nhịp tim, nhịp thở và hồi phục ý thức trở lại...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại