Liên quan đến chuyến bay VN7344 ngày 29/4 hạ cánh xuống đường băng chưa đưa vào khai thác tại sân bay Cam Ranh, đại diện Vietnam Airlines cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Vietnam Airlines đã phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan điều tra, làm rõ.
Kết quả điều tra, bình giảng sự cố trong nội bộ Vietnam Airlines cho thấy, sự cố hạ cánh nhầm đường băng hôm 29/4 có một phần quan trọng do lỗi của tổ bay.
Theo báo Tuổi trẻ, sự cố này được xác định ở mức độ nghiêm trọng nhóm B, chỉ đứng sau sự cố nhóm A (tai nạn). Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy lỗi thuộc về tổ bay do đã xác định nhầm và hạ cánh xuống đường băng không được chỉ định.
Khi máy bay hạ cánh, thời tiết nắng ráo, tầm nhìn xa và trang thiết bị hướng dẫn của kiểm soát viên không lưu đều tốt. Người trực tiếp điều khiển chuyến bay VN7344 là lái phụ người Việt Nam, còn cơ trưởng người Mỹ quan sát và cảnh báo.
Nguồn trên cho hay, cơ trưởng người Mỹ Andre Thomes Cuevas (SN 1965) làm việc cho Vietnam Airlines từ tháng 1/2018. Phi công này mới hoàn thành huấn luyện lên cơ trưởng, số giờ bay tích lũy trên vị trí cơ trưởng còn khá hạn chế.
Người quyết định hạ cánh chuyến bay VN7344 là phi công người Việt Nam (SN 1991) - cũng vừa được phê chuẩn làm cơ phó.
Một phi công lái máy bay thương mại cho biết trên VnExpress, quá trình tiếp cận hạ cánh của một chuyến bay liên quan đến ba bộ phận: đơn vị quản lý sân bay, phi công và không lưu.
Đối với tổ lái, Vietnam Airlines quy định, ở giai đoạn tiếp cận hạ cánh, lái chính và lái phụ phải thực hiện hô - đáp nhắc lại khẩu lệnh nhằm kiểm tra chéo cho nhau, bảo đảm máy bay đã tiếp cận đúng. Từ đó cho đến lúc hạ cánh, phi công trực tiếp điều khiển máy bay sẽ được phi công còn lại hỗ trợ quan sát, cảnh báo.
Tuân thủ đúng quy trình, giữa các phi công và giữa tổ lái với kiểm soát viên không lưu có thể nhận biết được có sai sót và cảnh báo cho nhau nếu thấy hô - đáp không khớp về thông tin. Nếu phát hiện nhầm đường băng, phi công vẫn có thể bay lên tiếp cận hạ cánh lần hai.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, người điều khiển máy bay không phát hiện sự nhầm lẫn nhưng cơ trưởng với vai trò là người quan sát, cảnh báo cũng không nhận ra sai sót.
Trên Pháp luật TP.HCM, cựu phi công Nguyên Khánh Duy cho rằng, việc đáp nhầm đường băng lỗi chính thường do phi công.
Ông Duy nhận định có ba nguyên nhân chính dẫn tới việc máy bay đáp nhầm xuống đường băng đang sửa chữa.
Thứ nhất, có thể do nhân viên điều hành bay hướng dẫn sai. Thứ hai, do tổ lái không quan sát kỹ hoặc thực hiện không đúng hướng dẫn của nhân viên không lưu. Thứ ba là lỗi hỗn hợp của cả hai phía.
Thông thường, trong suốt quá trình bay cũng như đáp xuống đường băng, ngoài sự trợ giúp của nhân viên không lưu và hệ thống radar, cơ trưởng còn có sự trợ giúp của cơ phó.
"Nếu nhìn qua radar thấy hai đường băng gần nhau, có thể bị nhầm lẫn thì cơ trưởng, cơ phó phải quan sát thật kỹ và trao đổi kỹ để đưa ra quyết định chính xác nhất.
Khi không thống nhất được thì phải hỏi lại nhân viên không lưu. Theo tôi, việc đáp nhầm đường băng lỗi chính thường do phi công" - ông Duy nhận định.
Theo Tuổi trẻ, ngày 2/5, Cục Hàng không dự kiến sẽ chính thức công bố kết quả điều tra ban đầu.
14 giờ 53 ngày 29/4, máy bay A321 của Vietnam Airlines số hiệu VN7344, bay chặng TP.HCM - Cam Ranh (SGN-CXR) đã hạ cánh nhầm xuống đường băng số 2 chưa đưa vào khai thác tại sân bay Cam Ranh. Rất may sau khi máy bay hạ cánh, tất cả 203 hành khách đều an toàn.
Ngay sau đó, Vietnam Airlines và Cục Hàng không Việt Nam đã đình chỉ đội bay để làm rõ vụ việc.
Trả lời báo chí, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ này đã báo cáo vụ việc máy bay hãng hàng không Vietnam Airlines hạ cánh nhầm ở sân bay Cam Ranh (Khánh Hoà) lên Thủ tướng Chính phủ.
Tổng hợp