Liên quan đến vụ việc máy bay Vietnam Airlines hạ cánh nhầm đường băng chưa khai thác ở sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), trao đổi với PV, Đại tá - phi công Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay, ông đã theo dõi khá kỹ các thông tin trong mấy ngày qua.
Theo ông, đây là một sự cố được đánh giá nghiêm trọng và dù may mắn không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý đối với hành khách.
"Chắc chắn ai đi máy bay mà gặp phải sự cố hạ cánh nhầm đường băng như thế này cũng đều hoảng sợ cả", ông Trung nói.
Nguyên Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines thông tin, cách đây nhiều năm đã từng xảy ra một số vụ việc như ở sân bay Tân Sơn Nhất, kiểm soát viên chỉ dẫn hạ đường băng này nhưng phi công lại hạ bên đường băng kia...
Động cơ máy bay bị bám đầy mẫu vật nghi là đất, vật liệu xây dựng – Ảnh: P.C.
Đối với sân bay Cam Ranh, trước đây sử dụng 2 đường băng nhưng sau đó, do nhiều nguyên nhân đã để hư hỏng một nên giờ phải tạm dừng khai thác để sửa lại.
"Trong sự cố hạ cánh nhầm đường băng này thì rõ ràng lỗi chính thuộc phi công và họ đã nhận trách nhiệm. Các cơ quan chức năng sẽ làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định.
Tuy nhiên, ở đây cũng cần làm rõ về việc tại sao đang sửa chữa đường băng mà không có hệ thống đèn, biển báo và phía hãng cũng cần thông tin rõ cho phi công về sân bay, đường đăng đang sửa..." ông Trung nêu.
Đại tá phi công nêu rõ, cơ trưởng của chuyến bay có quốc tịch Mỹ, làm việc cho Vietnam Airlines từ tháng 1/2018 và cơ phó là người Việt. Thông thường với những lỗi được xác định nghiêm trọng như thế này thì mức kỷ luật phi công có thể phải chịu là sa thải.
Còn TS Trần Đình Bá cho hay, đây là vi phạm Luật hàng không dân dụng Việt Nam nghiêm trọng và có thể do lỗi cả điều hành không lưu và cả tổ lái. Ông cũng gọi đây là "sự nhầm lẫn ngớ ngẩn, coi thường tính mạng con người".
Theo ông Bá, rất may là toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đều an toàn. Trong đó, may mắn thứ nhất là đường băng đã được trải thảm bê-tông, thứ hai là máy bay đã không cán vào các thiết bị, chướng ngại vật ở dưới mặt đất.
Ở độ cao 200-300 m lao xuống, phi công chỉ có thể thấy những chướng ngại vật lớn như ôtô, người đi lại dưới đường băng chứ không thể thấy những dụng cụ thi công.
Chỉ cần đụng vào bất cứ vật dụng gì, nó cũng có thể bắn trở lại máy bay, gây gãy cánh, gãy càng, nổ lốp khiến máy bay lao ra ngoài đường băng, dễ gây cháy nổ.
Trước đó, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tổ công tác đặc biệt vẫn đang làm việc, xác minh rõ nguyên nhân sự cố và sẽ có thông tin kết luận sớm.
Vị này cũng cho hay, sự cố này được xác định ở mức độ nghiêm trọng (nhóm B), chỉ đứng sau sự cố nhóm A (tai nạn). Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy lỗi thuộc về tổ bay do đã xác định nhầm và hạ cánh xuống đường băng không được chỉ định.
Đại diện Vietnam Airlines khẳng định, đang hợp tác chặt chẽ với Cục Hàng không và các cơ quan đơn vị chức năng liên quan để điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc.
Quan điểm của Hãng là minh bạch, rõ ràng, thông tin đầy đủ và nhanh chóng tới đoàn điều tra của cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân và đưa ra biện pháp xử lý, khắc phục.
Hiện toàn bộ 7 thành viên của tổ bay đã bị đình chỉ và các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân sự cố này.