Vụ chạy thận Hòa Bình: Vì sao BS Lương lại ký tên vào y lệnh của 2 đồng nghiệp?

Như Loan |

Như ông Khiếu PGĐ BV giải thích "chỉ BS có Giấy chứng nhận hành nghề đối với chuyên môn TNT mới được phép ký Y lệnh độc lập". 2 BS còn lại chưa có nên BS Lương phải ký tên cùng.

Hết 4 ngày xét xử vẫn chưa biết nhiệm vụ BS Lương bao gồm những gì?

Như báo chí đã đưa tin, chiều ngày hôm qua (18/5) HĐXX đã công bố lời khai của hai bác sĩ công tác tại đơn nguyên thận nhân tạo cùng với BS Hoàng Công Lương, bên cạnh đó HĐXX còn cho BS xem chữ ký ở cuốn sổ ký xác nhận y lệnh chạy thận cho bệnh nhân.

BS Phạm Thị Huyền khai rằng nhiệm vụ của mình là "thăm khám bệnh cho bệnh nhân, sau đó xin ý kiến của bác sỹ Lương về việc cho y lệnh lọc máu với từng người".

Trong đơn nguyên có ba bác sĩ, trong đó BS Huyền được BS Lương phân công làm ở buồng số 3, BS Linh ở buồng 2 còn BS Lương ở buồng 1.

Vụ chạy thận Hòa Bình: Vì sao BS Lương lại ký tên vào y lệnh của 2 đồng nghiệp? - Ảnh 1.

Kết thúc 4 ngày xét xử vẫn chưa biết nhiệm vụ BS Lương bao gồm những gì...

Chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh từ bút lục rằng: "BS Lương là người được giao nhiệm vụ quản lý chung tại đơn nguyên, trong đó phụ trách về chuyên môn và phụ trách trực tiếp hai BS là BS Hằng và Linh. BS Lương là người ra y lệnh cuối cùng của mỗi ca chạy thận nhân tạo".

Giống với lời khai của BS Hằng, nhiều bút lục từ lời khai của BS Nguyễn Mạnh Linh cũng cho thấy bị cáo Lương là người được phân công phụ trách đơn nguyên.

Lời khai của hai BS này cũng nói rằng bị cáo Lương là người có kinh nghiệm trong đơn nguyên và được trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu, phó khoa Hoàng Công Tình phân công phụ trách điều trị. Bác sỹ Lương là người được giao nhiệm vụ quản lý chung tại đơn nguyên, phụ trách về chuyên môn và phụ trách trực tiếp bác sỹ Huyền và bác sỹ Linh, khi BS Lương ra y lệnh thì các BS khác phải thực hiện.

Đặc biệt, tại bút lục BS Linh khai rằng, ngày xảy ra sự cố (tức sáng 29/5/2017) sau khi tiến hành thăm khám bệnh xong, bác sỹ Linh báo cáo với bác sỹ Lương về tình hình bệnh nhân và được bác sỹ Lương yêu cầu ra y lệnh cho các bệnh nhân tại buồng số 2.

Trước phần khai báo của đồng nghiệp, BS Lương được HĐXX yêu cầu lên trước bục khai báo và hỏi bị cáo có ý kiến gì về những lời khai của hai BS nói trên, BS Hoàng Công Lương phủ nhận cả hai lời khai của 2 BS trên.

Có thể thấy, trách nhiệm và công việc cụ thể của BS Lương tại đơn nguyên thận nhân tạo vẫn là "tâm điểm" của 4 ngày diễn ra xét xử. Bị cáo Lương một mực khẳng định mình không được phân công phụ trách đơn nguyên mà chỉ đơn thuần là một bác sĩ bình thường có nhiệm vụ chuyên môn chạy thận lọc máu.

Trước những chứng cứ buộc tội BS Lương, các LS bào chữa cho bị cáo cũng tung một loạt lý lẽ để chứng minh thân chủ của mình không phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo, nên không việc gì phải chịu trách nhiệm về sự cố y khoa gây nên cái chết của 8 bệnh nhân chạy thận.

Có mặt tại phiên xét xử ngày thứ hai, ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình thì khẳng định có phân công bác sỹ Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo.

Tuy nhiên, việc phân công này tuy không có văn bản chính thức nhưng cũng đã được công bố "bằng miệng" tại cuộc họp giao ban của khoa Hồi sức tích cực.

Trong khi đó, lời khai của ông Đỗ Đình Vận, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, trong chiều 18/5 không khẳng định bác sỹ Lương là người phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo nhưng cũng không phủ nhận.

Ông Vận cho rằng ông chưa được thấy văn bản giấy tờ quyết định việc BS Lương có trách nhiệm phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo.

"Khi quyết định một vấn đề về nhân sự phải có đề nghị của Trưởng khoa gửi qua Đảng ủy và Ban giám đốc bệnh viện, sau đó lấy phiếu tín nhiệm, chứ không phải muốn là được" - ông Đỗ Đình Vận nói nhấn mạnh.

Bác sỹ Lương ký vào Y lệnh là để "chia sẻ trách nhiệm với đồng nghiệp"

Cũng trong chiều 18/5, HĐXX công bố một số bệnh án của bệnh nhân do hai bác sỹ Phạm Thị Huyền và Nguyễn Mạnh Linh trực tiếp điều trị, trong đó có chữ ký của bác sỹ Lương trên Y lệnh của bác sỹ Huyền và bác sỹ Linh. Trong khi đó, trên Y lệnh của Hoàng Công Lương lại không có chữ ký của hai bác sỹ này.

Vụ chạy thận Hòa Bình: Vì sao BS Lương lại ký tên vào y lệnh của 2 đồng nghiệp? - Ảnh 3.

BS Hoàng Công Lương khẳng định việc ký là để "chia sẻ trách nhiệm với đồng nghiệp". (Ảnh: Như Hoàn)

Sau khi được HĐXX cho xem một số y lệnh thuộc hồ sơ bệnh nhân nói trên, Hoàng Công Lương xác nhận đúng là chữ ký của mình.

HĐXX đặt câu hỏi với bị cáo Lương vì sao trong các bệnh án do bị cáo ra y lệnh thì không có chữ ký của đồng nghiệp bên cạnh, trong khi bị cáo lại ký xác nhận vào Y lệnh của đồng nghiệp?

Với phần chất vấn này, HĐXX muốn làm sáng tỏ việc có hay không việc Hoàng Công Lương là người phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo, nên hai bác sỹ Huyền, Linh phải lấy chữ ký của Lương trong Y lệnh của mình.

Trả lời HĐXX, bị cáo Lương cho biết việc kí như trên chỉ là với tư cách chia sẻ chuyên môn và trách nhiệm với các bác sĩ còn lại, nếu có sai sót gì thì sẽ cùng chịu trách nhiệm.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 16/5 ông Hoàng Đình Khiếu đã đưa ra lời giải thích mang tính thuyết phục hơn. Cụ thể, tại đơn nguyên thận nhân tạo có 3 bác sỹ Lương – Huyền – Linh và 11 điều dưỡng.

So với hai bác sỹ Huyền – Linh, bác sỹ Lương có bằng cấp cao hơn vì đã học xong chuyên khoa I và có thâm niên công tác lâu hơn. Đặc biệt, bác sỹ Lương đã có Giấy chứng nhân hành nghề đối với chuyên môn thận nhân tạo. Còn 2 BS còn lại thì chưa có.

Tại phiên tòa, ông Khiếu cũng không quên giải thích, "Theo quy định của ngành y và của Bộ Y tế, việc chỉ những bác sỹ có Giấy chứng nhận hành nghề đối với chuyên môn thận nhân tạo mới được phép ký Y lệnh độc lập".

Kết thúc ngày xét xử thứ 4 trước lời khai của hai vị đồng nghiệp, BS Hoàng Công Lương thêm một lần nữa khẳng định việc bị cáo ký là để "chia sẻ trách nhiệm với đồng nghiệp". Tại phiên tòa, đã nhiều lần bị cáo Lương xác nhận điều này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại