Khi thực hiện tuyến bài LÀM GÌ ĐỂ KHỎE MẠNH cùng người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác nhau, chúng tôi mong muốn gửi tặng độc giả một cách nhìn mới và toàn diện về lối sống, cách chăm sóc sức khỏe của một nhân vật cụ thể, từ đó, mỗi người có thể rút ra được những bài học cho riêng mình.
Chúng ta cùng trao đổi chủ đề này với Võ sư Đinh Trọng Thủy - Phó ban chuyên môn Hội Võ thuật Hà Nội, Trưởng võ phái Vịnh Xuân Kungfu Thăng Long. Chúng tôi hy vọng những thông tin này sẽ góp phần vào quá trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mỗi chúng ta được tốt hơn.
BTV Vân Hồng: Xin chào Võ sư Đinh Trọng Thủy, ấn tượng đầu tiên khi tôi nhìn thấy ông là một người cơ bắp lực lưỡng, thần thái nhanh nhẹn, có phải ông được mọi người khen là "người khỏe của những người khỏe"?
Võ sư Đinh Trọng Thủy: Xin chào chị Vân Hồng và quý độc giả. Thật sự mà nói, sức khỏe là đề tài rộng lớn. Mỗi con người đều có cơ địa, bẩm sinh và cách rèn luyện sức khỏe khác nhau. Thường thì mọi người hay nói rằng "trông anh kia khỏe nhỉ" nhưng thực tế thì chưa chắc anh đó đã khỏe thật.
Hoặc nhìn vào một người nào đó trông rất cơ bắp và nói rằng trông họ thật khỏe, nhưng thật ra nội tạng của họ có thể rất yếu, hay sinh lý, tình dục và nhiều yếu tố khác đang bị yếu, dù bề ngoài trông rất "hoàng tráng".
Cho nên hình thức chưa đánh giá được một cách toàn diện, mà còn dựa vào thần thái, tâm sinh lý, sức bền, chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể của một người để xem họ có thực sự khỏe hay không.
Tôi rất may mắn là sinh ra trong một gia đình truyền thống có hơn 20 đời luyện võ nên được rèn luyện rất nhiều ngay từ nhỏ. Tôi từng trải qua việc rèn luyện cùng với các võ sư Liên Xô (cũ), Trung Quốc, của dòng họ, bố mẹ, các thầy và bạn bè nên có thể nói đến giờ này, tôi sở hữu một sức khỏe tương đối ổn định.
Ngoài ra, mặc dù tôi là người cơ bắp, nhưng lại vận động và chạy nhảy rất nhanh, bởi tôi đã được tập luyện từ bé, với rất nhiều môn hỗn hợp, các đường lối thể thao đa dạng.
Ví dụ tôi đang dạy võ trường phái nhu đạo, nhưng tôi lại có thể đẩy tạ rất khỏe. Tôi vốn là một lực sĩ thực thụ được nhà nước đào tạo. Nhiều trục đối xứng như vậy sẽ bổ sung cho con người có sự đa diện, mình chơi các môn thể thao có sự đối lập.
Ví dụ như tôi vừa đẩy tạ, lại vừa có thể đá cầu mây, thậm chí còn có thể santo được một vòng. Ở tuổi này, gần 60 tuổi và 90kg, không ai nghĩ tôi có thể làm được động tác đó.
Sức khỏe đòi hỏi một sự toàn diện. Cho nên để định nghĩa sức khỏe là vô cùng rộng. Tôi được xem là người khỏe của những người khỏe.
BTV Vân Hồng: Vậy quan niệm của ông thế nào là một người thực sự khỏe mạnh?
Võ sư Đinh Trọng Thủy: Có nhiều người nghĩ rằng chỉ cần ăn uống ngủ nghỉ bình thường, không ốm đau bệnh tật đã là khỏe. Nhưng tôi quan niệm, khỏe còn có thể ở một mức độ cao hơn rất nhiều.
Thước đo để biết sức khỏe chính là nhìn vào thần thái, cơ bắp chỉ là "phụ tùng" để đánh giá bổ trợ thôi. Sức khỏe tốt sẽ toát ra thần thái và năng lượng.
Khái niệm "năng lượng" ở đây là sự cảm nhận về một người. Tôi học nhiều về sức khỏe và gặp được nhiều các thiền sư, họ quan niệm rằng người khỏe sẽ toát ra nguồn năng lượng lớn.
Sức khỏe tổng thể của mỗi người thường đánh giá chung chung với nhiều cấp độ khác nhau.
Khi người ta nhìn vào một người cán bộ về hưu chẳng hạn, thấy họ ăn uống điều độ, không bệnh tật, đi lại bình thường đã được đánh giá là khỏe.
Với nhu cầu của một cuộc sống bình thường thì thế cũng được coi là sức khỏe tốt. Nhưng nếu chúng ta có sự rèn luyện đều đặn, biết cách ăn uống và sinh hoạt đúng đắn thì sức khỏe sẽ tốt hơn. Khi khỏe mạnh, nó giúp ích rất nhiều cho mình trong cuộc sống hàng ngày. Lao động, đi chơi đều có chất lượng cao hơn.
Tôi ví dụ, một cuộc đi chơi du lịch của bạn, nếu không có sức khỏe tốt, bạn sẽ không thể đi nổi. Ví dụ bạn đi du lịch theo tour, bạn sẽ khó mà theo kịp người khác nếu bạn không có một thể lực tốt.
Có nhiều người đi chơi, vừa đến địa điểm du lịch đã phải ngồi nghỉ, không đi tiếp được, tay cầm nước, tay cầm túi thuốc để uống, hoặc ngồi rũ rượi không còn sức để tham quan vãn cảnh.
Thường thì các địa điểm du lịch sẽ là những nơi đồi núi hay sông nước, chùa chiền hoặc có những khoảng không gian rộng, khi đến đó ít nhất cũng phải đi bộ, leo trèo khá nhiều, nếu không đủ sức khỏe thì chúng ta khó có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn.
BTV Vân Hồng: Ông là người tập luyện cường độ cao từ nhỏ đến lớn, thậm chí cho đến nay vẫn tập đều đặn. Ông thấy người chăm tập luyện có khác với người ít vận động nhiều không?
Võ sư Đinh Trọng Thủy: Tôi là người nhìn vào khía cạnh sức khỏe theo một cách rất thực tế trong đời sống hàng ngày. Khi có sức khỏe, chúng ta sẽ đủ tỉnh táo, minh mẫn và nhanh nhẹn để tham gia giao thông an toàn hơn. Nếu mình lái xe mà không có sức khỏe cũng có thể gặp nguy hiểm.
Người tập luyện thể thao sẽ rất nhanh nhẹn, nên đi xe cũng sẽ an toàn hơn. Khỏe cũng giúp bản thân trở nên yên tâm hơn khi gặp tình huống bị bắt cóc hay dọa dẫm, mình cũng có thể chống đỡ tốt hơn so với việc mình quá yếu ớt.
Tập luyện võ nghệ hay thể dục đều không cần quá nhiều, chỉ cần tập một chút, đi xe đạp một chút chẳng hạn.
Khi rèn luyện đều đặn nó cũng sản sinh ra hormone hay sóng điện từ, giống như các cụ ngày xưa hay nói là "át vía" với những người nhìn vẻ ngoài có sóng điện từ nhờ tập luyện. Tôi ví dụ, khi người nào đó muốn làm gì đó để lấn át mình, mà họ nhìn thấy cái thần thái của mình, cái "vía" của mình mạnh mẽ thì họ cũng giảm cái suy nghĩ đó đi. Cái này khoa học cũng đã chứng minh.
Đơn giản như trong cuộc sống hàng ngày, khi chúng ta cảm thấy sợ chó, đến nhà người khác chơi thấy đàn chó lao ra là chúng ta hoảng sợ, phản ứng ngược, rất dễ bị chó tấn công. Nhưng nếu bạn có thần thái khỏe mạnh, lừng lững đi vào, thì con chó nó lại thay đổi "thái độ"... Có rất nhiều trường hợp như thế.
Trong khoa học tâm linh người ta gọi là thần thái, nguồn năng lượng. Mà có được điều này thì cần phải rèn luyện thông qua thể dục, ăn uống, nghỉ ngơi, điều độ, môi trường.
BTV Vân Hồng: Là một người đàn ông khỏe mạnh, ông quan sát những người đàn ông khác, ông có thấy họ cần phải thay đổi điều gì để trở nên khỏe mạnh hơn không?
Võ sư Đinh Trọng Thủy: Bây giờ có một vấn đề lớn là đàn ông uống rượu bia nhiều quá, tôi thấy đó là nguyên nhân phá sức khỏe nhiều nhất.
Bản thân tôi đã kiêng rượu bia từ lâu rồi và tôi cảm nhận rất rõ sự thay đổi khác biệt giữa việc uống và không uống rượu bia.
Việc từ chối rượu bia theo tôi thực ra không khó. Khi ai đó mời mình, mình chỉ uống 1 chén ban đầu thôi, sau đó thì mình nói rằng mình phải lái xe, hoặc bận đi đâu đó sau bữa tiệc, hoặc rất nhiều lý do khác. Chỉ khi mình không muốn kiêng thì mình mới có lý do để uống nhiều, uống say mà thôi. Do cái sự quyết tâm của mình thôi.
BTV Vân Hồng: Là người đi nhiều nơi, giao lưu với nhiều người, tiệc tùng cũng không ít. Ông có thể kể ra những thứ gọi là "thói xấu" của đàn ông hay không?
Võ sư Đinh Trọng Thủy: Cái xấu lớn nhất mà tôi thấy phổ biến nhất chính là phong cách của đàn ông trong những buổi tiệc. Đang ngồi ăn thì rút thuốc ra hút. Một thói quen rất mất vệ sinh và ảnh hưởng đến người xung quanh một cách khủng khiếp.
Hơn nữa, khi đang ăn, khoang miệng hoạt động để xử lý thực phẩm, rồi lại ngậm thuốc hút, làm tê đầu lưỡi, sẽ mất cảm giác về hương vị, làm giảm ý nghĩa của việc cảm nhận món ăn. Gây thiệt hại cho bản thân và gây ra sự phiền phức cho mọi người xung quanh.
Nhiều người coi hút thuốc là một kiểu sĩ diện, ăn chơi rởm đời nhìn rất buồn cười.
Thói quen khác nữa là gọi rất nhiều thức ăn, toàn những món ăn đắt đỏ, ba ba, cá sông, gà rừng và cơ man nào là thức ăn, nhưng lại không ăn ngay mà ngồi hút thuốc rồi nói chuyện. Thức ăn thì nhiều nhưng không ai chịu gắp, rồi thừa bỏ đi. Trong khi đó, tàn bữa tiệc, tôi lại phải tạt vào đâu đó để ăn tiếp vì thực ra là chưa ăn gì, như thế chính là một bữa tiệc thất bại, tốn nhiều tiền mà ai cũng đói.
Khi đi ăn tiệc là phải ăn lót trước, vì khi đi vào bữa tiệc, đa số mọi người là bắt đầu nâng ly uống ngay lập tức. Làm như vậy là rất nguy hiểm cho sức khỏe. Hơn nữa, tôi là lực sĩ, ăn nhiều hơn người bình thường, nên khi ăn tiệc mà chỉ ngồi trò chuyện rồi uống như vậy thật sự không hợp.
Tôi cũng không quen kiểu nhậu nhẹt khề khà. Tôi đã đi nhiều nơi và ăn tiệc ở nhiều nước. Dù là Tây hay Trung Quốc thì cũng ít khi họ ăn nhậu mất nhiều thời gian, chỉ có đàn ông Việt mình mới có kiểu nhậu mất thời gian và lạ lùng như vậy.
Tôi đi tiệc ở nước ngoài, kể cả Trung Quốc, trước khi ăn tiệc, họ chỉ chạm cốc 1 lần, sau đó là mời nhau ăn các món ăn, không mời uống nữa nếu như mình không chủ động uống.
Trong khi đó, từ Hà Nội vừa lên Hà Giang, đi mấy trăm cây số, ngồi vào bàn ăn, đã rót rượu và mời uống liên tục, hầu như còn chưa mời ăn. Tôi phải nói vui là, vừa mới đi xa bụng đói quá rồi, không mời ăn gì sẽ chết đói luôn. Nhưng người ta vẫn tiếp tục mời rượu. Đó là một thói quen vô cùng tai hại, nhưng lại rất phổ biến. Phải gọi đó là hủ tục chứ không phải là sự nhiệt tình tiếp đón nữa.
Nhiều người hút xì gà cũng rất tùy tiện, vệ sinh kém, mồm rất hôi, người ngồi xung quanh sẽ không chịu nổi.
Nhiều người có mùi mồ hôi nặng, hơi thở hôi, khi ở trong không gian nhỏ hẹp thì lại càng khó chịu. Đàn ông nói nhiều những câu chuyện nhạt nhẽo, nói đi nói lại không chán.
Thói quen tiếp theo là thách đố uống rượu, để xem ai uống được nhiều hơn. Ngay kể cả nôn ra tại chỗ vẫn tiếp tục uống để thi.
BTV Vân Hồng: Theo trải nghiệm của cá nhân ông, chúng ta cần phải làm gì để duy trì phong độ ổn định trong thời gian dài?
Võ sư Đinh Trọng Thủy: Để có sức khỏe toàn diện, ngoài rèn luyện cần chú ý ăn uống. Nên ăn uống khoa học. Tôi hiện tại ăn uống đơn giản, bổ sung thêm thức ăn từ chất đạm như thịt, cá, cua. Nhưng tuổi này thì đã ăn ít đi rất nhiều so với thời tôi là một lực sĩ đi thi đấu.
Người ta khuyến cáo không ăn nhiều đường, nên nhiều người lại bỏ hẳn không ăn, điều đó cũng không hẳn là tốt.
Tôi học được thói quen ăn ít bằng cách giảm dần số lượng thức ăn. Mỗi ngày giảm một ít để dạ dày co lại. Vì là vận động viên nên tôi đã từng ăn rất nhiều. Một nhà vô địch thường thì để có thành tích cao, phải có cơ địa khác người, nên tôi đã phải ăn rất nhiều do cơ thể đòi hỏi.
Khi tập cường độ cao và ăn nhiều như vậy thì bình thường, nhưng nếu ít tập đi thì cân nặng sẽ tăng lên. Do đó, phải điều chỉnh theo tình hình thực tế.
Cách khỏe mạnh tốt nhất là luyện tập đều hàng ngày, từ 30 phút đến 1 tiếng. Kể cả khi bạn đi công tác vẫn có thể tập được ở những phòng tập trong khách sạn hoặc chạy ra đường.
Ăn uống điều độ, hạn chế bia rượu chính là một trong những thói quen mà chúng ta rất cần phải tuân thủ.
Ngoài ra, là đàn ông, tôi nghĩ rằng việc duy trì hoạt động tâm sinh lý đều đặn cũng là một yếu tố quan trọng. Nhiều người tập thể hình quá nhiều nhưng lại lơ là vấn đề tâm sinh lý. Có nhiều người quá chú ý đến cơ bắp, hình thức đẹp mà không cân bằng tâm sinh lý thì cũng không tốt. Nên cân đối giữa thể thao và hạnh phúc gia đình.
Tôi gặp nhiều người tập thể hình rất chăm chỉ, cơ bắp đẹp, nhưng ra ngoài trúng gió là ốm, đi xe còn bị say và nôn. Nên việc rèn luyện cần phải chú ý, làm sao để tăng sức đề kháng tốt.
Ví dụ, sức chịu đựng của các cầu thủ bóng đá luôn tốt hơn các lực sĩ. Cùng đoàn thi đấu với nhau nhưng cầu thủ và võ sĩ thường khỏe mạnh hơn lực sĩ và các vận động viên khác. Lời khuyên của tôi là nên dạn dày sương gió.
Khi chúng ta khỏe mạnh, đi du lịch cũng khác hẳn những người yếu ớt. Ra ngoài sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn vẻ đẹp của thiên nhiên, đi chỗ này chỗ khác, leo lên núi, vào các khu vực tham quan một cách thuận lợi. Khi bạn yếu ớt, đến thở còn mệt nói gì đi chơi đâu xa, leo núi này núi khác, rất khó.
Tôi phải nhấn mạnh rằng, một sức khỏe hoàn thiện có thể đảm bảo được chất lượng cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày thuận lợi, chăm sóc được cho người thân, đi tham quan du lịch thoải mái. Khỏe mạnh còn có thể tự vệ tốt, khi gặp tình huống xấu, người có sức khỏe có thể chống chọi lại, có kỹ năng thoát hiểm, có khả năng bảo vệ bản thân tốt hơn.
Ví dụ có người xâm phạm hay tấn công mình, mình có thể phản kháng lại một cách hiệu quả. Tập thể dục thể thao hay tập võ đều có thể giúp cân bằng tâm lý, trở nên mạnh mẽ hơn, thần thái uy dũng hơn. Nhìn một người nào đó khỏe mạnh, vạm vỡ, người xấu cũng phải có tâm lý e dè, run sợ, từ bỏ ý định tấn công.
Khi tập luyện nhiều, tay chân sẽ nhanh nhẹn, đầu óc chỉ huy tốt, chúng ta có thể làm được nhiều việc hiệu quả hơn. Tập võ không phải để tấn công ai, mà là cách tốt nhất để bảo vệ chính bản thân mình và người thân.
BTV Vân Hồng: Vậy, chúng ta sẽ tập luyện như thế nào cho hợp lý nếu như thời gian và điều kiện kinh tế eo hẹp?
Võ sư Đinh Trọng Thủy: Để khỏe mạnh, mỗi người nên bỏ ra khoảng 30 phút đến 1 giờ để dành cho việc tập luyện. Bạn có thể tập tại nhà hoặc tham gia tập luyện tại các phòng tập. Làm được việc này thật sự tốt cho sức khỏe, vừa có vóc dáng đẹp, vừa có cơ thể săn chắc, linh hoạt, lại có thể có trạng thái tinh thần tốt.
Ngoài ra còn có thể giao lưu nhiều hơn với mọi người, mở rộng các mối quan hệ tốt, từ đó sẽ làm việc tốt hơn, cuộc sống thuận lợi hơn.
Có nhiều cách để duy trì việc tập thể dục thể thao, bạn có thể tập tại nhà mà không cần dụng cụ, cũng có thể mua thêm thiết bị tập thể dục thể thao như các loại máy chạy bộ và dụng cụ hỗ trợ khác. Hoặc có thể đi ra ngoài, đi công viên, đến phòng tập, rất nhiều nơi có thể giúp chúng ta duy trì hoạt động thể dục thể thao phù hợp với nhu cầu và mong muốn của mình.
Tập Yoga hoặc khiêu vũ, giúp cho tim mạch tốt hơn, cân bằng tâm sinh lý hơn. Một điều quan trọng nữa là duy trì chế độ ăn uống tốt, tăng cường ăn rau củ quả.
Tôi thấy nhiều người trung niên trở lên thích tập thể dục, trong khi những người trẻ thì lười biếng hơn. Đó là một điều đáng tiếc, nếu người trẻ mà chăm chỉ tập thể dục thì lợi ích sẽ nhiều hơn nữa.
Những người ốm yếu mà không biết nguyên nhân thì nên đi khám, gặp bác sĩ để tìm kiếm nguyên nhân, nếu có bệnh thì điều trị kịp thời và triệt để. Sau đó thì bạn tiến hành chăm sóc bản thân hàng ngày, tập luyện thường xuyên.
Tôi trước đây bị đau dạ dày, tinh thần căng thẳng thì bệnh lại càng nặng. Sau đó tôi điều trị và tập luyện, bệnh đã khỏi. Khi khỏi rồi vẫn phải tiếp tục coi như mình đang có bệnh để có động lực chăm sóc bản thân tốt hơn, không để cho bệnh tái phát, không chủ quan.
Mỗi người cần phải lắng nghe cơ thể của mình. Nhiều người có những thói quen sai lầm và thực hiện trong lâu dài nhưng họ không ý thức được rằng đó là hành vi tàn phá cơ thể. Ví dụ, khi bụng đang đói nhưng vẫn uống cà phê đặc hoặc trà đặc. Điều này là rất phổ biến.
Trên thế giới rất ít có những trường hợp ăn uống vô độ như chúng ta, ăn rất mặn, uống trà hay cà phê đều rất đặc, các món ăn khác cũng như vậy.
Còn một thói quen khác là ăn xong lập tức pha một ấm trà đặc để uống. Bản thân tôi không bao giờ áp dụng những thói quen này. Cách ăn uống của chúng ta nhiều người không chú ý, không hợp lý.
BTV Vân Hồng: Một câu hỏi cuối, ông có kinh nghiệm riêng nào giúp nam giới tăng cường sinh lý hay không?
Võ sư Đinh Trọng Thủy: Nam giới muốn khỏe mạnh về mặt sinh lý, trước hết phải chăm chỉ tập thể dục. Tiếp theo là cơ thể không được để tích tụ mỡ thừa. Người béo phì thì không thể khỏe mạnh về sinh lý được.
Cách tốt nhất là bạn có thể tập chạy, điều hòa hệ thần kinh, nói nôm na là "bảo phải nghe". Khi bạn muốn gì mà bạn không thể làm được thì điều đó sẽ không thể giúp bạn duy trì chức năng sinh lý tốt.
Khi thần kinh điều khiển được các hoạt động của cơ thể thì sẽ điều khiển được quá trình hoạt động tình dục.
Và cuối cùng, cũng là quan trọng nhất, hãy theo đuổi lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, duy trì các thói quen tốt mọi lúc, mọi nơi, biết quan tâm đến người phụ nữ của mình, mọi thứ sẽ trở nên tuyệt vời hơn.
BTV Vân Hồng: Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc ông luôn khỏe mạnh!